Thứ sáu, 19/04/2024 16:11 (GMT+7)

Áp lực đô thị hóa - Đề xuất giải pháp quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam

MTĐT -  Thứ sáu, 21/10/2022 09:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc khắc phục các vấn đề bất cập không thể giải quyết chỉ bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nguồn lực từ bên ngoài mà cần bắt đầu từ ngay khâu quy hoạch, quy hoạch đô thị, tạo dựng năng lực cạnh tranh và phát huy nguồn lực nội tại của đô thị.

1. Giới thiệu

Đô thị hoá đang và sẽ diễn ra nhanh nhất ở các nước đang phát triển. Tốc độ tăng dân số đô thị trung bình là 2,3% mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2030, đưa tỷ lệ dân số đô thị của các nước đang phát triển từ 42% năm 2003 tăng lên 57% năm 2030. Tại các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra đặc biệt nhanh.

Việc tổng quan các nghiên cứu về quá trình đô thị hoá ở các thành phố lớn của các nước đang phát triển như Thượng Hải (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ), Dahka (Bangladesh), Sao Paulo (Brazil), Bangkok (Thailand), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines) cho thấy áp lực to lớn của đô thị hoá thể hiện trên nhiều khía cạnh của đời sống đô thị cũng như cách thức chính quyền các thành phố tác động vào quá trình đô thị hoá. Những thành công và thất bại của các giải pháp quản lý quá trình đô thị hoá của các thành phố đi trước này đã và sẽ là bài học sống động cho các thành phố đi sau.

Với 98,51 triệu dân năm 2021, Việt Nam là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Chính sách Đổi mới bắt đầu từ 1986 đã dẫn dắt quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế theo hướng thị trường và công nghiệp hóa. Từ 1990 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 37 lần thông qua việc duy trì mức tăng trưởng đáng kể 6 - 7%/năm, đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình với các chỉ số xã hội quan trọng tương đương với các nước có thu nhập cao hơn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD theo giá hiện hành vào năm 1990, lên đến khoảng 3.743 USD vào năm 2021.

Nhờ tác động của tăng trưởng kinh tế, trong hơn 20 năm qua, hệ thống đô thị đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 40,5% năm 2021. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.

Với dân số đô thị gần 38 triệu người, khu vực đô thị đóng góp trên một nửa GDP của cả nước. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh đã dẫn đến một số bất cập, gây ra tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân và sản lượng kinh tế của khu vực đô thị nói riêng và cả nước nói chung.

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không nhỏ. Để thực hiện khát vọng mạnh mẽ là đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao với mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035, Việt Nam cần quản lý tốt quá trình đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Với hiệu ứng kinh tế tích cực do tập trung dân cư, các đô thị sẽ làm tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế.

2. Các tồn tại và bất cập chính trong quá trình đô thị hoá

Quá trình đô thị hoá trong các giai đoạn vừa qua, bên cạnh nhiều điểm tích cực, đã bộc lộ các tồn tại và bất cập, nổi bật là:

2.1. Quản lý sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả

Công tác quản lý sử dụng đất đô thị trong bối cảnh nền kinh tế thị trường còn thiếu kinh nghiệm, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất đai kém hiệu quả; cho việc đầu cơ, giá bất động sản tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và sức khoẻ chung của nền kinh kế. Bởi vậy, công tác quản lý sử dụng đất đô thị đòi hỏi phải có sự đổi mới, phải có sự thống nhất phối hợp đa ngành, nhất là phải có cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh làm công cụ đắc lực phục vụ công tác này.

Tốc độ đô thị hóa toàn quốc tuy nhanh nhưng mức độ còn nhỏ và phạm vi phân tán. Hàng năm, có khoảng 70 - 75% số đô thị được nâng loại là các đô thị loại nhỏ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa thực sự diễn ra tại ở đô thị lớn (chủ yếu ở đô thị loại đặc biệt và một số đô thị loại I), phần lớn các dự án phát triển đô thị mới được xây dựng ở khu vực ngoại thành của các đô thị lớn, nhiều nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Tăng trưởng ở 2 đô thị này kéo theo tăng trưởng khá mạnh ở 2 vùng: Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng TP.HCM (1).

Các đô thị đang có xu hướng quy hoạch và mở rộng nhanh, tuy nhiên việc mở rộng chưa gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động và ngành nghề. Trong 30 năm qua, diện tích đất toàn đô thị tăng hơn 30% nhưng dân số toàn đô thị chỉ tăng 12%. Điều đó cho thấy tốc độ mở rộng của các đô thị rất nhanh, một số lượng lớn đất đai và dân số nông thôn đã được sáp nhập vào đô thị. Thực tế này làm cho mật độ dân số đô thị của Việt Nam vốn đã thấp lại càng thấp hơn (2) so với các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới. Việc chuyển đổi lao động trong khi vực đô thị diễn ra chậm, các biệt có nơi ngược với quy luật đô thị hóa.

Mật độ dân số đô thị trung bình của 2 vùng đô thị hóa và phát triển kinh tế trọng điểm (Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng TP.HCM) tương ứng là 2.658 người/km2 và 2.343 người/km2. Mật độ này rất thấp nếu so sánh với mật độ dân số đô thị trung bình của các vùng đô thị trên thế giới: vùng Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) là 10.400 người/km2, vùng Thủ đô Jakata (Indonisia) là 9.400 người/km2, vùng Thủ đô Manila (Philippines) 15.400 người/km2, vùng Thượng Hải (Trung Quốc) là 6.000 người/km2. Mật độ dân số đô thị thấp phản ánh việc sử dụng đất đai trong phát triển đô thị chưa hiệu quả.

2.2. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của dân cư

Hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, quy mô chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số, chưa đảm bảo kết nối giữa các đô thị và giữa các khu vực trong từng đô thị. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối liên kết vùng.

Dân số đô thị tăng nhanh đã gây ra quá tải đối với hệ thống hạ tầng đô thị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển chậm. Phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên (nhất là đất đai, nguồn nước…). Chất lượng đô thị hóa, chất lượng hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cây xanh cảnh quan cũng như không gian kiến trúc đô thị còn chậm phát triển, thiếu đồng bộ.

Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn thiếu và các giải pháp huy động vốn chưa được triển khai một cách tích cực, công tác giải ngân còn chậm. Chưa chủ động khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn vốn nước ngoài. Việt Nam đang còn là một quốc gia có hạ tầng kỹ thuật đô thị lạc hậu, công tác cải tạo nâng cấp, phát triển mới hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại là một nhu cầu cấp bách trong phát triển đô thị.

Chất lượng hạ tầng đô thị nói chung của các đô thị trong toàn hệ thống còn hạn chế, chưa đồng bộ. Hệ quả là tình trạng ách tắc giao thông, ngập lụt, ùn ứ rác thải, nước thải diễn ra thường xuyên hơn, tác động tiêu cực đến môi trường đô thị, là một trong các nguyên nhân khiến cho các dịch bệnh ở đô thị diễn ra ngày một phức tạp:

- Tỷ lệ đất dành cho giao thông trong các đô thị còn thấp, năng lực phục vụ của hệ thống giao thông công cộng không đáng kể. Tại nhiều đô thị việc giải quyết các vấn đề về giao thông vẫn là giải pháp tình thế chưa đáp ứng các nhu cầu hiện tại.

- Khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch còn hạn chế. Công tác quản lý nước thải và chất thải rắn còn nhiều bất cập, việc lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam còn khó khăn. Công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc đô thị cũ - mới chưa được kiểm soát tốt.

- Hệ thống cây xanh, công viên ở nhiều đô thị chưa được quan tâm, thiếu qui hoạch và đầu tư. Tại nhiều đô thị, tỷ lệ đất cây xanh đạt thấp so với quy chuẩn; hệ thống khung thiên nhiên như đặc điểm địa hình, diện tích mặt nước (sông, hồ) suy giảm nhanh.

2.3. Đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải

Nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị chưa theo quy hoạch và kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đất đai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các đô thị cũ chậm được cải tạo, chỉnh trang; công tác thu hồi, khai thác, sử dụng đất và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan chưa hợp lý, một số nơi gây bức xúc trong nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Việc thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang khu đô thị cũ chưa nhiều. Công tác cải tạo khu đô thị cũ khá phức tạp, gặp nhiều khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến kinh phí thực hiện dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài. Việc cải tạo, chỉnh trang chưa điều hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân, chưa có biện pháp khuyến khích xã hội hóa.

Công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số dự án khu nhà ở còn nhiều bất cập. Điều này gây ra sự mất cân đối giữa số lượng các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

2.4. Quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả

Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch còn hạn chế, khả năng dự báo chưa đáp ứng xu thế phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lập và quản lý thực hiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị (3) còn chậm. Công tác lập quy hoạch ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, việc triển khai quy hoạch còn phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước; chất lượng tư vấn quy hoạch chưa cao, thời gian lập quy hoạch bị kéo dài.

Tuy đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được nghiên cứu công phu và từng bước đi vào cuộc sống nhưng việc triển khai ở địa phương còn chậm nên chưa phát huy hiệu lực hiệu quả; Các chiến lược, quy hoạch chất lượng chưa cao, tầm nhìn, dự báo nhu cầu còn hạn chế; Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiêú hoặc đã ban hành nhưng chậm cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa theo kịp thực tiễn dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân. Đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội. Phát triển các khu đô thị mới ở nhiều nơi chưa xuất phát từ quy hoạch, kế hoạch. Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chậm được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến diện mạo đô thị và phát triển bền vững. Việc ứng phó với các thách thức mới chưa hiệu quả:

- An toàn xã hội, đói nghèo đô thị: Vấn đề đói nghèo và thất nghiệp thường diễn ra ở những đô thị phát triển nhanh nhưng thiếu cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật vững chắc, sự hiểu biết hạn chế về pháp luật của người dân kéo theo sự mất an toàn xã hội, an ninh trật tự đô thị cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hấp dẫn đầu tư bị giảm sút. Chênh lệch thu nhập đô thị tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về vật chất, dịch vụ đô thị khác cũng có sự chênh lệch ở mức độ khác nhau, đòi hỏi các giải pháp tổ chức cung cấp dịch vụ đa dạng, đặc biệt là y tế, nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp.

- Biến đổi khí hậu toàn cầu: Sự nóng dần lên của trái đất, mực nước biển dâng, suy thoái nguồn tài nguyên đang là những vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hệ thống đô thị ven biển, nhất là khu vực phía Nam (trong đó có vùng TP.HCM) cần phải có giải pháp trong qui hoạch phát triển đô thị để đảm bảo phát triển bền vững.

3. Nhận diện một số nguyên nhân chính

3.1. Phát triển đô thị được tiếp cận từ quan điểm đơn ngành

Một trong những vấn đề chính là phương pháp tiếp cận đơn ngành trong phát triển đô thị. Nguồn gốc là cách phân bổ trách nhiệm giữa các bộ khác nhau đối với phát triển đô thị và thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành khi xây dựng và tích hợp các chính sách. Việc phân công trách nhiệm này thuần túy theo cách tiếp cận khu biệt và không phân bổ trách nhiệm phối hợp, khớp nối. Đây cũng là một vấn đề ở cấp địa phương: các sở ngành tiến hành kế hoạch cụ thể theo ngành dọc của mình mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Các khuôn khổ chính sách đô thị phức tạp và trở nên chồng chéo theo thời gian cũng có những tác động hữu hình khi đi vào quá trình phát triển đô thị. Như vậy, một trong những thách thức cấp bách nhất sẽ là đơn giản hóa sự phức tạp của các chính sách bị chồng chéo và đưa ra định hướng cụ thể hơn cho các chính sách đô thị quốc gia.

3.2. Thiếu các cơ chế hợp tác giữa các chính quyền địa phương

Thiếu cơ chế phối hợp giữa các chính quyền địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã là ví dụ phản ánh cho sự trống vắng của tư duy vùng đô thị. Chính quyền cấp huyện lập quy hoạch mà không có tham chiếu đến địa bàn có chức năng đô thị. Một phần của vấn đề bắt nguồn từ cách tổ chức chính quyền địa phương. Ví dụ, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các vấn đề liên quan đến hơn hai đơn vị hành chính cấp huyện sẽ được giải quyết theo thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh.

Cách này cũng áp dụng cho các cấp chính quyền, cả ở cấp tỉnh cũng như ở cấp xã. Điều này có nghĩa rằng các chính quyền địa phương không chủ động phối hợp với nhau đầu tư cung cấp dịch vụ công để tạo ra nền kinh tế có quy mô vì vấn đề đó sẽ được chính quyền cấp trên giải quyết. Cách sắp xếp này đã làm trách nhiệm phát triển đô thị lu mờ. Nếu các vấn đề đều được chính quyền cấp trên đảm nhiệm thì chính quyền cấp dưới sẽ có ít vai trò và trở nên thụ động.

3.3. Nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, chưa đa dạng và chưa được sử dụng hiệu quả

Thực tế phát triển đô thị cho thấy, khó khăn lớn nhất tại các địa phương là thiếu nguồn lực phát triển đô thị và việc sử dụng các nguồn lực thiếu hiệu quả. Hiện chưa có các quy định phù hợp về cơ chế xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực phát triển đô thị, khuyến khích, thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị. Việc thiếu cơ sở pháp lý về huy động, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho phát triển đô thị, đặc biệt là các nguồn lực từ đất đai làm giảm năng lực phát triển đô thị tại các địa phương.

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng nguồn lực còn chưa hiệu quả, đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải không căn cứ vào nhu cầu và khả năng huy động vốn dẫn đến việc đầu tư các dự án khu đô thị mới còn phân tán trong ranh giới một thành phố/thị xã, trong khi khả năng xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.

3.4. Năng lực quản lý đô thị của cán bộ các cấp chưa đáp ứng yêu cầu

Bên cạnh việc thiếu các công cụ quản lý phát triển đô thị (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc), năng lực quản lý đô thị ở các địa phương chưa theo kịp thực tiễn phát triển. Trong nhiều trường hợp, phát triển các khu đô thị mới còn theo ý muốn chủ quan của nhà đầu tư. Kết nối hạ tầng giữa các khu đô thị chưa được quan tâm, công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ. Công tác quản lý sử dụng đất đô thị chưa có cơ chế phù hợp cũng như sự phối hợp đa ngành.

Trách nhiệm quản lý nhà nước trong phát triển đô thị chưa được quy định cụ thể, chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý phát triển đô thị chưa cao. Nhận thức và năng lực chuyên môn về quản lý đô thị của nhiều lãnh đạo và công chức UBND các cấp chưa đầy đủ. Việc triển khai thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015 (Quyết định 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ) gặp nhiều khó khăn.

4. Các nhóm giải pháp lớn

Để đô thị phát triển có chất lượng, hiệu quả cần kiên trì thực hiện các nhóm giải pháp sau:

(1) Nghiên cứu, xác định mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp lập quy hoạch đô thị theo các giá trị phổ quát, gắn với quy luật đô thị hoá, kinh tế thị trường.

(2) Rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật mới phù hợp với thực tiễn phát triển, tạo công cụ pháp lý quan trọng để kiểm soát quá trình đô thị hóa theo quy hoạch và kế hoạch.

(3) Rà soát, đánh giá định kỳ các quy hoạch, kế hoạch (sử dụng đất đai, nhà ở, hạ tầng...) và tình hình thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị/quy chế quản lý kiến trúc tại khu vực đô thị toàn quốc. Triển khai đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị làm cơ sở, công cụ quản lý đô thị có hiệu quả tại các địa phương.

(4) Rà soát đánh giá hiệu quả phân bổ, sử dụng vốn đầu tư phát triển tại đô thị, gắn đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, cải thiện môi trường, kiến trúc cảnh quan; quản lý phát triển đô thị theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(5) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị cho các cấp chính quyền đô thị và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý đô thị có chất lượng và hiệu quả.

5. Kết luận

Ðô thị hóa là xu thế tất yếu trên thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng. Trong thời gian tới, công tác quản lý phát triển đô thị cần bảo đảm năm nguyên tắc. Một là, bảo đảm phù hợp quy hoạch với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và pháp luật có liên quan. Hai là, bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng. Ba là, bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Bốn là, tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị, bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. Năm là, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn thách thức và sức ép từ nhiều mặt. Việc khắc phục các vấn đề bất cập không thể giải quyết chỉ bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nguồn lực từ bên ngoài mà cần bắt đầu từ ngay khâu quy hoạch, quy hoạch đô thị, tạo dựng năng lực cạnh tranh và phát huy nguồn lực nội tại của đô thị. Bối cảnh đó đòi hỏi các đô thị cần có một sự quyết tâm xuyên suốt kiên trì theo định hướng (4) đã đề ra, kế thừa các thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được đồng thời tiếp thu những tiến bộ và kinh nghiệm thành công của thế giới để chuyển đổi tư duy, từng bước xây dựng thế chủ động để phát triển bền vững các đô thị toàn quốc.

PGS.TS.KTS Hoàng Vĩnh Hưng

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Xây dựng, Bộ Đất đai Hạ tầng Giao thông và Du lịch (2019), Kỷ yếu hội thảo phát triển đô thị.

2. The World Bank, Vietnam Country Office, 2011. Climate - Resilient Development in Vietnam: Strategic Directions.

3. Ngân hàng Thế giới, 2015. Báo cáo Việt Nam 2035.

4. OECD, 2017. Báo cáo đánh giá chính sách đô thị quốc gia của Việt Nam.

(1) Sau khi có Luật Quy hoạch 2017, hai vùng đô thị hoá này có thể nhận biết bằng phạm vi tương đương: Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông Nam bộ.

(2) Theo số liệu năm 2019, mật độ dân số đô thị trung bình toàn quốc là 1.950 người/km2

(3) Theo Luật Kiến trúc 2019 là Quy chế quản lý kiến trúc.

(4) Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị.

Bạn đang đọc bài viết Áp lực đô thị hóa - Đề xuất giải pháp quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước