Thứ năm, 28/03/2024 22:09 (GMT+7)

7 vấn đề ĐBQH Nguyễn Quốc Bình góp ý cho nhiệm kỳ Chính phủ mới

PV -  Thứ ba, 30/03/2021 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, tuy nhiên việc xử lý còn chậm.

 Kính thưa Đoàn Chủ tọa, Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí với Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Trong nhiệm kỳ này Chính phủ đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong điều hành theo tinh thần kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; với tinh thần đó, Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tôi đồng ý với các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi đánh giá về những thành công xuất sắc của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, xin phép không nhắc lại. Để hoạt động Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, phát huy những thành tựu đã đạt được, trước những khó khăn, thách thức mới trong thời gian tới, tôi xin được đóng góp và đề xuất một số vấn đề sau:

Ông Nguyễn Quốc Bình- Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội

Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được tập trung triển khai, nhiệm kỳ vừa qua, rất nhiều Luật trình Quốc Hội thông qua, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, văn bản quy định chi tiết vẫn còn chậm ban hành, dẫn đến thực thi pháp luật chậm đi vào cuộc sống, việc triển khai thực hiện một số luật còn vướng mắc ví dụ như Luật Quy hoạch, mặc dù Chính phủ đã chủ động đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc Hội giải thích pháp luật để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật nhưng tình trạng các địa phương, các ngành vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ lập quy hoạch, chẳng hạn việc đang triển khai lập quy hoạch điện VIII còn gặp nhiều ý kiến phản ánh những bất cập tại địa phương hoặc như Luật Cạnh tranh, Ủy ban cạnh tranh quôc gia chưa thành lập theo quy định của Luật nên chưa thể triển khai thực hiện các quy định của Luật; đến nay, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn.

Thứ hai, bên cạnh thành công trong đối phó với đại dịch Covid-19 thì Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cụ thể là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Đây không chỉ là gói hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn mà còn là giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các đối tượng người lao động và doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong tiếp cận những gói hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ  mặc dù đã được Chính phủ rất quan tâm nhưng vẫn chưa phát triển, có thể nói là chưa hình thành được ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự mà mới chỉ dừng ở khâu lắp ráp,là khâu chu chuyển đầu vào sản phẩm của nội bộ tập đoàn nước ngoài hoặc phục vụ xuất khẩu, chưa tạo ra giá trị gia tăng, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa để phát triển công nghiệp hỗ trợ làm tiền đề phát triển trong nhiệm kỳ tới.

Thứ tư, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương. Đến nay đã đưa 03/12 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý; Tuy nhiên việc xử lý vẫn còn chậm. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp xử lý đưa ra thời hạn rõ ràng không để việc xử lý kéo dài gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực nhà nước; bên cạnh tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt tiến độ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ để thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Thứ năm, Tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Lưu Mai, xã hội hóa đầu tư là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, theo đó Luật PPP đã được Quốc Hội thông qua, dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông ban đầu đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên thực tế  8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông đã chuyển đổi hình thức đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công, giai đoạn tới nếu các dự án đầu tư quan trọng khác mà không triển khai thực hiện theo phương thức PPP thì nguồn lực đầu tư công không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả thu hút được các dự án theo phương thức đầu tư PPP theo quy định của Luật PPP đã ban hành.

Thứ sáu, Việt Nam được đánh giá là có chi phí logistics khá cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp giảm chi phí logistics nhưng một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics là cần hoàn thiện, xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam trong giai đoạn tới đây, vì đường sắt tốc độ cao có ưu điểm lớn trong giảm chi phí logistics, tuy nhiên chưa được đầu tư; Do vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp giảm chi phí logistics bằng việc đầu tư hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ tới.

Thứ bảy, nhiệm kỳ này nước ta đã gia nhập nhiều hiệp định tự thương mại tự do với các nước, do đó đã xuất hiện hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khi các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Nguyễn Quốc Bình- Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết 7 vấn đề ĐBQH Nguyễn Quốc Bình góp ý cho nhiệm kỳ Chính phủ mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.