Thứ bảy, 14/09/2024 14:32 (GMT+7)

Australia: Gắn camera lên sư tử biển để khám phá môi trường sống dưới đáy đại dương

MTĐT -  Thứ năm, 08/08/2024 09:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, các nhà khoa học Australia có sáng kiến thú vị - sử dụng một đội ngũ "nhà nghiên cứu đặc biệt" là những con sư tử biển để khám phá dưới biển sâu .

tm-img-alt
Sư tử biển đã giúp các nhà khoa học lập bản đồ các rạn đá và đồng cỏ biển dọc theo thềm lục địa và chỉ cho con người những nơi quan trọng đối với chúng. Ảnh: Washington Post/ Nathan Angelakis

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí sinh học biển uy tín Frontiers in Marine Science ngày 7/8, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Australia (SARDI) tiết lộ rằng, họ đã xác định được 6 dạng môi trường sống dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển phía nam của Australia bằng cách trang bị cho sư tử biển những chiếc camera nhỏ.

Để khắc phục những hạn chế liên quan chi phí và điều kiện của việc khám phá đáy biển, các nhà nghiên cứu đã gắn camera hạng nhẹ và thiết bị theo dõi cho 8 con sư tử biển cái trưởng thành từ các đàn ở bang Nam Australia.

Các thiết bị này bao gồm máy theo dõi GPS, máy ảnh và cảm biến chuyển động, được thiết kế nhỏ gọn và không cồng kềnh, nặng chưa đến 1% trọng lượng cơ thể của sư tử biển để không làm cản trở hoạt động hoặc ảnh hưởng đến hành vi của chúng.

Sau khi hoàn thành dự án, các thành viên trong nhóm có thể tháo các cảm biến ra khỏi các miếng dán mà không làm hỏng bộ lông của sư tử biển.

Trong tổng số 89 giờ quay phim do… sư tử biển ghi lại, các nhà nghiên cứu đã xác định được 6 dạng môi trường sống khác nhau ở vùng đáy biển, từ những rạn san hô rực rỡ đến những đồng cỏ biển xanh mướt, làm sáng tỏ hơn về các khu vực chưa được khám phá trước đây của đáy biển ngoài khơi bờ biển phía nam Australia.

Sau đó, họ sử dụng các mô hình máy học kết hợp dữ liệu 21 năm quan sát và đo lường để dự báo và xây dựng bản đồ chi tiết về các khu vực môi trường sống trên diện tích khoảng 5.000km2 ở vùng thềm lục địa miền nam Australia.

Trên toàn thế giới, mới chỉ có 26% diện tích đáy biển được lập bản đồ với độ phân giải cao. Điều này một phần là do những thách thức liên quan đến việc khám phá biển sâu, nơi áp suất cực kỳ cao và mức độ ánh sáng thấp.

Các nhà nghiên cứu thường lập bản đồ đáy biển bằng các phương tiện dưới nước điều khiển từ xa, hoặc thả camera từ tàu nổi, nhưng cả hai phương pháp này đều tốn thời gian và tốn kém.

Nathan Angelakis, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, việc sử dụng dữ liệu video và chuyển động của động vật ăn thịt dưới đáy biển là một cách thực sự hiệu quả để lập bản đồ các môi trường sống đa dạng trên các khu vực rộng lớn của đáy biển, vốn là những môi trường sống ngoài khơi đặc biệt sâu và xa và khó có thể tiếp cận thông qua các cuộc khảo sát thông thường.

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu thu thập được có thể giúp cung cấp thông tin quan trọng cho việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, giám sát các loài sinh vật biển và dự báo các mối nguy hiểm tiềm tàng như sóng thần.

Ông Angelakis cho biết thêm, trong các nghiên cứu trong tương lai, các nhà khoa học có thể trang bị thêm cho sư tử biển các cảm biến để thu thập dữ liệu về các đặc tính vật lý và hóa học của môi trường sống dưới đáy biển.

Hải Đăng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Australia: Gắn camera lên sư tử biển để khám phá môi trường sống dưới đáy đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào Cai tăng cường đảm bảo công tác y tế sau lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Phòng chống bệnh do muỗi truyền sau mưa bão
Sau mưa bão, lũ lụt, môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức để phòng bệnh do muỗi truyền, trong đó phổ biến nhất là bệnh sốt xuất huyết.