Thứ sáu, 29/03/2024 02:56 (GMT+7)

10 năm sau sáp nhập, Hà Nội chưa di dời được trường đại học nào

MTĐT -  Thứ tư, 22/08/2018 10:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 trường khác được đề xuất di dời khỏi nội thành, nhưng hiện vẫn ở yên một chỗ vì thiếu đất, thiếu tiền.

Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, năm 2009 Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những mục tiêu của quy hoạch là "giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trong thủ đô Hà Nội". Nguyên tắc đặt ra là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đạo tạo ở nội đô.

Trước đó, Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2016 được phê duyệt năm 2007 cũng đề cập việc di dời trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2 ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về dịch tích tối thiểu 10 ha/trường đại học.

Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ trương di dời khỏi nội đô Hà Nội, nhưng sau 15 năm khởi công, dự án ở Hòa Lạc của trường mới xong vài công trình. Ảnh: Giang Huy.

12 trường đại học được đề xuất di dời khỏi nội đô Hà Nội

Theo chủ trương trên, năm 2010-2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời 23 cơ sở giáo dục ra ngoại thành. Thời điểm đó, Hà Nội có 96 đại học, cao đẳng với 66.000 sinh viên (bằng 40% tổng sinh viên cả nước). Riêng 4 quận nội thành có 26 trường.

12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội... Các trường này, theo báo cáo của Bộ Giáo dục, có chưa đầy 5 m2 đất/sinh viên, trong khi tiêu chuẩn là 25 m2 đất trên một người học.

11 cơ sở giáo dục đại học khác được đề xuất cải tạo, trong đó có Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Giao thông Vận tải, Thủy lợi... Các trường sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250 ha), Sóc Sơn (600 ha), Sơn Tây (300 ha), Hòa Lạc (1.200 ha), Phú Xuyên (100 ha)...

Đại học Quốc gia Hà Nội do năm 2003 đã được Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc để di dời cơ sở cũ trong nội thành, nên không đưa vào danh sách lần này.

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập việc "phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên". Chính phủ chủ trương xây mới 3.500-4.500 ha các khu, cụm đại học ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40.000-51.000 sinh viên.

"Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc tỉnh trong vùng Thủ đô", quy hoạch nêu. Với mục tiêu giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị.

Thuê giảng đường dạy học và mong ngày được di dời

Có tên trong danh sách được di dời khỏi nội đô theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (năm 2010) và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng (phê duyệt năm 2007), nhưng đến nay Viện Đại học Mở Hà Nội vẫn không có thay đổi gì.

Nằm trên con phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), Viện Đại học Mở gồm 2 dãy nhà cũ cao 3 tầng nối sát nhau, chỉ đủ làm khu hiệu bộ, văn phòng các khoa và trường quay phục vụ giảng dạy trực tuyến. Tòa hiệu bộ cách đường khoảng sân với chiều rộng chừng 4 m, xe máy của cán bộ, nhân viên dựng kín, chỉ dư một lối nhỏ để qua lại.

Viện Đại học Mở Hà Nội nằm trên con phố Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Giang Huy.

Thiếu đất, không có cơ sở vật chất, trường công lập này nhiều năm phải thuê địa điểm bên ngoài làm giảng đường, thư viện, phòng nghiên cứu... cho các khoa, phục vụ đào tạo 8.000 sinh viên. Trường không có ký túc xá như bao đại học khác.

"Đến nay, Viện Đại học Mở chưa nhận được chủ trương cấp đất để di dời đến các khu, cụm ở ngoại thành Hà Nội", Viện trưởng Trương Tiến Tùng nói. Những năm 1997-2003, có thông tin trường được hoạch định lên khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng dự án sau đó bị treo, thành phố thu hồi đất.

Không xin được khu đất ở thủ đô để hợp với tên gọi Viện Đại học Mở Hà Nội, năm 2015 trường được đồng ý cho xây cơ sở mới tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Dự án rộng 6 ha gồm hệ thống giảng đường đáp ứng 15.000 sinh viên chính quy (chiến lược phát triển đến năm 2030); khu ký túc xá cho 70% sinh viên; phòng thí nghiệm, khu thể thao... Kinh phí đầu tư khoảng 400-600 tỷ đồng do Viện Đại học Mở Hà Nội tự lo liệu.

Sau 3 năm, dự án ở Hưng Yên của trường đã xong được quy hoạch 1/500, xây được khu thí nghiệm và đã chuyển giao cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh của trường khai thác. "Theo kế hoạch, 2-3 năm nữa khu giảng đường sẽ xong, nhưng để kết thúc dự án có lẽ phải đến đời kế nhiệm", Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội dí dỏm nói.

Đồng thuận với chủ trương tự chủ đại học, nhà nước tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm, nhưng ông Tùng mong muốn đại học công lập theo hướng ứng dụng trong đó có Viện Đại học Mở Hà Nội được đầu tư thích đáng về hạ tầng, đất đai để có cơ hội phát triển.

11 đại học còn lại trong danh sách di dời khỏi nội đô Hà Nội chưa thể chuyển đi do chưa có cơ sở hạ tầng, chưa được phân đất. Đại học Quốc gia Hà Nội được Chính phủ phê duyệt riêng một đề án xây dựng cơ sở mới rộng hơn 1.000 ha ở Hòa Lạc, nhưng 15 năm sau lễ khởi công, dự án mới xong vài ba công trình.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải không thể khẳng định khi nào dự án sẽ xong vì gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cấp vốn. 15 năm qua, dự án xây dựng cơ sở mới ở Hòa Lạc của trường mới nhận được chưa đầy 8% trong số vốn ước tính đầu tư hơn 25.800 tỷ đồng.

Dự án di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội để giảm tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành chưa có hồi kết. Trong khi đó, theo từng năm, quy mô sinh viên của các trường đều tăng.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết 10 năm sau sáp nhập, Hà Nội chưa di dời được trường đại học nào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dạy triết ở Trường ĐH VinUni
Trong các tiết học Triết học, thay vì lý thuyết suông về các vấn đề vĩ mô, sinh viên VinUni sẽ được học cách nghi ngờ, cách phản biện, không tin lời người khác nói, thậm chí là không nghĩ lời giảng viên luôn đúng.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.