Thứ ba, 23/04/2024 19:06 (GMT+7)

70% nhiễm môi trường bắt nguồn từ các phương tiện giao thông

Hà Anh -  Thứ tư, 27/07/2022 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Đặc biệt ô nhiễm do các phương tiện tham gia giao thông gây ra tác động trực tiếp lên người đi đường, mang đến những hậu quả không nhỏ cho sức khỏe.

tm-img-alt
Môi trường sống tại Hà Nội đang dần bị ô nhiễm trầm trọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó chính là quá trình đô thị hoá. Ảnh minh họa ITN

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nan giải của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 92% dân số hiện đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Điều đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người và môi trường tự nhiên. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh theo tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh những lợi ích nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân thì vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ gây ra cũng để lại nhiều hệ lụy đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.

Trong khi đó, với mật độ phương tiện giao thông lớn nhưng chất lượng các loại phương tiện kém, cộng với hệ thống đường giao thông chưa tốt làm thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông đang có xu hướng gia tăng.

Theo Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, kết quả phân tích ở nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thấy, hiện hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đều bị ô nhiễm bụi, nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng, ở mức báo động. Tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… bụi trong không khí trung bình gấp từ 200 tới 300% lần tiêu chuẩn cho phép. 

Vụ trưởng Vụ Môi trường nhận định, suy thoái chất lượng môi trường không khí là nguy cơ dễ nhận thấy trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là ở các đô thị, dọc các tuyến giao thông quan trọng và trong các cảng biển lớn. Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân quá cao khiến thực trạng giao thông ở các đô thị ngày càng xấu, biểu hiện qua sự gia tăng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn. Sự phát triển của GTVT dẫn đến ô nhiễm không khí, tiếng ồn, gia tăng lượng nhiên liệu cũng như diện tích đất sử dụng… Điều này đặt ra sự cần thiết phải có những điều chỉnh tạo ra định hướng mới cho ngành GTVT để đạt sự phát triển bền vững.

tm-img-alt
Ảnh ITN

70% khí thải ô nhiễm từ giao thông

Theo đánh giá của các chuyên gia, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Ở Việt Nam, khoảng 75% số lượng ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng, 25% số lượng ô tô chạy bằng dầu DO, 100% xe máy chạy bằng xăng.

Khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.

Bên cạnh nguồn khí bụi sinh ra từ phương tiện giao thông thì còn có cát bụi, đất đá tồn đọng trên đường do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chở rác hay do chất lượng đất kém. Tiếng ồn cũng là dạng ô nhiễm phổ biến ở đô thị và các phương tiện giao thông, gây tác hại lớn đến toàn bộ cơ thể người nói chung và cơ quan thính giác nói riêng. Tiếng ồn còn làm cho không gian sống trở nên ồn ào, mất đi sự yên tĩnh, làm môi trường trở nên thiếu trong lành và tổn hại đến sức khỏe của con người.

Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.

Giao thông xanh

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách, chủ trương đã được triển khai như: Công tác kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu LPG, CNG; triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, thu đổi xe cũ nát tại TP HCM và Hà Nội…

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải còn nhiều vấn đề cần quan tâm như việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện công cộng vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, phương tiện sử dụng nguyên liệu hoá thạch vẫn đang phổ biến…

Thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu, bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân. Do vậy, các vấn đề như: Hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải công cộng, phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ… đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Trong thời gian qua, Hà Nội và TP HCM đang từng bước thực hiện kế hoạch kiểm soát khí thải ra môi trường của các phương tiện tham gia giao thông. Trong đó phải kể đến chính sách thu, đổi xe máy cũ nát. Song song với đó là các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với vận tải công cộng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tối đa trở ngại cho vận tải công cộng khi lưu thông trên đường.

Nhận thức rõ áp lực của phát triển dịch vụ vận tải công cộng đối với phát triển đô thị, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cũng như các địa phương từ nhiều năm trước đây và hiện nay đã xác định phát triển giao thông công cộng là giải pháp tối ưu và được ưu tiên phát triển để giải quyết bài toán “giao thông xanh”.

Hà Nội và TP HCM đã và đang là những địa phương đầu tiên trong cả nước nhiều có tuyến đường sắt đô thị được đưa vào hoạt động. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Bên cạnh những tuyến đường sắt đô thị, hệ thống xe bus nhanh, mini bus cũng sẽ được triển khai mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân./.

Bạn đang đọc bài viết 70% nhiễm môi trường bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Trì: Nguy cơ tai nạn giao thông do mất nắp hố ga
Tình trạng hố ga, miệng cống thiếu nắp, mất nắp tại tuyến đường Đại Thanh tiềm ẩn nguy hiểm đối với người dân lưu thông trên đường. Điều đáng nói, một số miệng cống, hố ga này không được che đậy, cảnh báo, thậm chí, đã lâu không được thay thế, bổ sung

Tin mới