Thứ sáu, 29/03/2024 09:08 (GMT+7)

74% doanh nghiệp đang thấm đòn Covid-19: Vấn đề cốt lõi

MTĐT -  Thứ tư, 11/03/2020 14:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các giải pháp phải mang tính tích cực như trong phòng chống dịch bệnh vậy. Khoanh các vấn đề cụ thể cùng giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Nguyên nhân đưa ra là do, doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...

Không bất ngờ trước thực trạng trên, ông Vũ Đức Quyết - nguyên Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh thừa nhận dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, với những lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gắn liền với thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, ở lĩnh vực du lịch, dệt may, gia dày... do thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc nên khi có dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu lập tức bị sụt giảm, doanh nghiệp điêu đứng.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Baobacgiang

"Không còn nghi ngờ gì nữa, những ảnh hưởng đang thấy là rất rõ ràng.

Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, lĩnh vực này đang phải chịu tác động kép đó là ảnh hưởng từ chính sách và ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Quy định cấm uống rượu bia vừa được ban hành thì những khuyến cáo không tụ tập ăn uống, đi du lịch tới chỗ đông người cũng được đưa ra để phòng dịch bệnh đã khiến lĩnh vực này gần như đứng yên.

Tôi có nhiều người bạn kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chia sẻ, dịp tháng 3, tháng 4 là thời điểm doanh nghiệp du lịch làm ăn tốt nhất. Rất nhiều hợp đồng, đặt tour được đặt trước vào thời điểm này, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh tới giờ công ty vẫn không ký được một hợp đồng nào", ông Quyết chia sẻ.

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Quyết cũng bày tỏ quan điểm đặc biệt lo ngại.

Đầu tiên là nguồn nguyên liệu, linh kiện phục vụ ngành sản xuất trong nước từ trước tới nay bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành sản xuất của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn nguyên liệu khan hiếm, việc nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do nguồn hàng khan hiếm, giá cả bị đẩy lên, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi doanh thu sụt giảm, nhân công phải nghỉ việc, hoạt động bị ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động chung của nền kinh tế.

Cùng với tình trạng lao động phải nghỉ việc thì vấn đề đối với chuyên gia, lao động nước ngoài cũng là câu chuyện đáng quan tâm.

Ông Quyết cho biết, từ khi có dịch bệnh xảy ra nhiều nhà máy của Hàn Quốc tại Bắc Ninh, Thái Nguyên có xu hướng chuyển dịch một số bộ phận từ Trung Quốc sang Việt Nam sản xuất để tránh dịch. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là điều đáng lo.

"Khi chuyển nhà máy sang hoạt động ở Việt Nam có thể tăng thêm một chút đóng góp về tiền thuế nhưng lại kéo theo sau là những vấn đề về quản lý và lợi ích.

Bởi lẽ, Hàn Quốc chuyển hoạt động sẽ mang theo máy móc, nhân công, hàng hóa sản xuất ra lại đưa về nước, về mặt kinh tế Việt Nam không được lợi.

Hơn nữa, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không có gì chắc chắn nhà máy vẫn tiếp tục sau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi. Việc này có thể khiến cho việc hoạch định chính sách rơi vào thế bị động, do khó đoán định, dễ chủ quan.

Còn về mặt xã hội lại có thể phải đối diện với những nguy cơ về dịch bệnh, rất đáng ngại", ông Quyết nói.

Loay hoay tháo gỡ...

Đứng trước thực trạng trên, ông Quyết cho rằng Chính phủ đã có nhiều phản ứng kịp thời nhằm giải cứu cho doanh nghiệp. Ví dụ, quyết định thông quan một số cửa khẩu được ông Quyết đánh giá là tích cực, giải quyết được một số vấn đề cơ bản nhưng tác động còn chậm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đặc biệt lưu ý tới công tác kiểm soát nguồn nguyên liệu khi đi qua các cửa khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Bởi nếu việc này không được làm tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng, giá cả hàng hóa, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sau này.

Về gói hỗ trợ tín dụng, tài khoá (hoãn, giãn thuế...) cũng là một giải pháp nhưng phải hết sức thận trọng, tránh tình trạng xin - cho, doanh nghiệp cần cứu lại không được cứu.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng vấn đề tài chính không phải là khó khăn cốt lõi của các doanh nghiệp hiện nay.

"Vấn đề mấu chốt chính là tính chủ động, sáng tạo trong điều hành quản lý. Các giải pháp phải mang tính tích cực như trong phòng chống dịch bệnh vậy. Tức là tổ chức các hệ thống đồng hành cùng doanh nghiệp, khoanh các vấn đề cụ thể cùng với đó sẽ đưa ra các định hướng xử lý cụ thể cho từng vấn đề.

 
Vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài nguồn vốn còn là thiếu liên kết, kết nối, khó tìm kiếm thị trường. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, là đứng ra kết nối các lại các đầu mối xuất, nhập khẩu tại các quốc gia trên thế giới mà trước đó doanh nghiệp đã từng hợp tác làm ăn. Trong trường hợp không thực hiện được, phải tạo kết nối giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới.

Tôi biết mấy ông chủ doanh nghiệp trước đây hay xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Vũ Hán (Trung Quốc), bây giờ dịch bệnh xảy ra, hàng hóa không xuất khẩu được. Doanh nghiệp muốn tìm kiếm đầu mối để đẩy hàng đi nhưng không thể.

Doanh nghiệp họ đang rất bí, cơ quan quản lý phải giúp họ làm được việc này", ông Quyết nêu.

Ông Quyết cho rằng, việc này không hề khó chỉ cần Bộ Công thương thông tin rộng rãi, minh bạch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin.

"Vấn đề của ngành công thương là phải pháp tích cực tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, công khai các sự kiện, diễn đàn để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận. Nếu doanh nghiệp nào có khả năng tham gia vào sự kiện nào thì họ có thông tin để chủ động. Tuy nhiên, hiện nay, tôi vào trang web của Bộ công thương, hoàn toàn không thấy thông tin gì mà doanh nghiệp đang quan tâm.

Doanh nghiệp là những người làm ra tiền vì thế cái họ cần giúp không phải là cho họ tiền mà là giúp họ có công cụ để kiếm tiền", ông Quyết nói.

Bên cạnh đó, ông Quyết cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn trong hoạt động sản xuất.

Dẫn lại số liệu từ báo cáo, vị chuyên gia cho biết khoảng 20% doanh nghiệp thông tin "không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh", việc này cho thấy sự bị động của các doanh nghiệp.

Trước khi chờ được nhà nước cứu, bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi, chủ động tìm giải pháp thích ứng để tự cứu mình trước.

Theo baodatviet.vn

Bạn đang đọc bài viết 74% doanh nghiệp đang thấm đòn Covid-19: Vấn đề cốt lõi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.