Thứ sáu, 26/04/2024 05:16 (GMT+7)

Ai sẽ giám sát kế hoạch chống biến đổi khí hậu của các quốc gia?

MTĐT -  Thứ hai, 13/12/2021 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà khí hậu học Corinne Le Quere nhận định không có “cảnh sát” để kiểm tra việc thực hiện cam kết về mức tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris và đây là một điểm yếu của quá trình này.

Ai se giam sat ke hoach chong bien doi khi hau cua cac quoc gia? hinh anh 1
Cảnh khô hạn tại một cánh đồng ở Dohuk, miền Bắc Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù nhiều quốc gia đã nhất trí với các cam kết toàn cầu nhằm tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, song trên thực tế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng.

Điều đáng chú ý hơn là các quốc gia có thời hạn cho đến cuối năm tới để đảm bảo các cam kết của họ đáp ứng giới hạn về mức tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người kiểm tra việc thực hiện cam kết?

Trả lời hãng tin AFP, nhà khí hậu học Corinne Le Quere nhận định không có “cảnh sát” để kiểm tra và đây là một điểm yếu của quá trình này.

Gần 200 quốc gia đã ký cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Vào tháng 11/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) diễn ra ở Glasgow (Vương quốc Anh), các quốc gia đã kêu gọi tất cả các chính phủ đảm bảo các kế hoạch giảm phát thải trong thập kỷ này phù hợp với các mục tiêu trong Hiệp định Paris vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ tự đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch.

Chuyên gia Le Quere nhấn mạnh tiến trình này đồng nghĩa với các quốc gia có thể tiến lên với tốc độ phù hợp với hệ thống chính trị của họ. Trong khi đó, cho đến nay tốc độ giảm lượng khí thải vẫn chưa đủ nhanh.

Ở cấp độ toàn cầu, một cơ quan của Liên hợp quốc ước tính rằng kế hoạch giảm phát thải vào năm 2030 của các quốc gia sẽ dẫn đến nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2,7 độ C.

Theo một bản đánh giá hàng năm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), một số thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) như Australia và Mexico đang không đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tỏ ý nghi ngờ về việc các quốc gia sẽ đồng ý với bất kỳ sự giám sát chính thức nào từ bên ngoài.

Anne Olhoff, một trong những tác giả xây dựng báo cáo của UNEP, cho rằng các quốc gia giàu hơn có thể sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về gánh nặng phát thải trong lịch sử và về sự công bằng. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhấn mạnh nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng có sự phân biệt tùy theo tình hình quốc gia.

Do đó, một số người tin rằng các quốc gia giàu có, chịu trách nhiệm phần lớn cho tình trạng nóng ấm toàn cầu, cần có nghĩa vụ đối với những người nghèo nhất và hành động nhiều hơn để đạt được đóng góp "công bằng"./.

Bạn đang đọc bài viết Ai sẽ giám sát kế hoạch chống biến đổi khí hậu của các quốc gia?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.