Chủ nhật, 15/09/2024 00:24 (GMT+7)

Bắc Giang: Giữ an toàn bếp ăn trong khu công nghiệp

Bảo My -  Thứ ba, 13/08/2024 10:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Toàn tỉnh có 374 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN, trong đó có 40 công ty tự tổ chức nấu ăn, 232 công ty ký hợp đồng dịch vụ suất ăn sẵn (55 công ty chế biến tại chỗ, còn lại mua suất ăn sẵn vận chuyển từ nơi khác đến).

Mỗi ngày, doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh chuẩn bị hàng trăm, thậm chí hàng nghìn suất ăn cho công nhân. Nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động, ngoài kiểm tra thực tế tại các bếp ăn, cơ quan chuyên môn của tỉnh, các DN quan tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào chế biến tại bữa ăn cho công nhân.

Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam (KCN Đình Trám) đi vào hoạt động từ năm 2017, tạo việc làm cho 300 lao động. Để tổ chức bữa ăn ca cho công nhân (bữa trưa), DN ký hợp đồng cung ứng suất ăn công nghiệp với Công ty TNHH Home Food Vina (Bắc Ninh). Việc tổ chức nấu ăn được thực hiện tại bếp ăn của công ty theo quy trình một chiều, thực phẩm cung ứng cho mỗi bữa ăn đều có hợp đồng, giấy chứng nhận an toàn; nguồn nước cung cấp cho các bếp ăn luôn được kiểm soát, bảo đảm chất lượng. Thực đơn hằng ngày được xây dựng cân đối về dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện thời tiết. Đặc biệt, để người lao động yên tâm với chất lượng bữa ăn, công ty thành lập tổ kiểm soát nội bộ với sự tham gia của nhân viên y tế và cán bộ, người lao động. Hằng ngày, tổ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các quy trình nhập, nguồn gốc thực phẩm và chế biến.

Giữ an toàn bếp ăn trong khu công nghiệp
Chia thức ăn tại bếp ăn của Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Minh, quản lý bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam cho biết: “Để mang đến bữa ăn an toàn cho công nhân, chúng tôi bố trí khu vực để thực phẩm chưa chế biến và thức ăn chín riêng biệt. Nấu ăn xong, toàn bộ nhân viên nhà bếp phải rửa tay, thay tạp dề, găng tay trước khi thái thức ăn chín và chia các phần thức ăn đã chế biến vào khay cơm. Nhờ đó, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tại DN không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hoặc phản ánh của công nhân về chất lượng bữa ăn ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Toàn tỉnh có 374 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN, trong đó có 40 công ty tự tổ chức nấu ăn, 232 công ty ký hợp đồng dịch vụ suất ăn sẵn (55 công ty chế biến tại chỗ, còn lại mua suất ăn sẵn vận chuyển từ nơi khác đến).

Theo thống kê, toàn tỉnh có 374 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN, trong đó có 40 công ty tự tổ chức nấu ăn, 232 công ty ký hợp đồng dịch vụ suất ăn sẵn (55 công ty chế biến tại chỗ, còn lại mua suất ăn sẵn vận chuyển từ nơi khác đến). Với hơn 1 nghìn công nhân đang làm việc, Công ty TNHH Celink Việt Nam (KCN Vân Trung) hỗ trợ người lao động bữa ăn ca trị giá 25 nghìn đồng/suất, đồng thời đầu tư hệ thống nhà ăn hiện đại, sạch sẽ. Để có không gian thoáng mát, tránh tình trạng công nhân phải xếp hàng nhận khẩu phần ăn, công ty bố trí giờ nghỉ hợp lý, chia bữa ăn ca thành 2 tốp, mỗi tốp cách nhau 20-30 phút.

Tương tự, sau khi mở rộng sản xuất, lượng công nhân tăng, năm 2022, Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng) dành 200 triệu đồng cải tạo, mở rộng quy mô nhà ăn từ 200 người lên 600 người; hệ thống bàn, ghế, điều hòa cây, quạt mát cũng được đầu tư mới, đồng bộ. Cùng đó, DN yêu cầu đơn vị nấu ăn lên thực đơn hằng tuần với một món chính, một món phụ, rau, canh, cơm và món tráng miệng. “Dù số món ăn ít nhưng đầy đặn, ngon miệng nên tôi luôn ăn hết khẩu phần của mình, có đủ sức khỏe để làm việc”, chị Trần Tuyết Lan, quê ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), công nhân Công ty TNHH Haem Vina chia sẻ.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn trong các KCN, thời gian qua, Phòng An toàn thực phẩm (ATTP), trước đây là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Trung tâm Y tế các KCN, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định tại các bếp ăn tập thể. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng ATTP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành 2 cuộc kiểm tra đối với các DN trong các KCN tỉnh. Qua kiểm tra 21 DN có tổ chức bữa ăn ca bằng hình thức chế biến tại chỗ có 90,5% đạt yêu cầu về ATTP. Cùng thời gian này, Trung tâm Y tế các KCN thực hiện giám sát, hướng dẫn quy định pháp luật và thực hành đúng về ATTP theo hình thức “cầm tay chỉ việc” đối với 247 DN tự tổ chức bếp ăn tập thể và mua suất ăn chế biến sẵn từ nơi khác vận chuyển đến.

Mặc dù vậy, qua đánh giá, một số bếp ăn trong KCN vẫn không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bếp ăn; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn ATTP. Tại một số DN, hệ thống rãnh thoát nước thải tại khu vực nhà bếp bị ứ đọng; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh… Trước thực tế trên, năm nay, Sở Y tế yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP và Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP tại các bếp ăn tập thể.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm. Ngoài tổ chức đối thoại với các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTP (tháng 7/2024), cơ quan chuyên môn của Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, cung cấp thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vào các bếp ăn trong KCN.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thể, Trưởng Phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: “Dù vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các DN trong KCN song nguy cơ vẫn luôn hiện hữu bởi các bếp ăn tập thể có đông công nhân, lượng thực phẩm sử dụng hằng ngày lớn. Vì vậy, ngoài việc nguồn nguyên liệu phải bảo đảm, khâu bảo quản, chế biến đúng quy định, các bếp ăn tập thể cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh. Việc lưu mẫu, ghi chép sổ sách cũng cần thực hiện đúng để nếu xảy ra ngộ độc, cơ quan chức năng có thể truy xuất tìm nguyên nhân”.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Giữ an toàn bếp ăn trong khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lào Cai tăng cường đảm bảo công tác y tế sau lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Phòng chống bệnh do muỗi truyền sau mưa bão
Sau mưa bão, lũ lụt, môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức để phòng bệnh do muỗi truyền, trong đó phổ biến nhất là bệnh sốt xuất huyết.
Những bệnh thường gặp sau mùa mưa lũ
Mưa lũ đã đến với nhiều tỉnh thành trên cả nước làm dấy lên mối lo ngại về các nguy cơ dịch bệnh, khiên môi trường sống của hàng triệu người dân bị xáo trộn nghiêm trọng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.
Các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa
Mưa lớn, kéo dài gây ra tình trạng ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của con người, gây các bệnh như cảm cúm, sốt xuất huyết, bệnh da liễu, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ.

Tin mới