Thứ năm, 28/03/2024 22:18 (GMT+7)

Bắc Giang: Chính quyền có 'bao che' cho doanh nghiệp?

Sơn Hồng - Tiêu Diệp -  Thứ sáu, 19/07/2019 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năng lực khai thác chỉ đạt 275.000m3/năm, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn chấp thuận cho Công ty Minh Hà thực hiện dự án cải tạo, hoàn nguyên môi trường trong 6 tháng với khối lượng 346.000m3 đầy khó hiểu?

Nghi vấn thẩm định có nhiều gian dối?

Ngay khi phóng viên có cuộc làm việc chính thức với ông Ngô Văn Xuyến – Phó Giám đốc sở TNMT tỉnh Bắc Giang về việc Công ty Minh Hà có đủ năng lực thực hiện “Dự án cải tạo, hoàn nguyên môi trường của dự án đắp đất nền công trình” tại xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải tuyến bài chỉ ra loạt sai phạm trong hoạt động khai thác của công ty Minh Hà tại mỏ đá trên về việc tự ý chiếm đất, vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng, dựng trạm bê tông, trạm Asphalt  khi chưa đủ điều kiện về thủ tục giao đất, hoạt động chuyền chở đất vượt quá trọng tải, lượng xe vận chuyển quá số lượng cho phép, vận chuyển không đảm bảo môi trường, trốn thuế...  

Hiện nay, vấn đề được dư luận quan tâm lớn nhất là việc Hội đồng thẩm định tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho Công ty Minh Hà thực hiện dự án khi không đủ năng lực sao vẫn được giao dự án?

Ông Ngô Văn Xuyến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang khẳng định việc Sở thẩm định là đúng mặc dù thực tế năng lực của Công ty Minh Hà không đảm bảo.

Với câu hỏi trên, ông Ngô Văn Xuyến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho biết: “Năng lực của Sở về việc thẩm định không có trách nhiệm trả lời trước cơ quan báo chí. Vì cơ quan chuyên môn của Sở làm theo quy định pháp luật, trình tự thủ tục pháp luật. Tôi khẳng định việc cải tạo, phục hồi môi trường đã có sự xem xét, cân nhắc, có cả hội đồng thẩm định chứ không có lợi ích gì ở đây cả”.

Câu trả lời “như đinh đóng cột” của ông Xuyến khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc, tại sao sở TNMT lại không thể trả lời báo chí nội dung thẩm định, quy trình thẩm định năng lực Công ty Minh Hà?

Lật ngược lại thời gian trước đó, cuối năm 2016, sau khi Công ty Minh Hà hết hạn khai thác tại mỏ “đất đắp nền công trình”, Công ty lập tức trình UBND tỉnh Bắc Giang công văn số 12/2016/ĐN-NH xin gia hạn khai thác mỏ với trữ lượng trên 500 nghìn m3 nhưng không được tỉnh chấp thuận theo công văn số 4166/UBND-TN ngày 28/12/2016.

Ngay sau khi hết hạn cấp phép, Công ty Minh Hà thực hiện chính sách “móc đất lậu” đem bán “chui” cho các đơn vị ngoài kiếm lời “bất chính”, việc khai thác hơn một năm với khối lượng 178.000 m3 đất nhưng chính quyền không hề hay biết.

Tháng 5/2018, Công ty Minh Hà ký với Công ty CP KCN Sài Gòn – Bắc Giang “Hợp đồng thi công san lấp hạ tầng kỹ thuật KCN Quang Châu – Bắc Giang” khối lượng 161.000m3/ giá 70.000 / m3, có tổng  trị giá 11.305.000 vnđ (Mười một tỷ ba trăm linh năm triệu đồng).

Ngay khi Công ty Minh Hà ký được hợp đồng lớn san lấp KCN Quang Châu thành công, lập tức tháng 06/2018, sở TNMT tỉnh Bắc Giang có công văn số 1294/TNMT - TNKS đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho Công ty Minh Hà thực hiện “khai thác, vận chuyển đất tại mỏ đất đắp nền công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng”, nhưng trong công văn lại ghi rất rõ năng lực khai thác khoáng sản của Công ty Minh Hà chỉ đạt 275.000m3/ năm.

Sự việc thật sự khó lý giải, từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018, sở TNMT tỉnh Bắc Giang liên tiếp có hai công văn số 2530/TNMT-TNKS và công văn số 3329/TNMT-TNKS “thúc ép” lãnh đạo tỉnh “đề nghị cho phép Công ty Minh được hạ thấp độ cao khu vực mỏ đất núi Vườn Tùng, thôn Hàm Long, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng thực hiện dự án cải tạo, hoàn nguyên môi trường dự án khai thác đất đắp nền công trình”.   

Lạ ở chỗ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chỉ vì dựa vào những công văn “thúc ép” trước đó của sở TNMT, cho nên lãnh đạo tỉnh Bắc Giang hạ bút ký công văn số 89/UBND-TN chấp nhận chủ trương “cho phép Công ty Minh Hà hạ thấp độ cao mỏ đất đắp nền công trình tại xã tiền Phong, huyện Yên Dũng”.

Ngày 9/1/2019, ngay khi có được bút phê chấp thuận chủ trương của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về việc hạ cos +92,1m xuống + 60m tại mỏ “khai thác đắp đất nền công trình ở xã Tiền Phong”. Chỉ một ngày sau đó, Công ty Minh Hà ra mặt ký hợp đồng số 01/HĐKT với Công ty CP Bạch Long cung ứng 300.000 m3 với giá 58.000/m2/ với tổng giá trị 17.400.000.000 (mười bảy phảy bốn tỷ đồng) đất đắp nền cho KCN Song Khê Nội Hoàng.  

Để đẩy nhanh tiến độ, ngày 21/01, ông Lại Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục hạ bút ký quyết định số 43/QD-UBND, chính thức cho phép Công ty Minh Hà trúng thầu đề án “cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung dự án khai thác đất đắp nền công trình xây dựng”.

Lạ ở chỗ, cả một hội đồng thẩm định, tại sao lại có thể bỏ qua năng lực của Công ty Minh Hà như vậy? Quy trình thẩm định có rất nhiều nghi vấn mập mờ cần được công khai?...

Sở TNMT có "đánh tráo khái niệm" khai thác khoáng sản - cải tạo?

Việc Công ty Minh Hà cắt tầng, hạ cos +92,1 m xuống cos +60 m là sự thật, hiện nay, theo Điều 67, Luật khoáng sản năm 2010, khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa, như vậy, hạ cos là khai thác sao gọi hoàn nguyên?

Sở TNMT có "đánh tráo khái niệm" khai thác khoáng sản - cải tạo?

Theo ông Xuyên: “Việc hạ cos cũng là hoàn nguyên môi trường nhằm đảm bảo cho khu vực được an toàn, tạo cảnh quan cho khu vực. Cho nên, tôi khẳng định Công ty Minh Hà là đang cải tạo, phục hồi môi trường chứ không phải khai thác”.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Chính quyền có 'bao che' cho doanh nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.