Thứ sáu, 29/03/2024 18:08 (GMT+7)

Áp lực đè nặng trục đường Lê Quang Đạo: Nhìn từ bài học đường Lê Văn Lương

MTĐT -  Thứ bảy, 25/06/2022 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những sai phạm trong quản lý quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu khiến tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội trở thành “điểm nóng” tắc đường thường trực của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.

Tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội) bắt nguồn từ việc xé nát quy hoạch, cấp phép vô tội vạ. Hệ lụy này khiến người dân lo ngại các tuyến đường khác đang được hoàn thiện như trục Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) có thể gặp phải tình trạng tương tự. Trong khi đây là một tuyến đường thường xuyên phục vụ các sự kiện lớn do có Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, trụ sở Bộ Ngoại giao, Cung hữu nghị Việt - Trung... Bài học đắt giá từ việc xé nát quy hoạch trục đường Lê Văn Lương đặt ra yêu cầu kiểm soát, rà soát và cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch để trục đường Lê Quang Đạo không phải gánh chịu tình cảnh tương tự.

tm-img-alt
Sau bài học từ việc băm nát tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương (Hà Nội), nhiều người dân bày tỏ lo ngại vì hàng loạt chung cư đang mọc...

Những sai phạm trong quản lý quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu khiến tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội trở thành “điểm nóng” tắc đường thường trực của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.

Đường “oằn mình” gánh chung cư

Với người dân Hà Nội, cảnh tắc đường không còn quá xa lạ khi vào những giờ cao điểm. Có những trục đường vào thời điểm “nóng” ùn tắc kéo dài cả tiếng đồng hồ. Không chỉ tắc đường mà cảnh thiếu trường, lớp đông, ô nhiễm khói bụi… là thực trạng của việc đường nhỏ bé nhưng oằn mình gánh sức ép từ nhiều chung cư.

Ghi nhận của PV cho thấy, trên tuyến đường Lê Văn Lương dài hơn 2km này có tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 - 30 tầng. Có thể kể đến một số dự án có số lượng căn hộ khủng: 18T1 và 18T2 có 600 căn; Golden Palm có 450 căn hộ; Star City có 462 căn hộ; Hà Nội Center Point có 360 căn hộ…

Tại các tuyến đường kết nối ngang như: Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Ngân, Nguyễn Tuân… cũng dày đặc chung cư, cao ốc. Điều này càng khiến cho trục đường chính Lê Văn Lương liên tục đông đúc, quá tải.

Một điểm đáng chú ý khác là các toà cao ốc mọc lên như “nấm” nhưng chủ yếu là văn phòng và nhà ở. Cả tuyến đường không có công viên hay hệ thống cây xanh.

Cách đó không xa, trục đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự. Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn là điểm nóng ùn tắc trong những khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính do những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng.

Bên phải đường Tố Hữu hướng ra trung tâm Hà Nội, những toà chung cư mọc lên san sát. Trong đó, hàng chục toà đang trong quá trình xây dựng. Ở phía bên đường đối diện hướng từ trung tâm về Hà Đông, còn một số vị trí đất trống nhưng đang được quây tôn và có tên dự án chung cư, “xí” chỗ sẵn.

 
Mật độ xây dựng trên đường Lê Văn Lương là rất lớn. Ảnh: Cao Nguyên

Anh Nguyễn Duy Thế (41 tuổi) mua căn hộ dọn đến khu Trung Hòa - Nhân Chính từ năm 2010 nên cảm nhận rất rõ cuộc sống thay đổi như thế nào trong hơn 12 năm qua vì quy hoạch nhồi nhét nhà cao tầng.

“12 năm trước, đường thông, hè thoáng, thênh thang. Bây giờ, cứ giờ cao điểm là đường ùn tắc, đặc biệt là mỗi khi trời mưa. Dù khoảng cách từ cơ quan về nhà khoảng 5km nhưng mỗi lần để thoát về nhà được phải mất 30 đến 40 phút” - anh Duy Thế tâm sự.

Trong kết luận mới nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng tại một loạt dự án dọc tuyến đường: Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Việc liên tục bị điều chỉnh, xây dựng theo hướng tăng mật độ ở hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã khiến hạ tầng như cây xanh, bãi đỗ xe, trường học… thiếu trầm trọng.

Không dám mua nhà ở dọc “con đường đau khổ”

Sau 10 năm tích lũy, chị Phan Thùy Duyên (quê ở Thanh Hóa) quyết định mua trả góp một căn chung cư. Dù tìm được dự án có mức giá hợp lý, tuy nhiên vì phải đi qua đường Lê Văn Lương để đi làm, chị Duyên phải tìm nơi an cư khác.

"Trước đây, trục đường Lê Văn Lương khá rộng. Bây giờ đường thì vẫn đẹp, nhưng khắp nơi mọc chung cư, cao ốc nên đường đi tắc nghẽn vô cùng. Giờ cao điểm, mưa gió có hôm phải đứng yên cả tiếng. Tôi định mua nhà cách cơ quan khoảng 8km, nhưng phải đi qua đường này nên tôi mua nhà ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội)".

Cũng giống chị Duyên, vợ chồng anh Nguyễn Trung Quân (29 tuổi, quê Nam Định) đang có kế hoạch mua nhà. Khi được một người bạn giới thiệu căn hộ tại dự án ở đường Lê Văn Lương thì anh Quân đã từ chối. Theo lý giải của người này, hạ tầng giao thông là một trong những nhân tố quyết định đến giá trị của căn hộ cũng như quyết định xuống tiền mua nhà.

“Hồi xưa dọc đường này thông thoáng nhưng giờ mỗi buổi sáng hay buổi chiều và đặc biệt là trời mưa, không khó để nhìn thấy cảnh ùn tắc kéo dài. Các chung cư mọc lên như ‘nấm’ thì làm sao mà đường gánh nổi” - anh Quân nói.

Trong khi đó, chị Hoài Thu (trú tại khu đô thị Dương Nội, nằm trên tuyến đường Tố Hữu) ngán ngẩm: “Lúc mua nhà năm 2017, tôi đã được đồng nghiệp ngăn cản, cảnh báo về việc ùn tắc, ngập úng. Cũng 5 lần 7 lượt muốn chuyển nhà nhưng sang các khu mới giá tiền lại cao hơn”.

 
Việc phá nát quy hoạch, cấp phép vô tội vạ khiến tuyến đường Lê Văn Lương tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Ảnh Hải Nguyễn

Một số người dân cho biết, họ đang sống trên trục đường Lê Văn Lương, ngày qua ngày phải chịu cảnh ùn tắc mà không biết phải làm thế nào, cực kỳ mệt mỏi. Cần phải trả lại quy hoạch cho trục đường, thậm chí tháo dỡ công trình sai phạm. Nếu không thì các giải pháp như cấm xe máy, thu phí nội đô… cũng chỉ là những bài toán tình thế.

Trước bất cập này, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, các công trình sai phạm phải được đưa trở lại đúng chức năng như trong quy hoạch vốn có. Không thể để trục đường bị “nhồi” đến cả trăm toà cao ốc.

“Lãnh đạo thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, không thể để chủ đầu tư bán nhà lấy lãi xong bỏ mặc người dân, đi lại ùn tắc, khổ sở” - ông Nghiêm nói.

Nếu như trước đây, mua nhà ở dọc đường Lê Văn Lương là một trong những lựa chọn của nhiều khách hàng vì con đường này khá thông thoáng và vị trí các dự án ở đây không quá xa trung tâm, thì nay nhiều người đang phải suy nghĩ lại khi quyết định mua nhà tại đây.

Bạn đang đọc bài viết Áp lực đè nặng trục đường Lê Quang Đạo: Nhìn từ bài học đường Lê Văn Lương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo laodong.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới