Thứ sáu, 26/04/2024 06:19 (GMT+7)

Ai được hưởng lợi từ chủ trương dùng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp của Quảng Ninh?

K-M -  Thứ ba, 22/11/2022 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây dư luận tại Quảng Ninh “nóng” lên vì chủ trương cho phép doanh nghiệp sử dụng đất, đá thải làm vật liệu san lấp (VLSL), gây nguy cơ xâm phạm cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long. Vậy ai, doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ chủ trương này?

Lãng phí “tài nguyên”…

Từ giữa thế kỷ 20 các nước Nga, Trung Quốc và trên thế giới đã áp dụng công nghệ sản xuất gạch nung từ đá xít thải sau sàng tuyển. Ở Việt Nam từ năm 2011, Viện Khoa học kỹ thuật công nghệ Mỏ đã có đề tài nghiên cứu và sản xuất thành công 23.000 viên gạch nung từ đá xít thải.

Kết quả khả quan cho ra chất lượng ngang bằng gạch nung từ đất sét, tương đương tiêu chuẩn gạch mác 75 đến 100. Với điều kiện như ở Việt Nam thì gạch hỗn hợp đá xít nghiền trộn đất sét nung là hiệu quả nhất. Vừa rẻ, vừa tiết kiệm tài nguyên vừa bảo vệ môi trường, vừa chống lãng phí cho ngành than.

tm-img-alt
Tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu, đề xuất phướng án bán đá xít thải ra đơn vị ngoài TKV thay vì sử dụng xít thải làm VLSL như hiện nay?

Theo thống kê, hàng năm các mỏ than vùng Quảng Ninh đưa ra các bãi thải hàng triệu m3 đất đá, xít thải, và để xử lý các loại chất thải này, các doanh nghiệp phải chi ra số tiền khổng lồ lên đến nhiều trăm tỷ đồng.

Đơn cử là nhà máy tuyển than Cửa Ông mỗi năm thải ra khoảng 2 triệu tấn đất đá, xít thải được đổ ra vùng ven biển vịnh Bái Tử Long là một sự lãng phí về “tài nguyên”, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường biển (bãi tắm Quảng Hồng gần đó mỗi năm tốn nhiều tỷ đồng để thau rửa bãi cát do than bùn gây ô nhiễm).

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành than rất muốn xin hoặc thậm chí mua lại đá xít của tuyển than Cửa Ông như là niềm mơ ước, thì TKV lại phóng túng cho dự kiến xây dựng dự án tới 130 tỷ đồng để vận chuyển khối “tài nguyên” quý giá của tuyển than Cửa Ông đổ ngược về mỏ.

Mặt khác, hiện nay nhiều nhà máy sản xuất gạch rất mong muốn mua được cái thứ mà TKV chi hàng trăm tỷ từ tiền Nhà nước ra để đổ đi cho kỳ được. Vậy tại sao tỉnh Quảng Ninh không xây dựng chủ trương cho tận dụng đá xít thải để sản xuất vật liệu xây dựng để tạo ra việc làm, an sinh xã hội, xóa bỏ nạn tận thu than từ các bãi đổ xít thải, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, nếu vì lợi ích của quốc gia, vì tinh thần chống lãng phí, vì môi trường và tài nguyên, vì lợi ích kinh tế và an sinh xã hội thì tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu, đề xuất phương án bán đá xít thải ra đơn vị ngoài TKV thay vì sử dụng xít thải làm VLSL như hiện nay ?

tm-img-alt

Nguy cơ xâm phạm cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long khi các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dùng đất đá, xít thải làm VLSL.

Ai được hưởng lợi từ chủ trương này?

Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng nhanh, nhu cầu về VLSL trên địa bàn tỉnh này là rất lớn, lên tới hàng trăm triệu m3 đất, đá.

Để đáp ứng nhu cầu VLSL, thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần lập báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý hoạt động khai thác và sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL mặt bằng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương này đang xảy ra nhiều bất cập, trong đó có dấu hiệu lợi dụng việc khai thác, sử dụng đất đá thải tại các mỏ than để “tuồn” xít thải ra ngoài làm VLSL, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, xâm phạm trực tiếp đến cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long.

Nội dung này đã được Môi trường và Đô thị Việt Nam thông tin chi tiết trong bài viết https://www.moitruongvadothi.vn/quang-ninh-lap-lo-danh-lan-con-den-khi-su-dung-xit-thai-lam-vat-lieu-san-lap-a115554.html.

Như đã thông tin, ngày 22/10/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 7530/UBND-CN để chỉ đạo thực hiện phương án thu hồi và sử dụng khoảng 3.5 triệu m3 đất, đá thải tại các bãi thải mỏ Tây Khe Sim và mỏ Tây Lộ Trí làm VLSL mặt bằng Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II (sau đây viết tắt là Dự án) ở  TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh do Tổng công ty Đông Bắc lập, bổ sung, hoàn thiện.

tm-img-alt

Ai, doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ chủ trương dùng đất đá, xít thải làm VLSL của tỉnh Quảng Ninh.

Theo tìm hiểu, hiện nay một số dự án khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị chậm tiến độ, một phần nguyên nhân do khan hiếm nguồn VLSL. Nhưng đối với Tập đoàn TTP, nhờ “hưởng” lợi thế về chủ trương cho phép sử dụng đất, đá thải mỏ làm VLSL nên chỉ trong thời gian ngắn Tập đoàn này đã rất nhanh chóng hoàn thành việc san lấp gần 100 héc-ta mặt bằng giai đoạn I, II của dự án.

Sau khi nhanh chóng có được mặt bằng, đến nay Tập đoàn TTP đã cơ bản thực hiện xây dựng xong các công trình như: shophouse, nhà liền kề, biệt thự của giai đoạn I dự án, và đã mở bán thu lợi. Đối với giai đoạn II của dự án này, hiện cũng đang được gấp rút triển khai thi công cơ sở hạ tầng.

Rõ ràng, với việc được chủ động sử dụng nguồn VLSL có sẵn tại các mỏ than nêu trên đã giúp Tập đoàn TTP hưởng một lợi thế đặc biệt về thời gian, tiến độ thi công và sớm đưa “hàng” của dự án ra bán.

Đó là cái được của chủ đầu tư dự án – Tập đoàn TTP, thế còn những khách hàng mua căn hộ với giá đắt đỏ tại đây, nhưng lại được xây dựng trên nền VLSL là đất, đá và xít thải có dấu hiệu không đạt chuẩn tại dự án, thì liệu họ có được sống ở một môi trường trong lành và được sử dụng nguồn nước sạch không bị ô nhiễm hay không, thì cần phải có thời gian mới khẳng định được.

Đối với Tổng công ty Đông Bắc, ngoài việc dễ dàng đẩy đi hàng triệu m3 đất, đá, xít thải của các mỏ than trên đã giúp Tổng công ty này giải quyết được bài toán “tiết kiệm” nhiều trăm tỷ đồng chi cho việc xử lý lượng chất thải này. Nhưng với điều kiện Tổng công ty Đông Bắc phải thực hiện đúng và đầy đủ phương án cũng như chủ trương của tỉnh Quảng Ninh trong việc khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm VLSL.

Và câu chuyện mập mờ trong việc khai thác, sử dụng đất đá kèm xít thải để san lấp tại dự án của Tập đoàn TTP thì Tổng công ty Đông Bắc có được hưởng lợi, và liệu có thất thoát ngân sách, lãng phí tài nguyên hay không cũng là câu hỏi mà tỉnh Quảng Ninh cần có câu trả lời thoả đáng và minh bạch trước công luận và người dân tỉnh Quảng Ninh.

Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long (Green Dragon City) nằm bên bờ Vịnh Bái Tử Long, trên địa bàn các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình (TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Dự án có tổng diện tích gần 100ha, được chia làm 3 giai đoạn, có nguồn vốn cho giai đoạn 1 khoảng hơn 1.600 tỷ đồng là vốn tự có của doanh nghiệp, với diện tích 39,33ha và được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. 

Theo giới thiệu, trong giai đoạn 1, Tập đoàn TTP xây thô 286 căn (191 căn nhà shophouse, 25 căn nhà liên kế và 70 căn biệt thự), tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 150.000m2; bàn giao hạ tầng trong quý 1 năm 2022.  

Đối với dự án Green Dragon City 2 của Tập đoàn TTP có diện tích gần 49ha, trong đó đất ở xây thô hoàn thiện mặt ngoài là 10,4ha sẽ xây 479 căn nhà gồm 16 căn shophouse, 374 căn liên kế và 89 căn biệt thự; đất ở 6,3ha sẽ do nhà đầu tư thứ cấp xây dựng theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm 474 căn liền kề. 

Bạn đang đọc bài viết Ai được hưởng lợi từ chủ trương dùng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp của Quảng Ninh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.