Thứ ba, 19/03/2024 12:05 (GMT+7)

Các Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng về giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh

Hoàng Mai -  Thứ sáu, 17/09/2021 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các Hiệp hội, dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy. 

14 Hiệp hội bao gồm: các Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Gỗ và lâm sản Việt Nam, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Giấy và bột giấy Việt Nam, Nhựa Việt Nam, Sữa Việt Nam, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Thực phẩm minh bạch; các Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các Hiệp hội, dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy. 

Các Hiệp hội đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15, 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero COVID-19” đã chuyển sang “sống chung với COVID-19”.

Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Một kiến nghị quan trọng khác là bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong các chỉ thị trên. Cả nước là một vùng, và quản lý dịch theo điểm: không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban...).

tm-img-alt
Các Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với đại dịch Covid 19. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.

Về giải pháp phòng chống dịch tại điểm sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng), các hiệp hội đề xuất thực hiện theo các tiêu chí: điểm sản xuất tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện 5K; xét nghiệm xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày/lần. Bộ Y tế ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc test COVID trong nhà máy/doanh nghiệp (bao gồm tỉ lệ số công nhân phải test, thời gian test - cho các trường hợp: chưa tiêm vắc xin, đã tiêm một mũi hoặc hai mũi)...

Các tỉnh, thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, các Hiệp hội cho rằng không nên áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý. 14 Hiệp hội đề cập chiến lược quản lý dịch bệnh theo điểm.

Các điểm ở đây gồm điểm dân cư như căn nhà, căn hộ hoặc khu dân cư nhỏ; điểm dịch vụ như cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị, hộ và cá nhân kinh doanh dịch vụ; điểm sản xuất như hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng. Các điểm có F0 là điểm đỏ.

Theo đó, không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý, mà quản lý, phòng chống dịch theo điểm. Tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ và xác xuất tại các điểm. Lấy Tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng làm nòng cốt phòng chống dịch tại các điểm dân cư. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các điểm.

Với phòng chống dịch tại điểm sản xuất, điểm sản xuất tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện 5K. Xét nghiệm xác suất 10% lao động với tần xuất 7 ngày một lần. Với phòng chống dịch tại điểm dân cư, đối với điểm căn hộ thì chỉ cách ly căn hộ có F0; đối với điểm căn nhà thì chỉ cách ly căn nhà có F0.

Với giao thông vận tải, người tham gia giao thông, người làm dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách phải có xét nghiệm âm tính và phải xét nghiệm hành khách trước khi đi. Quản lý bến xe, sân bay, kiểm tra xác xuất 10% hành khách tại điểm đến...

Các Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Kiểm soát giá kít xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá, hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá.

Về hỗ trợ phục hồi kinh tế, 14 Hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP. Đồng thời kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí...

Trong công tác tuyên truyền, 14 Hiệp hội cũng đề nghị tuyên truyền nâng cao khả năng tự quản lý dịch bệnh, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; hướng dẫn chiến lược “sống chung với dịch bệnh”; không nêu những hình ảnh quá bi đát làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong mắt các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài./

Bạn đang đọc bài viết Các Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng về giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới