Thứ năm, 18/04/2024 08:45 (GMT+7)

12 luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020

MTĐT -  Thứ ba, 30/06/2020 08:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính thức bỏ "biên chế" với viên chức mới được tuyển dụng; Nhiều quy định mới về thủ tục làm hộ chiếu được áp dụng... là một số chính sách chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2020.

1.Chính thức bỏ "biên chế" với viên chức mới được tuyển dụng

Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 25/11/2019 gồm 03 Điều với nhiều điểm mới đáng chú ý so với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện đang có hiệu lực.

Với viên chức: Tác động lớn nhất của Luật sửa đổi là sửa quy định về hợp đồng làm việc của viên chức.

Theo đó, chính thức không còn chế độ “biên chế suốt đời” với người được tuyển dụng mới từ 01/7/2020. Đồng thời, những người đã được tuyển dụng trước 01/7/2020, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được hưởng “biên chế”...

Với cán bộ, công chức: Một trong những thay đổi lớn nhất với đối tượng này có thể kể đến thay đổi về ngạch công chức. Tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi 2019 đã bổ sung thêm 01 ngạch công chức mới là ngạch khác so với 04 ngạch hiện hành (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên)...

2.Giáo viên phải nâng chuẩn trình độ đào tạo?

Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2020 với nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục hiện đang có hiệu lực.

Một trong số đó phải kể đến việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên các cấp. Theo đó, từ 01/7/2020, trình độ “chuẩn” của giáo viên được yêu cầu cao hơn, bằng trung cấp sư phạm không còn được chấp nhận. Tuy nhiên, những người đang giảng dạy có bằng trung cấp sẽ được nâng chuẩn theo lộ trình do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 72 Luật 2019).

Ngoài ra, về việc biên soạn sách giáo khoa, Luật 2019 cũng khẳng định mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

3.Thêm nhiều nội dung về quản lý thuế

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 với nhiều nội dung đáng chú ý. Đặc biệt, lần đầu tiên, Luật này quy định về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử.

Đồng thời, Luật này cũng mở rộng quyền của người nộp thuế cũng như bổ sung thêm trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Đặc biệt, khoản 2 Điều 151 Luật này nêu rõ: Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022 nhưng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày này.

4.Nhiều quy định mới về thủ tục làm hộ chiếu được áp dụng

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là một trong những Luật hoàn toàn mới, quy định về hoạt động xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019.

Luật này gồm 8 Chương và 52 Điều với nhiều nội dung đáng chú ý về thủ tục làm hộ chiếu. Có thể kể đến một số quy định như sau:

- Hộ chiếu được gắn chíp điện tử;

- Hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam mà không có sự phân biệt về độ tuổi;

- Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ nơi nào…

5.Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích thị thực

Bên cạnh việc xây dựng một Luật mới hoàn toàn về việc xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được sửa đổi, bổ sung và chính thức được Quốc hội thông qua.

Nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.

Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

Ngoài ra, Luật này còn bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, sửa đổi điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh…

6.Ngày 21/4 là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày 21/11/2019, Quốc hội thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.

Tại Luật này, lần đầu tiên chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.

Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, Luật Thư viện cũng có quy đinh về việc phát triển thư viện số, xây dựng tài nguyên, thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện…

7.Thêm trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Với 8 Chương và 50 Điều, Luật Dân quân tự vệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, đáng chú ý so với quy định hiện hành.

Có thể kể đến, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, là lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo…

Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định, dân quân thường trực được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm tiền ăn (trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ)…

8.Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất đến 45

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996, quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình.

Cụ thể, Điều 17 Luật này nêu rõ, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định như sau:

- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu;

- Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu...

9.Chính thức giảm số lượng đại biểu HĐND

Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung được Quốc hội chính thức thông qua ngày 22/11/2019 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi bởi Điều 1, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi bởi Điều 2 với những điểm nổi bật như sau:

- Luật Tổ chức Chính phủ: Bổ sung thêm một số quyền của Chính phủ như quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ…

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đồng thời cũng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp…

10.Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019

Từ ngày 1/7/2020, nhiều loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử: Luật quy định hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người được cấp. Được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Các loại hộ chiếu sẽ được gắn chíp điện tử bao gồm:

- Hộ chiếu ngoại giao.

- Hộ chiếu công vụ.

- Hộ chiếu phổ thông.

11.Luật Thư viện 2019

Luật Thư viện 2019 đã mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, cụ thể: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định.

- Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện.

- Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện.

- Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. (Theo quy định hiện hành, chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện).

12.Luật Kiến trúc 2019

Quy định về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

- Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc.

- Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

Trường hợp cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc sẽ được miễn điều kiện này.

- Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trường hợp cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.

 Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết 12 luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.