Thứ bảy, 20/04/2024 01:01 (GMT+7)

Bắc Giang: Rùng mình với nước sinh hoạt phải qua 2 lần lọc

MTĐT -  Thứ ba, 06/07/2021 16:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù trả tiền để mua nước từ nhà máy nhưng người dân ở xã Quang Châu, Việt Yên (Bắc Giang) vẫn “khát” nước sạch.

Rùng mình với nước sinh hoạt của người dân ở xã Quang Châu. Clip: Nguyễn Chương quay ngày 28/4.

"Nước sạch" nhưng dân không dám tắm

Người dân xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua khốn khổ vì phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ nước mặt sông Cầu.

Ông Nguyễn Văn Bình (ở thôn Chu Xá, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngao ngán cho hay: "Vào đúng thời điểm áp Tết Nguyên đán vừa rồi nhìn dòng sông Cầu đen như nước cống nên hầu như gia đình nào cũng phải bỏ tiền ra mua thêm 2 đến 3 hệ thống bình lọc để lọc lại nước của đơn vị cấp nước sạch thì mới có nước tắm, giặt. Còn nước ăn thì phải bỏ tiền ra mua loại bình 10.000 đồng về ăn".

Gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn Chu Xá xã Quang Châu huyện Việt Yên, Bắc Giang sục rửa bình lọc nước mới thấy rùng mình về chất lượng nước sinh hoạt (Ảnh: Nguyễn Chương, ngày 28/4)

Theo ông Bình, hiện tại nước sông Cầu đã không còn đen như trước do bên Bắc Ninh đã đóng cống xả Đặng Xá từ sông Ngũ Huyện Khê chảy vào sông Cầu.

Tuy nhiên, nước sinh hoạt Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và cấp nước Hà Bắc (Công ty Hà Bắc) cấp cho dân vẫn không sử dụng trực tiếp được, phải dùng qua hệ thống lọc.

Ngày 6/7 PV Dân Việt liên hệ lại với người dân và được biết, chất lượng nước có cải thiện hơn nhưng vẫn phải lọc qua 2 lần.

Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và cấp nước Hà Bắc là đơn vị đang cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thôn Chu Xá và toàn bộ xã Quang Châu huyện Việt Yên (Ảnh: Nguyễn Chương)

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ dân ở thôn Chu Xá đã phải tự đầu tư bổ sung thêm các hệ thống bình lọc nước sinh hoạt, dù đã bỏ tiền mua nước từ đơn vị cấp nước là Công ty Hà Bắc.

Bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Chu Xá cho biết: "Nước đầu vào từ đường ống của Công ty Hà Bắc sẽ được lắp qua 1 hệ thống bình lọc công nghiệp do gia đình tự đầu tư thêm trước khi chảy lên téc 3.000 lít.

Sau đó mới dùng để tắm giặt được, nếu không khi tắm sẽ thấy có mùi tanh, ngứa hết người và khi dùng để giặt khăn mặt, quần áo rất nhớt. Còn để nấu ăn, từ téc nước sẽ qua 1 máy lọc nước nữa gia đình mới dám sử dụng".

Nhiều hộ dân cho biết vào những ngày sông Cầu ô nhiễm, lượng nước sinh hoạt không đủ để sử dụng, thậm chí nước còn có màu đen và có mùi... Người dân rất hoang mang nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác thay thế.

Ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn Chu Xá cho biết, trung bình 2 tuần phải sục rửa bình lọc nước 1 lần với những chậu nước đen ngòm trong bình lọc chảy ra (Ảnh: Nguyễn Chương)

Rùng mình khi sục bình lọc nước

Cũng giống như hầu hết người dân trong thôn Chu Xá, ông Nguyễn Văn Thủy phải sử dụng hệ thống lọc nước công nghiệp trước khi đưa lên téc nước.

Khi chúng tôi đến, cả gia đình ông Thủy chia sẻ lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt. Ông Thủy đã mở hệ thống lọc ra sục rửa cho chúng tôi xem.

Nhìn chậu nước được sục rửa từ bình lọc công nghiệp đen như nước sông Tô Lịch những người chứng kiến phải giật mình.

"Trung bình cứ 3 tuần đến 1 tháng là tôi lại sục rửa bình lọc như này. Mỗi lần phải mất khoảng 1m3 nước và sục đi, sục lại nhiều lần nước mới trong lại được", ông Thuỷ cho biết.

Ông Thuỷ còn đưa cho chúng tôi xem hoá đơn tiền nước đều được gia đình nộp tiền đầy đủ nhưng chất lượng nước vẫn khiến gia đình ông phải đau đầu.

"Gia đình tôi mỗi tháng dùng hết khoảng 150 – 200 nghìn đồng tiền nước, cứ tới ngày là công ty thông báo ra Nhà văn hoá của thôn nộp tiền nước cùng tiền điện luôn.

Cứ dùng 10 số nước đầu tiên là 6.000 đồng, 10 số tiếp theo là 7.130 đồng và 10 số tiếp theo nữa là 8.695 đồng. Ngoài ra, người dùng còn phải cộng thuế VAT và phí bảo vệ môi trường".

Gia đình ông chẳng chậm nộp tiền ngày nào nhưng nước sinh hoạt vẫn không được cải thiện.

Nhà máy nước sinh hoạt của Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và cấp nước Hà Bắc ngay cạnh nghĩa trang nhân dân (Ảnh: Nguyễn Chương)

Trao đổi với Dân Việt ngày 28/6, ông Trần Văn Giang – Giám đốc Công ty Hà Bắc cho biết: Hiện chưa nghe thấy người dân ở xã Quang Châu phản ánh về chất lượng nước bẩn. Ông Giang cũng cho biết, chất lượng nước của Nhà máy hiện vẫn được doanh nghiệp mang đi xét nghiệm định kỳ và đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về trường hợp nước sục rửa ở các bình lọc của người dân ra rất bẩn thì ông Giang cho rằng, hiện các bình lọc nước mini để lấy nước ăn trực tiếp của các hộ dân thì khi sục rửa đều bị bẩn như nhau cả.

Còn liên quan tới công suất mà Công ty Hà Bắc báo cáo UBND tỉnh đã nâng công suất lên 9000m3/ngày đêm, ông Giang lý giải trước đây chạy công suất nửa ngày (12 tiếng, sau chạy đủ 24 tiếng), cộng thêm téc lọc nước nhỏ mà công ty chuyển từ dự án của huyện Sơn Động về đấu tạm vào nên công suất đã được nâng lên.

Quyết định 1667 của UBND tỉnh Bắc Giang ngày 30/10/2013 dự án của Công ty Hà Bắc chỉ phê duỵệt có công suất 3.000 m3/ngày đêm nhưng Công ty này cho biết hiện công suất cấp nước đã đáp ứng tới 30.000 m3/ngày đêm.

Hàng loạt các công trình như bể lắng, trạm bơm nước thô, đường ống, khu xử lý nước mặt, nhà quản lý… đã thay đổi nâng công suất lên 30.000 m3 như Công ty Hà Bắc báo cáo có được các cơ quan chức năng thẩm định chuyên ngành cấp phép xây dựng hay không đã được Báo Dân Việt gửi câu hỏi tới Sở Xây dựng Bắc Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang.

Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị này.

Theo Thanh Xuân - Nguyễn Chương/ Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Rùng mình với nước sinh hoạt phải qua 2 lần lọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...