Thứ sáu, 29/03/2024 12:25 (GMT+7)

3 quan niệm sai lầm về vaccine HPV

An Na -  Thứ sáu, 24/03/2023 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ khi có vaccine HPV, số ca mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một số sai lầm xung quanh việc sử dụng loại vaccine này.

Ung thư cổ tử cung xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Có nhiều yếu tố gây ung thư cổ tử cung, trong đó nhiễm virus HPV là yếu tố phổ biến quan trọng nhất.

HPV là từ viết tắt của Human Papilloma Virus. Đây là loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới hiện nay và là yếu tố có liên quan đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

HPV không chỉ là một chủng virus mà nó có hơn 100 chủng khác nhau nhưng không phải tất cả trong số đó đều gây bệnh nghiêm trọng. Một số chủng virus chỉ gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng nguy hiểm có thể xâm nhập và gây bệnh ở bên trong cơ quan sinh dục và trở thành nguyên nhân gây nên các loại ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.

Bất cứ ai có hoạt động tình dục đều có thể bị nhiễm virus HPV. Phần lớn mọi người bị nhiễm đều không có bất kỳ dấu hiệu nào. HPV có thể tự biến mất nhưng có một tỷ lệ nhỏ trong số đó sẽ là nguyên nhân gây ung thư. Nhiễm HPV dai dẳng là nguyên nhân tổn thương tiền ung thư hay ung thư.

Đây là mối nguy hàng đầu đe dọa sức khỏe, tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu. Thống kê cho thấy, mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 250.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Từ khi có vaccine HPV, số ca mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một số sai lầm xung quanh việc sử dụng loại vaccine này:

Sai lầm 1: Vaccine HPV chỉ bảo vệ phụ nữ

Đa số đều quan niệm rằng, HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung cho phụ nữ và việc tiêm vaccine HPV chỉ bảo vệ phụ nữ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, HPV - loại virus lây truyền qua đường tình dục này, có thể gây ung thư bộ phận sinh dục và ung thư cổ họng, đáy lưỡi, amidan, ung thư hậu môn ở cả nam và nữ. Do đó, tiêm vaccine HPV có thể bảo vệ cả nam và nữ khỏi các tình trạng liên quan đến HPV.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Sai lầm 2: Chỉ tiêm khi chưa có hoạt động tình dục

Nhiều người cho rằng, vaccine HPV chỉ có hiệu lực khi được tiêm cho trẻ trước tuổi 12, khi chưa có hoạt động tình dục. Các nghiên cứu cho thấy, vaccine HPV có hiệu quả cả ở lứa tuổi cao hơn và khi đã có hoạt động tình dục.

Thông thường, vaccine HPV có hiệu quả cao nhất trước khi tiếp xúc với virus HPV thông qua hoạt động tình dục. Các chuyên gia khuyến cáo, các bé trai và bé gái từ 11–12 tuổi nên tiêm 2 liều cách nhau từ 6 đến 12 tháng.

Nếu các mũi vaccine HPV không được hoàn thành trong thời gian này, thì vaccine này vẫn được khuyến nghị tiêm cho tất cả người trưởng thành đến 26 tuổi. Ngoài ra, người trưởng thành từ 27 - 45 tuổi chưa tiêm vaccine HPV cũng có thể cân nhắc việc tiêm vaccine khi đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa.

Sai lầm 3: Không phải khám sàng lọc ung thư cổ tử cung khi đã tiêm vaccine

Một sai lầm phổ biến khác là nhiều người đã bỏ qua việc khám sàng lọc ung thư cổ tử cung sau khi tiêm vaccine HPV.

Các chuyên gia khuyến cáo, vaccine HPV chỉ bảo vệ chống lại các dạng virus HPV phổ biến nhất và có nguy cơ cao, chứ không bảo vệ chống lại được tất cả các chủng virus HPV.

Do đó, cần duy trì lịch thăm khám thường xuyên tại các cơ sở y tế chuyên khoa để sàng lọc ung thư cổ tử cung và các dạng ung thư khác là điều cần thiết./.

Bạn đang đọc bài viết 3 quan niệm sai lầm về vaccine HPV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới