Thứ sáu, 19/04/2024 05:20 (GMT+7)

18 năm bám làng “gieo chữ, trồng người”

DIỆP HOÀNG -  Thứ tư, 20/11/2019 17:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, cô giáo Y Phương (huyện Đăk Glei, Kon Tum) vẫn không ngại nắng mưa, miệt mài bám lớp, bám trường và dành cho những học sinh của mình tình cảm thân thương nhất.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, năm 2001, cô gái trẻ Y Phương tình nguyện về dạy học ở Trường Tiểu học Mường Hoong, huyện Đăk Glei. So với nhiều địa phương khác, xã Mường Hoong là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường xá trở ngại. Gạt bỏ sợ hãi, cô giáo người Giẻ Triêng vẫn quyết tâm đến với những học trò nhỏ để dạy các em biết đọc, biết viết và làm người tốt.

Điểm trường Tân Túc, thuộc Trường Tiểu học Mường Hoong nằm trên một ngọn đồi.

Nơi cô Y Phương đang giảng dạy là điểm trường Tân Túc, thuộc Trường Tiểu học Mường Hoong. Điểm trường này gồm học sinh của 4 làng Long Tối, Mo Po, To Hoong và Tân Túc.

Những ngày đầu cô trò gặp muôn vàng khó khăn vì học sinh hay vắng học, cảm thông với những khó khăn của học sinh và dân làng nơi đây, ngày nào cô Phương cũng động viên học sinh, phụ huynh để con em đến lớp, đến trường.

Cô Y Phương luôn kiên nhẫn trong giảng dạy các em học sinh của mình.

Đường đến trường của học sinh và giáo viên ở các điểm trường trong xã Mường Hoong rất gian nan, có những điểm phải đi bộ 1-2 tiếng đồng hồ mới đến nơi, vì những ngôi làng thường ở trên đồi cao, muốn đến nơi phải băng rừng, vượt suối.

Ngày nắng đã khổ, ngày mưa bão càng cực hơn. Khi thời tiết xấu, học sinh nghỉ thì hôm sau cô Phương lại dạy bù vào buổi chiều để các em theo kịp chương trình. Khó khăn là thế, nhưng lớp cô Phương chủ nhiệm chưa bao giờ có học sinh bị lưu ban.

Chia sẻ về phương pháp dạy học của mình, cô Y Phương cho biết: Học sinh trong làng rất là khổ. Các em nói câu dài không được, nên tôi phải giải thích cho các em từng cái một, khi nào học sinh hiểu rồi mới cho học sinh nói. Ví dụ bài toán mà không nói được thì phải nhìn trực tiếp bằng hình thì học sinh mới hiểu được.

Cô Y Phương đến nhà học sinh thôn Tân Túc để vận động phụ huynh quan tâm việc học tập của các con.

Với địa hình cách trở, hầu hết các làng đều ở lưng chừng núi, để đến được trường cả cô và trò phải leo dốc, vượt suối, nên nhiều hôm mưa to phải nghỉ học và dạy bù vào các buổi chiều trong tuần. Đặc biệt, do đời sống kinh tế người dân còn quá khó khăn, học sinh đến trường không có áo trắng, vào mùa lạnh thì thiếu áo ấm. Thương học sinh, cô Phương đã mua áo trắng, áo ấm tặng các em.

“Tôi không mong muốn gì hơn, chỉ mong sao cuộc sống của học sinh được tốt hơn, học tốt hơn cho giáo viên đỡ vất vả. Bây giờ giáo viên còn vất vả nhiều lắm”.

Hy vọng những thế hệ học sinh nơi vùng cao sẽ trưởng thành và chung tay thay đổi cuộc sống.

Sự tận tụy, tâm huyết và hết lòng vì học sinh của những giáo viên như cô Y Phương đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Và rồi, chính những “mầm non” ấy sẽ nảy nở và vươn lên, làm cho cuộc sống của dân làng ở những vùng khó khăn ngày một đổi thay, phát triển. Sự hy sinh thầm lặng đó xứng đáng được xã hội tôn vinh, trân trọng.

Bạn đang đọc bài viết 18 năm bám làng “gieo chữ, trồng người”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.