Thứ ba, 23/04/2024 21:00 (GMT+7)

Bắc Giang thúc đẩy các giải pháp để công nhân sớm tiếp cận nhà ở

MTĐT -  Thứ hai, 07/02/2022 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mục tiêu phát triển nhà ở cho công nhân của tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 hoàn thành thêm khoảng 11,5 triệu m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho công nhân khoảng 960 nghìn người (đáp ứng khoảng 90% nhu cầu chỗ ở cho công nhân).

Lo nhà ở cho công nhân yên tâm làm việc

Những năm qua, công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có bước phát triển nhanh, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, công nghiệp phát triển đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới cho người lao động. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Bắc Giang có 9 KCN tập trung và 37 CNN với tổng diện tích 3.800 ha. Số liệu thống kê cho thấy, Bắc Giang hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các KCN, CCN với tổng số khoảng 240 nghìn công nhân; lao động trong tỉnh khoảng 70%, lao động ngoại tỉnh khoảng 30%. Số công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 125 nghìn người (chiếm khoảng 52%); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58 nghìn người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...

Trong số công nhân không có nhà lưu trú hàng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, đã ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông.

Xác định rõ tầm quan trọng, tính cấp bách phải xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, yên tâm công tác tại các KCN, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, với tổng mức đầu tư thực hiện đề án khoảng 98 nghìn tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng đó là: Công ty TNHH Fuhong - Đình Trám (Việt Yên) và Công ty TNHH MTV Than 45 - Sơn Động đáp ứng khoảng 6.550 công nhân.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch. Hiện nay, Bắc Giang đã thu hút được 9 dự án nhà ở xã hội cho công nhân quanh các KCN, trong đó có 3 dự án cơ bản hoàn thành; 6 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng; với tổng diện tích sàn khoảng 1,1 triệu m2; 14 nghìn căn hộ; dự kiến đến năm 2023 hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 53 nghìn công nhân.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có một số dự án tiến độ xây dựng rất nhanh như, dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng do Công ty TNHH Fuji làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích khoảng 5,8 ha với quy mô gồm 10 khối nhà, 2.462 phòng đang gấp rút được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 10 nghìn người.

Đáng chú ý, mục tiêu phát triển nhà ở cho công nhân của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 là hoàn thành 20 dự án, khoảng 6,2 triệu m2 sàn, với quy mô sử dụng đất khoảng 220 ha, giải quyết chỗ ở cho khoảng 420 nghìn người (đáp ứng khoảng 80% nhu cầu chỗ ở cho công nhân). Đến năm 2030 hoàn thành thêm khoảng 11,5 triệu m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho công nhân khoảng 960 nghìn người (đáp ứng khoảng 90% nhu cầu chỗ ở cho công nhân).

Bắc Giang thúc đẩy các giải pháp để công nhân sớm tiếp cận nhà ở

Điều chỉnh chính sách phù hợp

Mục tiêu rất cụ thể, nhưng trong quá trình triển khai phát triển nhà ở công nhân còn nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Cụ thể, quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với quy hoạch KCN, còn manh mún, chưa thành khu nhà ở tập trung, nên thiếu các công trình thiết chế văn hóa, dịch vụ, vui chơi giải trí cho công nhân. Khi quy hoạch xây dựng KCN chưa quan tâm đến quy hoạch khu nhà ở cho công nhân.

Trong khi đó, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư còn mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính kéo dài (chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu với Luật Xây dựng, Luật Nhà ở). Mặt khác, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ của nhà đầu tư; Nhà nước nên giải phóng mặt bằng sạch, sau đó giao cho nhà đầu tư để xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa rõ ràng, thống nhất, thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng.

Trong đó, phải kể đến như bất cập giữa các Luật Nhà ở, Luật Thuế về miễn, giảm thuế GTGT, thuế TNDN; bất cập thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư (khi thủ tục miễn tiền sử dụng đất phải có danh sách đối tượng mua, thuê nhà kèm theo). Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động hoặc doanh nghiệp kinh doanh KCN phải đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, thì không có quy định về việc doanh nghiệp sản xuất sản xuất trong KCN được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho công nhân của doanh nghiệp mình ở (việc bố trí chỗ ở ổn định, tập trung của người lao động trong cùng doanh nghiệp chưa được quy định, làm khó khăn cho công nhân ổn định sản xuất và đảm bảo trong điều kiện kiện phòng chống dịch).

Trong thực tế, có những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN muốn đứng ra thuê cả 1 tòa hoặc 1 sàn để công nhân ở nhưng lại không được phép thuê. Do đó, công nhân phải trực tiếp đi thuê với chủ đầu tư xây dựng nhà ở đó. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động, sẵn sàng bỏ tiền ra để cho nhà cho công nhân nhưng lại không thể làm được bởi những bất cập về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, công nhân mới đi làm ký hợp đồng dưới 1 năm khó khăn về thuê nhà do quy định về điều kiện nới cư trú, thu nhập, điều kiện về nhà ở. Hơn nữa, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, công nhân mua nhà ở công nhân còn rất ít.

Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân trong thời gian tới, Sở Xây dựng Bắc Giang cũng đã có kiến nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất trong KCN sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án (hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân) để cho công nhân mình thuê ở.

Cùng với đó, công nhân lao động trong KCN khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp sản xuất trong KCN phải được Ban Quản lý các Khu công nghiệp xác nhận). Mặt khác, thành phần hồ sơ miễn tiền sử dụng đất không cần thiết phải có danh sách công nhân thuê nhà kèm theo.

Ngoài ra, đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong KCN ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hoặc doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sở Xây dựng Bắc Giang cũng kiến nghị, nên sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và khu kinh tế với các nội dung như: Khi phê duyệt quy hoạch KCN đồng thời phê duyệt luôn đồ án quy hoạch nhà ở cho công nhân, các công trình thiết chế văn hoá đảm bảo đủ chỗ ở cho công nhân làm việc tại KCN đó.

Giao trách nhiệm cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN phải đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và các thiết chế công đoàn, dịch vụ, vui chơi giải trí cho công nhân. Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và công nhân lao động…

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang thúc đẩy các giải pháp để công nhân sớm tiếp cận nhà ở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới