Thứ sáu, 29/03/2024 07:08 (GMT+7)

Usilk-Hành trình đòi nhà: Dấu hỏi lớn về năng lực tài chính của CĐT

Hoàng Minh Đạo -  Thứ tư, 11/07/2018 08:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nguồn vốn để thực hiện đầu tư tiếp toà CT3-106, 107 và CT4-108 được sử dụng từ nguồn chuyển nhượng toà CT2-105 và nguồn vay tín dụng, nguồn tiền khách hàng nộp tiếp.

Như đã thông tin về những vấn đề tại dự án Usilk City của Công ty CP Sông Đà Thăng Long trong 2 bài Usilk-hành trình đòi nhà: 'Niềm kiêu hãnh' hoá nỗi thất vọng (Kỳ 1) và Usilk-hành trình đòi nhà: 10 năm một bãi hoang tàn (Kỳ 2). Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục tìm hiểu về những vấn đề tại "siêu dự án" 10.000 tỷ đồng này.

Ngày 5/12/2015, sau 2 năm chậm tiến độ thực hiện dự án so với hứa hẹn ban đầu, trước những yêu cầu công khai và giải trình về tiến độ dự án Usilk City, Công ty CP Sông Đà Thăng Long đã có văn bản số 30/2015/VC-CT-ĐT&KD để trả lời những thắc mắc của cư dân.

Theo văn bản này, hợp đồng tổng thầu đã được ký giữa Công ty CP Sông Đà Thăng Long và Công ty CP đầu tư xây dựng Tân Việt, theo đó tiến độ triển khai thực hiện đến khi thực hiện bàn giao nhà cho khách hàng là 36 tháng.

Tuy nhiên, tiến độ thi công tại toà CT1-104 mới chỉ dừng lại ở việc thi công xong sàn tầng 1 lõi nhà (khối 33 tầng và khối 50 tầng); thi công cốp pha và cốt thép cột vách tầng 1.

Nguyên nhân của tiến độ ì ạch như trên được Sông Đà Thăng Long giải thích là do công tác tiếp cận mặt bằng, chuẩn bị công trường và thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết khác cũng như thực hiện vệ sinh các mối nối,... nên tiến độ thực hiện có chậm hơn so với dự kiến ban đầu...

Một công ty bất động sản lớn và một nhà thầu xây dựng chuyên nghiệp lại cần phải sử dụng quá nhiều thời gian chỉ để ... chuẩn bị xây dựng, tiếp cận mặt bằng, “vệ sinh các mối nối”?... đây quả là một câu hỏi có vẻ hài hước. 

Một góc Usilk City hiện nay.

Về tiến độ thực hiện tại toà CT3-106, 107 và CT4-108, Sông Đà Thăng Long cho biết, đang làm việc với Techcombank để thực hiện việc vay vốn đầu tư tiếp toà CT3-106, 107 và nguồn để trả nợ được xác định từ dự án đầu tư khác tại Cồn Tân Lập (Nha Trang).

Tuy nhiên, do những vướng mắc chưa giải quyết được với chủ nợ khác (PVI) có chung tài sản đảm bảo với Techcombank trong việc đầu tư chung lô trái phiếu có liên quan đến việc sử dụng tài sản đảm bảo là sổ đỏ toà CT3-106, 107 đến đến thời điểm hiện tại các công việc chi tiết để hoàn thiện Hợp đồng tín dụng cũng như các điều kiện có liên quan chưa thể thực hiện được.

Sông Đà Thăng Long cho biết, việc vay vốn tiếp cho toà CT4-108 hiện cũng đang gặp vướng mắc do chưa đàm phán xong với các chủ nợ về tài sản đảm bảo chung nghĩa vụ nợ với các chủ nợ (EVNFC, SDFC) cũng như phương án xử lý nợ của toà CT4-109.

Nguồn vốn để thực hiện đầu tư tiếp toà CT3-106, 107 và CT4-108 được sử dụng từ nguồn chuyển nhượng toà CT2-105 và nguồn vay tín dụng, nguồn tiền khách hàng nộp tiếp.

Tuy nhiên, do việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và hồ sơ khách hàng CT2-105 ký với các bên liên quan chậm hơn so với dự kiến nên việc thanh toán tiền chuyển nhượng CT2-105 từ Hải Phát sang Sông Đà Thăng Long sẽ được thực hiện chậm hơn so với dự kiến ban đầu.

Văn bản của Sông Đà Thăng Long.

Như vậy, căn cứ vào văn bản của Sông Đà Thăng Long, có thế thấy rõ được việc công ty này đang gặp khủng hoảng về nguồn vốn trong việc tiếp tục đầu tư xây dựng tại dự án Usilk City.

Ngoài ra, công ty này cũng đang có nhiều khoản nợ, phải dùng chính sổ đỏ của toà nhà CT3-106 làm tài sản đảm bảo, gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Theo cách lập luận về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án của Sông Đà Thăng Long, nếu việc chuyển nhượng toà nhà CT2-105 không được thực hiến đúng như mong muốn, ngân hàng từ chối cho vay và khách hàng từ chối nộp tiếp tiền thì dự án gần như sẽ tiếp tục là một công trình dở dang và không biết đến ngày nào mới có thể thực hiện được.

Một công ty như Sông Đà Thăng Long, đầu tư một đại dự án gần 10.000 tỷ đồng như Usilk City chẳng nhẽ không tự nhận thức được khả năng tài chính của mình để rồi đến khi lâm vào khủng hoảng thì lại mong khách hàng “thông cảm, chia sẻ và hợp tác”?

Khách hàng đã đặt niềm tin vào chủ đầu tư, vào những lời quảng cáo, vào giấc mơ về một gia đình hạnh phúc. Họ đã chờ đợi mòn mỏi trong 2 năm vừa qua. Có lẽ khách hàng là những người kiên nhẫn nhất. Nhưng đổi lại, bây giờ họ nhận được chỉ là một văn bản không một lời “xin lỗi” và những biện minh khó thể chấp nhận được về vấn đề vốn của chủ đầu tư?

Việc đang mang nợ và phải tính đến chuyển nhượng toà nhà, vay vốn ngân hàng để tiếp tục xây dựng,... phải chăng là báo hiệu cho khủng hoảng của Sông Đà Thăng Long và sự sụp đổ của “siêu” dự án Usilk City.

Cho đến nay, tức là sau gần 3 năm kể từ khi văn bản trả lời này của Sông Đà Thăng Long được ban hành, nhiều người mua nhà tại Usilk City vẫn đang phải đợi chờ trong vô vọng.

Lời hứa “Thời gian tới, khi có được nguồn vốn ổn định, STL sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công để bù đắp lại việc chậm tiến độ thời gian vừa qua, đồng thời thực hiện việc lập, điều chỉnh lại tiến độ triển khai đầu tư phù hợp” của Sông Đà Thăng Long vẫn mãi nằm trên tờ giấy và không biết khi nào mới có thể thực hiện.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Usilk-Hành trình đòi nhà: Dấu hỏi lớn về năng lực tài chính của CĐT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.