Thứ năm, 28/03/2024 20:54 (GMT+7)

63,48% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí môi trường khó nhất

Hoàng Anh -  Thứ ba, 25/05/2021 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ NN&PTNT cho biết, đến hết tháng 4/2021, cả nước có 5.248/8.267 xã (chiếm 63,48%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Bộ NN&PTNT cho biết, đến hết tháng 4/2021, cả nước có 5.248/8.267 xã (chiếm 63,48%) đạt chuẩn nông thôn mới; (NTM) có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, có 190/664 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo dự kiến hết 6/2021, 65% số xã trên địa bàn cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Nhìn chung, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho người dân trên địa bàn nông thôn của cả nước có cuộc sống ấm no; diện mạo nông thôn được quy hoạch, xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; người dân có việc làm và thu nhập ổn định; thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới…

Trục đường giao thông xóm Khang Đình, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) được đầu tư đạt tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới , đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, Chương trình NTM đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường trong Chương trình vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất.

Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ở nhiều xã vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện những làng, đường bích họa, dòng sông không rác, đường hoa, cây xanh… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã, ấp, bản đã triển khai giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân.

Những con đường trải dài hoa đang là điểm nhấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới


Xây dựng NTM, các tiêu chí có thể đạt được, nhưng về tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Nguyên nhân là do môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất nghề…

Cụ thể, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng, nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Các hộ chăn nuôi gia đình dù đã xử lý môi trường nhưng không triệt để, gây thất thoát xả thải ra môi trường; chưa kể đến những doanh nghiệp vì lợi nhuận mà “bán rẻ lương tâm”, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người dân, còn có hành vi che giấu sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; các làng nghề chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; ý thức của chủ doanh nghiệp chưa cao, còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thêm việc quan tâm quy hoạch nghĩa trang đạt chuẩn, tăng cường trồng cây xanh, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải tập trung ở mỗi xã đang là vấn đề khó thực hiện triệt để do quỹ đất cũng như kinh phí hạn hẹp.

Ngoài ra, do thiết bị, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có các công trình xử lý nước thải nên hậu quả về ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp về BVMT chưa cao, chưa xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, BVMT…


Mặt trái và hệ lụy của quá trình đô thị hóa tăng nhanh đã tác động rất lớn đến môi trường, trong đó không thể tránh khỏi việc môi trường sống của con người đang bị đe dọa, suy thoái nghiêm trọng bởi ô nhiễm từ các chất thải, nước thải của các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư... Vì vậy, việc xây dựng NTM đặt ra mục tiêu, tiêu chí cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức, vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển. Song, vấn đề cốt lõi là suy nghĩ và hành xử đúng mực của con người đối với thiên nhiên, môi trường.

Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, làng nghề... cũng ảnh hưởng môi trường nông thôn trong nhiều năm qua. Mặc dù, nhiều địa phương đã có những giải pháp tích cực như ra nghị quyết chuyên đề, giao cho các đoàn thể phụ trách, hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân, xây lò đốt rác thải tại gia đình... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, song dường như mới chỉ là giải pháp tạm thời chứ chưa có tính bền vững lâu dài.


Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới các địa phương cần quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh, mương, cống rãnh, ao hồ; xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường để phù hợp thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu, tiêu chí; các bộ, ngành, địa phương cần thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ban hành cơ chế giá dịch vụ bảo vệ môi trường và thực hiện công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý, xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải; phát huy hết mức vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh; huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Con đường bích họa là điểm nhấn khi du khách ghé qua xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du

Để triển khai hiệu quả Chương trình NTM, Ban chỉ đạo Chương trình đã đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân thực hiện và giám sát Chương trình NTM; Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình.


Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững. Đối với các tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM phải chỉ đạo các xã điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm trên diện rộng; Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn; Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao./.

Bạn đang đọc bài viết 63,48% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí môi trường khó nhất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.