Thứ sáu, 29/03/2024 12:38 (GMT+7)

Tái sử dụng tro, xỉ thải: Câu chuyện từ Nhiệt điện Hải Phòng

MTĐT -  Thứ hai, 10/07/2017 08:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ bảo đảm đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện theo hướng biến tro xỉ thành vật liệu xây dựng.

Quyết định “cứu nguy”

Hiện nay, cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, với công suất phát gần 14.500 MW, mỗi năm thải khoảng 15 triệu tấn tro xỉ, trong đó lượng tro chiếm 75%. Dự kiến sau năm 2020, với 43 nhà máy, sẽ thải ra hơn 30 triệu tấn tro xỉ/năm, hầu hết các nhà máy chỉ có bãi thải chứa trong khoảng 5 năm và chủ yếu là chôn lấp.

Theo tính toán, để có công suất 36.000 MW vào năm 2020, các nhà máy nhiệt điện cần 67 triệu tấn than/năm, và để làm ra 75.000 MW công suất năm 2030, các nhà máy nhiệt điện cần tới 171 triệu tấn than/năm. Tổng lượng tro xỉ trung bình chiếm 25 đến 60% lượng than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ).

Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất xi-măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20-30%, cho nên để tái sử dụng tro xỉ, phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, cần phải đầu tư thêm dây chuyền tuyển than từ tro xỉ.

Trước tình hình trên, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Theo đó, đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao bảo đảm đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

4 lò với 4 xi-lô tại Nhiệt điện Hải Phòng chuyển thẳng tro xỉ vào xe của đơn vị bao tiêu (Ảnh: Phan Trang)

Cụ thể, đến năm 2020, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích lũy (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD; 16,5 triệu tấn thạch cao PG).

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, để người dân yên tâm, các nhà máy nhiệt điện cần chứng minh được tro, xỉ khi đưa ra bãi thải không phải là chất thải nguy hại; bảo đảm không phát tán các kim loại nặng ra môi trường. Trong quá trình vận chuyển chất thải phải che, đậy, phủ bạt kín, tránh phát tán bụi ra môi trường…

100% tro xỉ được bao tiêu

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về tình hình thực hiện quyết định trên của Thủ tướng, ông Trần Hữu Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, ban đầu, khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đưa vào hoạt động (từ năm 2011) thì tro xỉ là vấn đề nóng bỏng. Bởi mỗi năm, Nhà máy thải ra khoảng 1-1,5 triệu tấn tro xỉ trong khi hồ chứa xỉ chỉ thiết kế khoảng 10 năm, nếu không xử lý sẽ đầy và nhà máy sẽ không thể hoạt động được.

“Sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Công Thương, Công ty đã tập trung xử lý theo hướng biến tro xỉ thành sản phẩm có ích là làm vật liệu xây dựng. Nhiều đơn vị đã vào xin được bao tiêu. Hiện chúng tôi đang có 4 lò với 4 xi-lô (thùng chứa chuyển thẳng vào xe) nên ký hợp đồng với 4 đơn vị bao tiêu toàn bộ tro xỉ để cung cấp cho các đơn vị làm vật liệu xây dựng.  Đến thời điểm này, các đơn vị bao tiêu bảo đảm tiêu thụ 100% lượng tro xỉ nhà máy thải ra. Hồ thải xỉ bây giờ khi nào có sự cố mới xả sang”, ông Nam cho biết.

Khi được hỏi về giá bán tro xỉ, ông Nam chia sẻ: “Công ty không đặt vấn đề doanh thu từ tro xỉ mà chủ yếu là việc có đơn vị đồng ý thu mua, giải quyết, tiêu thụ. Mức giá dao động theo chất lượng vào khoảng 10.000-18.000 đồng/tấn”.

Cũng theo ông Nam, nhiệt điện than đã có từ lâu và thị trường tiêu thụ cũng “biết” lượng tro xỉ này có thể sử dụng từ lâu. Cụ thể là trộn vào đất đóng gạch tro nung. Đặc biệt, quanh Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng có nhiều nhà máy xi măng với nhu cầu xử dụng tro xỉ nhiều, họ sử dụng tro xỉ để trộn thêm vào bê tông làm phụ gia làm tăng tính bền vững. Thậm chí, ông Nam cho hay thời gian đầu mới bán còn có tình trạng “tranh nhau mua tro xỉ”.

“Lúc đầu, chúng tôi cũng bán kiểu tự do, ai vào cũng bán, do việc quản lý còn khó, nên xuất hiện tình trạng tranh giành nhau. Sau đó công ty có chính sách bao tiêu, chỉ thu gọn lại các nhà thầu có năng lực, họ tự phân phối nên tình hình đã ổn. Lúc này tính toán cũng dễ, không cần cân đong mà tính qua lượng than tiêu thụ theo năm, mỗi năm tiêu thụ bao nhiêu than thì ra bấy nhiêu tiền tro xỉ”, ông Nam nói.

Hồ chứa tro xỉ thải của Nhiệt điện Hải Phòng (Ảnh: Phan Trang)

Về xử lý tro xỉ trong hồ chứa, ông Nguyễn Thường Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, hiện hồ chứa vẫn chưa xử lý hết tro xỉ do tồn đọng từ thời gian trước nhưng Công ty đã có hợp đồng với 2 đơn vị bao tiêu bảo đảm đến năm 2020 toàn bộ tro xỉ trong hồ chứa sẽ được xử lý hết và trên hồ chứa phần lớn chỉ là nước.

Chia sẻ thêm, ông Quang cho biết, theo Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ thì lượng tồn trữ tại bãi chứa của nhà máy nhiệt điện phải nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất nên các nhà máy cũng không được cấp thêm đất để xây bể chứa tro xỉ. Vì vậy, đây cũng là sức ép lớn cho các nhà máy nhiệt điện phải chú trọng vào công tác xử lý tro xỉ.

Bạn đang đọc bài viết Tái sử dụng tro, xỉ thải: Câu chuyện từ Nhiệt điện Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới