Thứ bảy, 20/04/2024 16:01 (GMT+7)

Doanh nghiệp thép gây ô nhiễm, chính quyền địa phương “bất lực” ?

MTĐT -  Thứ năm, 18/06/2015 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các DN sản xuất thép mặc nhiên xả thải ra kênh nước Tân Hưng Hồng (Hải Phòng). Và từ dòng mương này, nước chảy hòa ra dòng sông Cấm và sông Rế.

Có điều lạ, dòng sông Rế là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho TP Hải Phòng. Bức xúc trước nạn xả thải gây ô nhiễm, người dân và chính quyền xã An Hồng kiến nghị lên các cơ quan chức năng như Sở TN&MT, UBND huyện An Dương rất nhiều lần, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm không được cải thiện mà ngày càng vi phạm nghiêm trọng hơn.

Dân khổ, ai nào có hay?

Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Ban, người được Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải giao cho quản lý kênh Tân Hưng Hồng cho biết, cứ mỗi lần cống nước thải chung của Cty TNHH Thép VSC-POSCO (Thép Việt - Hàn) và Cty TNHH ống thép Việt Nam (VINAPIPE) xả nước ra kênh Tân Hưng Hồng là biết ngay. Nước thải nhà máy thép phân biệt rất rõ, cứ chảy đến đâu là đỏ như gạch cua nhuộm cả dòng kênh đến đó. Mỗi lần như vậy, ông lại phải báo cáo lên cấp trên để mở cống thau đảo nguồn nước ô nhiễm này ra sông Cấm. Nếu không, nước bẩn sẽ chảy ngược ra sông Rế, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân trong xã và TP Hải Phòng. Ông Ban cũng khẳng định: Nếu không xả ngay, nạn ô nhiễm sẽ kinh khủng. Hậu quả là ảnh hưởng đến cây trồng và hoa màu của nhân dân, bởi vì đây là kênh nước cung cấp nước tưới tiêu cho 3 xã của huyện An Dương.

Còn một số hộ dân khác, như ông Nguyễn Lợi và nhiều người dân ở làng Khánh Thịnh, xã An Hồng cho biết: Nhà ông sống gần kênh Tân Hưng Hồng nhiều năm nay luôn phải chứng kiến cống nước thải chảy chung của Thép Việt - Hàn và VINAPIPE xả ra kênh. Mỗi lần xả, nước thải nhuộm đỏ cả tuyến kênh. Nước thải của nhà máy thép chảy ra có màu đỏ như gạch cua đặc sệt. Váng sắt tạo bè thành từng mảng long lanh như kim tuyến, bốc mùi tanh tanh, khó chịu. Bức xúc nhất là kênh nước ô nhiễm độc hại này chảy ra sông Cấm và sông Rế. Chính dòng sông Rế cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân xã An Hồng và cả TP Hải Phòng. Không chỉ xả nước bẩn ra môi trường, người dân xung quanh còn chìm trong khói bụi của nhà máy thép. Hậu quả, không khí ngột ngạt gây đau đầu, chóng mặt. Nhân dân làng Khánh Thịnh kiến nghị rất nhiều lên các kỳ họp, tiếp xúc cử tri… nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tình trạng xả nước thải ô nhiễm ra môi trường bao nhiêu năm nay của Cty không được chấm dứt mà ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn, nhiều người dân lo lắng cho biết.

Cần xử nghiêm các DN gây ô nhiễm

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết, nhân dân và chính quyền xã An Hồng rất bức xúc về việc nước thải của Thép Việt - Hàn và VINAPIPE nhiều năm nay. Nước thải của nhà máy thép xả ra đến đâu là nhuộm đỏ sền sệt đến đấy. Nguồn nước thải ô nhiễm này chảy ra sông Cấm và sông Rế. Thẩm quyền của xã có hạn. Chính quyền xã cũng kiến nghị rất nhiều lên các cơ quan chức năng và trong các cuộc họp HĐND TP mong được giải quyết dứt điểm.

Lý giải về nước thải, ông Trần Trọng Hải - đốc công an toàn và môi trường của Thép Việt - Hàn cho biết: Đây là cống nước thải chung của mấy Cty thép trong đó có Thép Việt - Hàn, bởi vậy khó nói là của chúng tôi gây ra.

Làm việc với VINAPIPE, ông Nguyễn Hoàng Huy - phụ trách về môi trường Cty cũng xác nhận với phóng viên là cống nước thải của Cty cũng nằm trên cống nước thải ra kênh Tân Hưng Hồng.

“Mục sở thị” tại hiện trường, phóng viên quan sát thấy trong 2 nhà máy này đều có bể chứa nước thải có màu đỏ như gạch cua. Khi phóng viên chụp ảnh bể nước thải có mầu đỏ như gạch cua của Thép Việt - Hàn thì ông Nguyễn Huy Hoàng - người phụ trách về môi trường của Cty này nổi khùng với phóng viên và nói đây là bể nước nội bộ của Cty… Quan sát kênh Tân Hưng Hồng bắt đầu từ cống xả của nhà máy thép chạy dài xuống một cây số cả kênh nước nhuộm màu đỏ, những mảng óng ánh như kim tuyến váng sắt nổi đầy khắp mặt kênh. Còn ống khói của nhà máy thép phóng viên thấy khói đen ngùn ngụt.

Qua điều tra, chúng tôi được biết: Thép Việt - Hàn và VINAPIPE hoạt động chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường. Trong biên bản kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Thép Việt - Hàn năm 2014, đoàn kiểm tra có kết luận: “Cty chưa có Giấy xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Nhà máy cán thép VPS theo quy định; chưa có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; về quản lý chất thải thông thường: Khu vực lưu trú không có mái tre, chất thải sinh hoạt để tồn đọng lâu ngày nên có nguy cơ làm phát tán chất thải ra môi trường xung quanh”…

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải bức xúc về cống nước thải của 2 nhà máy thép này cho biết: Đã có lần anh em chậm không kịp mở cống xả nước thải ô nhiễm này ngay, nguồn nước độc hại này chảy vào sông Rế, nhà máy nước Vật Cách phải mất 3 hôm xử lý nguồn nước độc hại này mới dám lấy nước vào sản xuất, nên chúng tôi lúc nào cũng phải có người trực để mở cống khi thấy nước thải từ nhà máy thép chảy ra, nhằm tẩy độc.

Việc xả thải ra môi trường khi không có giấy phép là hành động coi thường pháp luật. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng cần phải làm rõ những vấn đề trên trước khi quá muộn.

Theo Đà Giang

Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp thép gây ô nhiễm, chính quyền địa phương “bất lực” ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ