Thứ tư, 24/04/2024 20:25 (GMT+7)

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 22/8/2018

MTĐT -  Thứ tư, 22/08/2018 09:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 22/8/2018: Tin pháp luật, tai nạn giao thông, thế giới, giải trí showbiz, thể thao...

Một số người chặn xe vào trạm BOT Bến Lức - Đức Hòa, kẹt xe hơn 2km

Báo Thanh Niên đưa tin, tối 21/8, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty Băng Dương (chủ đầu tư BOT Bến Lức - Đức Hòa), xác nhận có khoảng 10 hộ dân sinh sống gần trạm thu phí BOT Bến Lức - Đức Hòa (ấp 4, xã An Thạnh, H.Bến Lức, Long An) chặn xe không cho vào trạm thu phí để phản đối.

Những người này cho rằng công trình này làm ảnh hưởng đến nhà cửa của họ, gây thiệt hại nặng cần phải bồi thường.

Trạm thu phí BOT Bến Lức - Đức Hòa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 13 giờ cùng ngày, tại khu vực quầy thu phí trạm BOT Bến Lức - Đức Hòa, khi một số xe đang chạy vào làn thu phí thì xuất hiện khoảng 15 người ngăn các nhân viên không cho thu phí xe qua lại. Mục đích là đề nghị gặp lãnh đạo công ty để đòi bồi thường hư hỏng công trình nhà cửa của những người này.

Do xe không thể lưu thông nên dẫn đến ùn tắc cục bộ kéo dài hơn 2 km trong nhiều giờ từ hai hướng qua khu vực trạm BOT Bến Lức - Đức Hòa.Để ổn định trật tự, Công an H.Bến Lức đã có mặt mời toàn bộ người dân vào bên trong để đối thoại.

Đại diện các hộ này cho rằng xe công trình của dự án BOT chạy làm lún, nứt nhà, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường để sửa chữa.

“Chủ đầu tư trước đó đã mời đơn vị giám định xem xét các hư hại của người dân và ra mức giá bồi thường 20 - 70 triệu đồng/hộ. Dù vậy họ không đồng ý, yêu cầu tăng mức giá”, ông Cường nói.

Qua làm việc, giữa nhà đầu tư và các hộ dân đã đồng ý xem xét cụ thể thiệt hại để tính toán mức bồi thường thỏa đáng.
Sau nhiều giờ ùn ứ, giao thông trở lại bình thường và các trạm tiếp tục đi vào hoạt động.
Loay hoay tìm phương án sửa chữa lún, nứt mặt cầu Thăng Long

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề xuất hướng nghiên cứu xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng khá nặng.

Theo đó, phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.

Mặt cầu Thăng Long lại đang bị hư hỏng, lún, nứt bong tróc nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Đường bộ, giải pháp này có thể sẽ khắc phục được hết các hư hỏng trên nhưng có nhược điểm là tốn kém kinh phí; kéo dài thời gian; đảm bảo giao thông khó khăn; thi công lớp bản thép trực hướng khó khăn do kết cấu dàn thép đã có chuyển vị và đường sắt không thể dừng khai thác; thủ tục liên quan đến đánh giá tác động lên kết cấu dàn thép phức tạp.

Phương án 2 chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.

Phương án 3 cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa). Song các chuyên gia lo ngại, trong quá trình hàn phát sinh nhiệt có thể làm biến dạng bản thép và trong quá trình khai thác, do biến dạng và dao động của bản thép làm bong bật các mối hàn.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ đã liên hệ với Công ty và chuyên gia Nga. Phía Nga đã trả lời có thể hợp tác nhưng đề nghị chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Hiện nay, Tổng cục đã chuyển một số tài liệu do Tư vấn KEI (được JICA lựa chọn) nghiên cứu trước đây cho phía Nga để họ nghiên cứu và có giải pháp sơ bộ.

Trong khi chờ kết quả nghiên cứu của chuyên gia Nga, Cục Quản lý đường bộ 1 tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Liên tiếp xảy ra hai trận động đất tại các tỉnh Quảng Nam và Sơn La

Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong ngày 21/8, đã liên tiếp xảy ra hai trận động đất nhỏ tại khu vực miền núi các tỉnh Quảng Nam và Sơn La.

Bản đồ chân tấm vụ động đất xảy ra tại tỉnh Quảng Nam. (Nguồn: Viện VLĐC)

Cụ thể, vào lúc 12 giờ 4 phút, ngày 21/8, một trận động đất có độ lớn 2,6 độ Richter đã xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trận động đất này xảy ra tại vị trí có tọa độ (15,228 vĩ độ Bắc; 108,189 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 7,1 km.

Cùng ngày, vào lúc 3 giờ 59 phút, một trận động đất khác có độ lớn 3,9 độ Richter cũng đã xảy ra tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trận động đất này xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.282 vĩ độ Bắc; 103.718 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 15 km.

Theo nhận định của Trung tâm báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, đây là hai trận động đất nhỏ, không gây ảnh hưởng đến người dân khu vực. Hiện tại, Trung tâm báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này./.

Người dân xứ Nghệ gồng mình đối phó với lũ lụt kéo dài

Những ngày qua, nước sông Lam dâng cao khiến nhiều địa phương thuộc hai huyện Đô Lương và Thanh Chương của tỉnh Nghệ An ngập trong lũ. Người dân nơi đây phải gồng mình đối phó.
Các xã thuộc vùng hạ huyện Thanh Chương như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng… và một phần thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) của tỉnh Nghệ An đã ngập trong biển nước.
Lũ lên nhanh, bà con không kịp trở tay. Người dân vất vả chống chọi với nước lũ suốt ngày đêm, từ kê cao, di chuyển vật dụng, trâu bò, lợn gà…, thậm chí phải di chuyển đến nơi ở của người thân để tránh lũ. Đến ngày 21/8, nước lũ đã rút nhưng vẫn còn ở mức cao.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với thủy điện xả lũ khiến hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong biển nước và bị bao vây bởi rác thải ở khắp mọi nơi.
Mưa lũ cũng khiến cho cuộc sống của người dân cũng bị đảo lộn, phải chịu cảnh sinh hoạt tù túng, bức bách. Trong hình là vợ chồng ông Hoàng Văn Thắng (ở khối 1, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương) đang chật vật chống chọi với cơn lũ. Ngày 20/8, nhà ông Thắng bị ngập hơn 1 m.
Người dân dùng mọi cách để kê cao tài sản, có khi chỉ là 1 chiếc xe bò lốp. Theo ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, mưa lũ trong hai ngày (20, 21/8) đã khiến 10/17 xóm bị cô lập, nhiều nhà dân và ki - ốt bị ngập, 85 ha lúa, 75 ha đậu, 30 ha sắn, 10 ha rau màu các loại bị hư hỏng hoàn toàn.
Nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh dừng bước ở vòng loại nội dung 10 m súng ngắn hơi nam
Hôm qua 21/8, nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh dừng bước ở vòng loại nội dung 10 m súng ngắn hơi nam - nội dung mà anh đã từng giành HCV Olympic 2016.

Trước ngày thi đấu, xạ thủ 44 tuổi tỏ ra khá lạc quan và bình tĩnh. Vinh được đánh giá là VĐV có kỹ thuật nhất nhì thế giới ở nội dung sở trường của mình. Nhưng anh lại có một điểm yếu nằm ở tâm lý không vững vàng khi bước vào những giải đấu quan trọng. Nhất là sau khi đăng quang ngôi vô địch Olympic năm 2016, Vinh càng bị áp lực đè nặng khiến thành tích trồi sụt bất thường.

Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung

Cả chuyên gia Park Chung-gun và HLV Nguyễn Thị Nhung đã tìm mọi cách để vực dậy tinh thần cho Vinh bằng những bài tập đặc biệt ở các chuyến tập huấn ở Mỹ hay Hàn Quốc. Nhưng thể thao đỉnh cao có những sự khắc nghiệt mà người trong cuộc đôi khi không thể kiểm soát được hết.

Sáng qua, Vinh thực hiện các loạt bắn không tồi. HLV Nguyễn Thị Nhung kể lại bài bắn tương đối tốt, nhiều viên đạt 9,9. Nhưng trong một ngày Vinh không bị bất ổn về trạng thái thì… đối thủ của anh lại quá xuất sắc.
Một nhân vật mới xuất hiện khiến trường bắn phải bàng hoàng. Xạ thủ người Ấn Độ Saurabh Chaudhary mới 16 tuổi mà luôn dẫn đầu trong cả 6 loạt bắn vòng loại và đứng đầu với 686 điểm (trong đó 4 loạt 99 điểm, 2 loạt 98 điểm và chỉ 1 loạt 93 điểm). Còn Vinh được 3 loạt cùng 97 điểm, 1 loạt 98 điểm, 1 loạt 96 điểm và 1 loạt 94 điểm. Tổng điểm là 579 điểm, bằng với hai xạ thủ Issachenko (Kazakhstan) và Lee (Hàn Quốc) nhưng lại ít hơn số lần bắn đúng hồng tâm (điểm 10) nên xạ thủ VN ngậm ngùi đứng thứ 9. Điều lệ quy định chỉ lấy top 8 vào bắn chung kết nên Vinh bị loại. Đồng đội của anh là Trần Quốc Cường đứng thứ 14. Nội dung này đã có nhà vô địch mới - cậu bé Chaudhary.
Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 22/8/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.