Thứ sáu, 29/03/2024 14:19 (GMT+7)

Người vinh dự ba lần được chụp ảnh Bác Hồ

MTĐT -  Chủ nhật, 02/09/2018 07:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được trực tiếp gặp, chụp ảnh Bác Hồ là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Đinh.

Nay đã 86 tuổi, ông vẫn không ngừng bấm máy hàng ngày, dù chỉ là chụp vui cho mấy ông bạn, chụp sự kiện của khu phố, chụp kỉ niệm cho con cháu…

Bác Hồ về làm việc với tỉnh Vĩnh Phú năm 1963 - Ảnh: Phan Đinh.

Ba lần được chụp ảnh Bác

Trưa 10/8, trong ngôi nhà khang trang nằm ở con phố nhỏ thuộc phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nhiếp ảnh gia Phan Đinh, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Nhiếp ảnh Vĩnh Phú đang cặm cụi bên chiếc máy tính. “Đời tôi gắn bó với nhiếp ảnh và cũng vì cơ duyên với nghề mà tôi vinh dự 3 lần được gặp và chụp ảnh Bác Hồ. Mỗi tác phẩm là một khoảnh khắc không thể quên”, ông Phan Đinh nói.

Ông vẫn nhớ như in, khoảng 8h ngày 24/12/1958, ông đang làm việc thì ông Trần Gia Bằng, Trưởng Ty Văn hóa Vĩnh Phúc yêu cầu sang ngay văn phòng Tỉnh ủy để chụp ảnh. “Tôi liền thay quần áo rồi xách chiếc máy ảnh Rolleifelx cũ cỡ 6x6, đi bộ sang Văn phòng Tỉnh ủy, chân loẹt quẹt đôi guốc gỗ. Vừa thấy tôi, anh Nguyễn Thạch Nghiên, công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy hớt hải chạy tới bảo bỏ guốc ra và trịnh trọng báo tin: Bác về! Bác Hồ về! Chú vào chụp ảnh đi!”, ông Đinh kể và cho biết, quá bất ngờ, ông sững cả người, chiếc máy ảnh đeo trên vai như tụt xuống.

Vội bỏ guốc, ông đi nhanh vào Văn phòng. Đang ở chỗ sáng nhìn vào căn phòng hơi tối, mất một lúc, ông Đinh mới nhận ra Bác Hồ đang ngồi nghe Thường trực Tỉnh ủy báo cáo ở gần bếp sưởi. “Theo lời anh Nghiên dặn, tôi bước vào phòng, nói: “Thưa Bác! Cháu xin được chụp ảnh Bác”. Bác từ từ quay sang nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, hơi mỉm cười và gật đầu. Tôi loay hoay tìm góc độ chụp và nguồn sáng vì trong phòng rất hẹp, chỉ có một nguồn sáng ở cửa chiếu vào mà máy của tôi hồi ấy chưa có đèn chụp, phải dựa vào ánh sáng tự nhiên.

“Thấy vậy, Bác chủ động xoay tư thế ngồi ra phía cửa cho thuận sáng, tôi lên phim và bấm liền ba kiểu rồi ra ngoài hè ngồi ngó vào ngắm Bác thỏa thích. Trong suốt buổi làm việc của Bác, thỉnh thoảng tôi lại vào chụp một kiểu với góc độ và khẩu độ khác nhau. Bác nhìn tôi độ lượng và thông cảm, có lẽ Bác hiểu tâm lý của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh Bác”, ông Đinh vui vẻ kể.

Ngay sau đó, Bác đi thăm một đơn vị ở cổng Thành Đỏ. Ánh sáng chan hòa giúp ông Đinh nhìn Bác rõ hơn và cũng mạnh dạn chụp hơn. Khi đến cổng Thành Đỏ, bộ đội vây tròn quanh Bác mà hô: “Bác Hồ muôn năm, muôn năm” khiến tôi vô cùng xúc động, tự hào. Dịp đó, Bác về thăm tỉnh đột xuất, ngay cả phóng viên ảnh chuyên trách của Bác và Tỉnh ủy cũng không biết trước, nên ông Đinh là người duy nhất vinh dự ghi được hình ảnh Bác ngày hôm đó.

Lần thứ hai, ông Đinh được chụp Bác khi Bác về thăm nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tại TX Vĩnh Yên. Lần này có nhiều người đi cùng chụp ảnh Bác kể cả Trung ương và tỉnh. Ông Đinh được Ty Văn hóa báo trước một ngày để chuẩn bị nhưng yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả với vợ con.

“Tôi được giao nhiệm vụ sau khi chụp xong phải tráng phim, in, phóng ngay để lấy tài liệu tuyên truyền và triển lãm. So với lần đầu gặp Bác, tay nghề và máy móc tốt hơn nhưng tôi vẫn hồi hộp. Suốt cả đêm không sao ngủ được, cứ lúng ta lúng túng hết kiểm tra máy lại xem tốc độ, khẩu độ, phim âm bản, nghĩ đề cương chụp sao cho đạt kết quả tốt nhất”, ông Đinh kể và cho biết, sáng hôm sau, ông dậy thật sớm, ra địa điểm được phân công trước nửa giờ đồng hồ.

“Kỳ đài đón Bác đơn giản với một bên treo khẩu hiệu “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm” bên trái treo một băng khẩu hiệu “Toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Phúc quyết tâm phấn đấu để giành vụ đông xuân thắng lợi”. Khi Bác bước lên kỳ đài, cả vạn người đứng dậy hô “Hồ Chủ tịch muôn năm, muôn năm”. Bác vẫy tay chào mọi người và căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”, cả rừng người vỗ tay hoan hô. Tôi chụp được tấm ảnh Bác giơ tay vẫy chào nhân dân khá sắc nét và đẹp, sau này được nhiều tạp chí dùng lại”, ông Phan Đinh kể.

Ngay trong tối hôm đó, ông cùng một số người ở cửa hàng chụp ảnh do ông mở tập trung tráng phim, chọn một số phim tốt phóng ngay cỡ ảnh 18x24 để triển lãm phục vụ nhân dân tại nhà Thông tin thị xã. Riêng kiểu ảnh Bác vẫy tay chào, ông đã phóng lên phim dương bản cỡ 30x40, tô màu và làm khung kính.

“Tối hôm sau khi ảnh được treo tại phòng triển lãm, nhiều cán bộ và nhân dân xem rất phấn khởi. Tuy nhiên, ngày đó phải dùng bóng đèn quá nóng nên chỉ một thời gian sau, tấm phim bị co và quăn queo. Đến giờ, tôi vẫn giữ với bao tiếc nuối”, ông Đinh tâm sự.

Lần thứ 3, ông Đinh được gặp và chụp ảnh Bác Hồ vào tháng 7/1963 trong Đại hội giữa nhiệm kỳ của Tỉnh ủy, Bác tới thăm Nhà hát của tỉnh Vĩnh Phúc. “Hôm đó, Bác cũng về bất ngờ, tôi đang làm việc ở Ty Văn hóa thì anh Tạo, Tổng biên tập báo Vĩnh Phúc bấy giờ sang gọi đi chụp. 2 anh em ra đến nơi tranh thủ bấm được vài kiểu thì Bác phải lên xe về Hà Nội”, ông Đinh nói.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Đinh bồi hồi khi xem lại các bức ảnh từng chụp Bác Hồ.

Hành trình tìm lại những tấm ảnh chụp Bác

Theo ông Đinh, ngày ấy chụp tư liệu cho tỉnh đều phải nộp về Văn phòng Tỉnh ủy bao gồm cả ảnh và phim âm bản, ông không giữ lại cho mình tấm ảnh tốt nào, chỉ còn một vài tấm ảnh chưa đạt lắm. Đến năm 1988, khi về hưu, ông Đinh mới có điều kiện tìm và phục hồi lại các bức ảnh trong 3 lần được gặp và chụp Bác.

“Những bức ảnh chụp Bác lần đầu ở Phúc Yên không có ở Văn phòng Tỉnh ủy, cũng không thấy ở Sở Văn hóa thông tin hay bảo tàng. Tôi tìm gặp một số cán bộ ở Văn phòng hỏi nhưng không có. Mãi sau nhớ ra Vĩnh Phúc từng làm một album ảnh “Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc và người dân làm theo lời Bác”, tôi liên hệ nhiều người tìm cách xem lại tập ảnh đó rồi dùng máy chụp lại, mang về phục hồi”, ông Đinh kể và cho biết, trong suốt 4 năm sau đó, gặp ai ở Văn phòng Tỉnh ủy xưa, ông cũng hỏi còn giữ tấm ảnh nào về Bác do ông chụp không để sưu tầm.

Đến đầu năm 1992, ông Đinh tổ chức triển lãm cá nhân, trưng bày tại Trung tâm Triển lãm TP Việt Trì với 100 bức ảnh ông sưu tầm về Bác. Sau đó, những bức ảnh này đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Mỗi lần ngắm nhìn ảnh, tôi đều xúc động, nhớ mãi nụ cười của Bác trong ngày đầu tôi vinh dự được gặp Người”, ông Đinh trải lòng.

Theo Báo Giao thông

Bạn đang đọc bài viết Người vinh dự ba lần được chụp ảnh Bác Hồ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.