20 năm làm nghề quét rác, phải quen với những bữa tối một mình
17 giờ, khi mọi người trở về quây quần bên gia đình, chị Đào Thị Đoàn, Tổ trưởng tổ 8, Xí nghiệp Môi trường Lào Cai lại ra đường làm nhiệm vụ quét rác. Đến lúc tan ca, gia đình đã ăn xong, thế là chỉ còn mình chị bên mâm cơm.
“Thấm thoắt đã gần 20 năm trong nghề. Tôi nhớ những ngày đầu thực hiện công việc này, đi làm cứ phải bịt kín mặt vì ngại người quen nhìn thấy, chân tay lúc nào cũng mỏi rã rời, nhưng làm mãi thành quen, yêu nghề và gắn bó với nghề lúc nào chẳng hay” - chị Đoàn tâm sự.
Năm 2001, chị Đoàn được nhận vào Công ty Môi trường Đô thị Lào Cai (nay là Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai) và được giao nhiệm vụ quét, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường Pom Hán. Trước đây, khi thành phố chưa phát triển, lượng rác thải sinh hoạt không nhiều như bây giờ thì lao công phải làm thêm các công việc như phát cỏ, khơi thông cống rãnh. Hiện tại, khu vực chị Đoàn phụ trách thuộc địa phận phường Lào Cai cũ có nhiều đền chùa, hàng quán và cửa khẩu sầm uất. Mỗi dịp lễ hội, lượng rác sinh hoạt xả ra tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường.
Ngay từ khi lựa chọn công việc này, chị Đoàn đã xác định mình phải thức khuya, dậy sớm, làm ca, kíp; phải tiếp xúc với khói bụi, rác thải ô nhiễm... Thế nhưng, làm nghề này rồi chị mới thấm thía nỗi nhọc nhằn không thể kể hết. Đó là khi con nhỏ ốm đau giữa lúc đang vào ca; những nguy hiểm rình rập trên đường phố hoặc một vài ánh mắt thiếu thiện cảm... Vượt qua khó khăn, được sự động viên, chia sẻ của gia đình cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng nghiệp, chị vừa bảo đảm công việc, vừa chu toàn việc nhà. Sau mỗi ca làm việc, nhìn phố phường sạch đẹp, chị vui vì có đóng góp của mình.
Đi cùng chị Đoàn trong một ca làm việc, tôi không thấy chị than mệt mỏi, trái lại, nụ cười luôn thường trực trên môi. Đi đến nhà nào, mọi người cũng niềm nở hỏi thăm chị như người thân trong gia đình. Chị Đoàn bảo, cũng vì mình mở lòng với mọi người nên nhận lại sự yêu quý của họ. Cả khu này không ai không biết chị, thậm chí có những lúc làm việc vất vả, mọi người lại mang nước, hoa quả ra mời, rồi trò chuyện.
Những lúc như vậy, chị Đoàn thêm yêu công việc mình đang làm. 20 năm gắn bó với nghề, chị đã quen với những bữa tối một mình. Một ngày có 2 ca làm việc, ca thứ nhất bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ, ca hai từ 17 giờ, khi mọi người trở về nhà sau một ngày làm việc để quây quần bên mâm cơm gia đình. Trước khi đi làm, chị tự chống đói bằng bát cơm nguội, chiếc bánh mỳ; tối về thì gia đình đã ăn xong, thế là chỉ còn mình chị bên mâm cơm. Rồi những ngày Tết không được cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm tất niên, nhiều lúc thấy tủi thân vô cùng...
Không chỉ vậy, công việc của những người lao công rất cực nhọc, suốt bốn mùa lao động trực tiếp ngoài trời, khi thì nắng nóng đỉnh điểm, lúc lại rét đậm, nhưng chị Đoàn và đồng nghiệp không bao giờ vắng mặt trên những cung đường, ngõ phố để thu gom rác thải. “Những ngày mưa bão, chúng tôi phải bám trụ đường phố, bởi khi có cây đổ, cành gãy... phải khắc phục ngay, không làm ảnh hưởng tới giao thông và thoát nước, nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” - chị Đoàn bộc bạch.
Được tín nhiệm bầu là tổ trưởng, chị thấy trách nhiệm của mình lớn hơn. Chị đã phối hợp với các tổ dân phố tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, cùng các khu dân cư xóa các điểm đen chân rác, bảo đảm không gian công cộng sạch, đẹp. Chị thường xuyên động viên đồng nghiệp trong tổ khắc phục khó khăn để làm tốt công việc được giao.
Với những đóng góp và cống hiến của mình trong việc bảo vệ môi trường, hằng năm, chị Đoàn đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cơ sở. Đặc biệt, tháng 1/2018, chị được trao giải Đồng trong chương trình “Cây chổi vàng” lần thứ Nhất do Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam tổ chức; tháng 4/2019 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng danh hiệu “Công nhân lao động vì môi trường”; tháng 4/2020 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đây là những phần thưởng cao quý, tạo động lực cho chị cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và tiếp tục gắn bó với công việc vất vả này.