Chủ nhật, 06/10/2024 17:16 (GMT+7)

Anh Thạch Sa The, giải Bạc 'Cây chổi vàng' Đinh Dậu 2017

MTĐT -  Thứ ba, 28/08/2018 10:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tác phẩm đạt giải khuyến khích Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng năm 2018

Khi đêm đã về khuya, hầu hết mọi người đều ngon giấc bên chăn êm nệm ấm. Có mấy ai biết rằng, ở khắp các tuyến đường vẫn còn những người công nhân vệ sinh môi trường đang lặng thầm giữ sạch từng con đường, góc phố, để buổi sớm mai thức dậy thành phố thân yêu như khoác lên mình chiếc áo mới, tràn đầy khởi sắc.

Tôi may mắn được làm việc tại Công ty Công trình Đô thị Sóc Trăng - mái nhà chung với những con người thầm lặng ấy. Nơi đây, tôi có điều kiện để hiểu rõ hơn về những vất vả, hy sinh và cả những cống hiến của họ dành cho cuộc đời này. Tôi xin được gọi họ với tất cả sự trân trọng là “người thầm lặng làm đẹp cho đời”. Một gương điển hình trong số ấy là anh Thạch Sa The - “Cây Chổi Vàng” Đinh Dậu 2017.

Bất kỳ ai lần đầu tiếp xúc với anh Sa The đều cảm nhận được sự gần gũi, hiền lành, chân chất từ anh. Ấn tượng đầu tiên về anh là một con người rắn rỏi, nước da rám nắng và đôi bàn tay chai sạn. Khi được hỏi về bản thân, anh vẫn vui vẻ kể về công việc, về hoàn cảnh gia đình của mình.

Anh tên đầy đủ là Thạch Sa The, sinh năm 1976, người dân tộc Khmer. Quê anh ở tận xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Hiện tại, anh thường trú tại số 80 đường Lương Định Của, Khóm 4, Phường 5 (TP. Sóc Trăng). Anh bắt đầu vào làm việc từ năm 1998, hiện nay là Đội trưởng đội 3, Tổ trưởng tổ Công đoàn 3, công nhân lao động trực tiếp thu gom rác ban ngày và quét rác ban đêm thuộc Xí nghiệp Môi trường - Công ty Cổ phần Công trình Đô hị Sóc Trăng. Trước khi xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường, hoàn cảnh gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân anh có trình độ thấp, không có nghề nghiệp chuyên môn, chủ yếu là lao động tự do, ruộng đất không có, đời sống sinh hoạt thiếu thốn, nhà ở tạm bợ lụp xụp.

Anh Thạch Sa The nhận giải thưởng chương trình "Cây chổi vàng" -  lần thứ nhất năm 2017

Anh cũng không ngại khi kể về những khó khăn, bỡ ngỡ thời gian mới bắt đầu công việc của một công nhân vệ sinh môi trường, thực hiện việc thu gom rác hàng ngày và quét rác ban đêm. Trong những ngày đầu, anh gặp không ít khó khăn do chưa quen với công việc, môi trường làm việc khá vất vả và độc hại. Hàng ngày, anh phải tiếp xúc với hàng trăm thứ rác thải, nhiều loại trong số đó là chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, có nguy cơ cao về các bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, còn phải kể đến ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí. “Chỉ mới quét vài đoạn đường thôi mà cảm thấy mệt, tưởng là không tiếp tục làm nổi, nhiều lúc muốn bỏ việc” - anh bộc bạch. Thêm vào đó là cái nhìn kỳ thị của mọi người. “Tôi cảm thấy buồn khi người ta nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị. Trong suy nghĩ của nhiều người, làm nghề rác là công việc... bẩn!”.

Người công nhân vệ sinh môi trường còn đối mặt với nhiều nguy hiểm trong công việc, nhất là tai nạn giao thông. Quét rác ban đêm ở các tuyến đường thường xuyên có những thanh niên đua xe, chạy nhanh vượt ẩu, có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào. Làm việc vào đêm khuya, đơn lẻ nên nguy cơ bị cướp giật, hành hung là rất lớn. Anh Sa The chia sẻ về một điều thú vị: “Nghề quét rác là làm mãi nhưng không bao giờ hết!”.

Đúng vậy, đó là điều hiển nhiên, mỗi ngày nơi đâu cũng có rác xuất hiện. Thêm vào đó, nhiều đoạn đường vừa quét xong, quay lưng lại đã thấy có rác, hầu như lúc nào cũng vậy. Khi ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn kém, họ thản nhiên vứt bỏ rác xuống đường mà không nghĩ rằng hành động của mình làm tăng thêm phần vất vả cho người khác.

Vào những ngày lễ, Tết là khoảng thời gian sum họp của mọi gia đình, là dịp những người thân hay bạn bè thường thăm hỏi, vui vẻ với nhau. Nhưng với công nhân vệ sinh môi trường thì những thời điểm này công việc lại nhiều hơn vì lượng rác gấp đôi, gấp ba ngày thường. Họ đành gác lại niềm vui, hạnh phúc của riêng mình để làm sạch đẹp cho phố phường, cho nhà nhà có được những kỳ nghỉ trọn vẹn.

Có lẽ khó khăn nhất của người công nhân vệ sinh môi trường là khi thực hiện công việc vào mùa mưa bão. Nghe anh kể về thời điểm này, tôi lại chợt nhớ đến những vất vả, hy sinh của chị lao công trong bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã được học thời phổ thông:

“Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường
Lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác”

Thật xúc động khi nghe anh kể về những đêm trời mưa lớn, cả con đường trơn trợt, ẩm ướt, xen với cái lạnh buốt vì gió vì mưa lúc nửa đêm. Rồi những hôm bão lớn, bao nhiêu rác thải, lá cây ngổn ngang bay khắp con đường. Lúc ấy, trong khi mọi người đang ở nhà tránh bão thì anh cùng với bao công nhân vệ sinh môi trường khác phải đội bão, đội mưa, oằn mình giữ sạch từng vỉa hè, tuyến phố. Để sáng hôm sau, khắp các ngả đường trong thành phố đều sạch đẹp như chưa từng có cơn bão nào đã ập đến nơi đây.

Vất vả là vậy, nhưng trong suy nghĩ của người công nhân đã sáu năm tuổi Đảng vẫn đầy lạc quan, nhiệt huyết và luôn hết lòng với công việc. Anh nhớ rất rõ lời Bác Hồ dạy: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau. Dù công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kỳ công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn!”.

Giờ đây, anh luôn tự hào về công việc của mình, về những gì mình đã đóng góp được cho xã hội, đối với anh “nghề quét rác là lao động chân chính!”. Từ khi vào làm việc, anh luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ phía công ty, cũng như được tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về những tấm gương người tốt, việc tốt. Anh luôn nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Công việc thường xuyên tiếp xúc với những chất độc hại nên bản thân anh khi làm việc luôn tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động của đơn vị đề ra, luôn trang bị đầy đủ bảo hộ lao động: quần áo, giầy, nón, khẩu trang, găng tay, áo phản quang... Trong quá trình làm việc, bản thân anh tuyệt đối không dùng thực phẩm để giữ gìn vệ sinh và an toàn cho sức khỏe của mình.

Một điều đáng tự hào và trân trọng hơn là cả năm người em trong gia đình anh đều là công nhân vệ sinh môi trường...

Bản thân gắn bó với công việc, từ đó anh luôn động viên, tuyên truyền cho anh em và người thân trong gia đình hiểu rõ hơn công việc của mình. Giờ đây, cả sáu anh em anh đều luôn nỗ lực không ngừng trong công việc. Do đó, ai cũng có thu nhập ổn định, tự mình vươn lên xóa nghèo. Bản thân anh rất vui mừng khi thấy anh em trong gia đình đã có những cống hiến cũng như gặt hái được những kết quả tốt trong công việc và có cuộc sống gia đình ổn định, có những thay đổi đáng kể như: nhà tre lá tạm bợ được chuyển sang nhà cột đúc mái tôn, nền gạch men, trang bị được một số đồ nội thất, phương tiện đi làm là xe máy, con em chuyên tâm học tập đạt kết quả khá giỏi trong nhiều năm qua.

Để nâng cao hiệu quả công việc hơn nữa trong những năm tiếp theo, anh đã quyết tâm: thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuân thủ quy chế làm việc của đơn vị, làm tốt công tác tuyên truyền, động viên mọi người đề cao tinh thần tiết kiệm, tích cực lao động sản xuất bằng nguồn lực, khả năng của mình, tự vượt khó bằng chính bàn tay, sức lao động của bản thân; đồng thời đề xuất biểu dương, khen thưởng đối với những tấm gương, mô hình làm kinh tế có hiệu quả, ý chí vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Với những đóng góp trên, anh đã được công ty đề cử và Ban Tổ chức cũng như Hội đồng (thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) xét chọn trao giải bạc Chương trình “Cây Chổi Vàng” Đinh Dậu 2017. Giải thưởng này như một niềm khích lệ, là nguồn động lực để anh phấn đấu hơn nữa trong quá trình công tác về sau. Điều này còn giúp cho những anh em công nhân khác thấy được sự tôn vinh, sự ghi nhận những đóng góp của công nhân vệ sinh môi trường, góp phần cho họ an tâm công tác, gắn bó hơn với nghề và tiếp tục đóng góp cho xã hội.

Anh Thạch Sa The như một người anh em thân yêu trong đại gia đình Công ty Công trình Đô thị Sóc Trăng. Anh sẽ luôn là tấm gương sáng cho bản thân tôi và mọi người noi theo để không ngừng phấn đấu trong công việc, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nguyễn Thị Vân Kiều
Nguồn: Báo Sóc Trăng

Bạn đang đọc bài viết Anh Thạch Sa The, giải Bạc 'Cây chổi vàng' Đinh Dậu 2017. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người lao công chống bão
Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân vệ sinh môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.
Chuyện nghề công nhân vệ sinh môi trường
Gắn bó với nghề thu gom rác vất vả, nhọc nhằn và chịu nhiều thiệt thòi nhưng những công nhân vệ sinh môi trường làm việc tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã không quản ngại khó khăn, vất vả, miệt mài ngày đêm góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
Sáng tạo từ những điều giản đơn
Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.
Người công nhân thoát nước bén duyên “thợ giỏi”
Tận tâm, trách nhiệm trong công việc, luôn tìm tòi những sáng kiến, cải tiến để nâng cao năng suất công việc chuyên môn, công nhân Nguyễn Văn Toàn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, chính là tấm gương thợ giỏi để các đồng nghiệp noi theo.
Người làm đẹp môi trường
Gắn bó với nghề môi trường của ngành hơn 13 năm, dù công việc nặng nhọc, vất vả nhưng anh Nguyễn Hữu Vinh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tin mới