Thứ năm, 25/04/2024 01:34 (GMT+7)

Bắc Ninh: Các giải pháp khắc phục bất cập trong phát triển khu công nghiệp

Duy Anh -  Thứ năm, 02/03/2023 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua rà soát các KCN tại tỉnh Bắc Ninh vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Những năm qua, việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tác động lan tỏa, thu hút đầu tư, kết nối dịch vụ tiện ích trong và ngoài KCN, tạo nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp thành khu đô thị - công nghiệp. Cùng với đó, các KCN là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và góp phần củng cố an ninh, quốc phòng cho địa phương.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua rà soát các KCN vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập từ công tác quy hoạch, trình tự, thủ tục đến triển khai thực hiện như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, công tác bảo vệ môi trường, các quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan tới KCN còn chồng chéo, chưa đồng bộ.

Đó là, công tác xây dựng, lập và quản lý quy hoạch còn bất cập; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn. Một số KCN chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, điều chỉnh quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch chưa kịp thời.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện đầu tư một số dự án hạ tầng, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, đơn cử như KCN Thuận Thành III - Module 1.

Một số KCN phải điều chỉnh nhiều lần, như KCN Quế Võ mở rộng, KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018). Việc xây dựng cơ sở hạ tầng KCN chưa được giám sát chặt chẽ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, dẫn tới chủ đầu tư xây dựng KCN không tuân thủ quy hoạch hoặc chậm thực hiện các hạng mục hỗ trợ như hệ thống xử lý nước thải, chất thải, cây xanh, bãi đỗ xe. Chẳng hạn như KCN Hanaka (chậm triển khai trạm xử lý nước thải), KCN Quế Võ, Tiên Sơn (chậm triển khai các ô đất trồng cây xanh)….

Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng KCN với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động chưa thực sự được chú trọng; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào còn chưa đồng bộ ảnh hưởng đến sự phát triển của các KCN cũng như tính bền vững trong phát triển KCN, như việc triển khai đường 278 qua KCN Quế Võ, đường 285B qua KCN Quế Võ III, KCN Yên Phong II, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành qua KCN Thuận Thành III… còn chậm. Hơn nữa nhiều hạng mục đầu tư vượt khỏi không gian của tỉnh, song thiếu sự phối hợp giữa các địa phương cũng làm giảm hiệu quả và tính động bộ (đường Vành đai 4). Một số KCN được lập và phê duyệt quy hoạch trên cơ sở các Luật, quy chuẩn cũ (được phê duyệt mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp như KCN Yên Phong, KCN Tiên Sơn…) không còn phù hợp với tính chất, những ngành nghề thu hút vào KCN hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng (Ban Quản lý các KCN tỉnh): Để khắc phục những bất cập, vướng mắc này, chủ đầu tư hạ tầng các KCN rà soát và hoàn hiện trình tự, thủ tục thành lập, đầu tư dự án; thi công hạ tầng kỹ thuật KCN theo quy hoạch được duyệt bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Các ngành liên quan cần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào phục vụ cho phát triển KCN. Có chính sách ưu tiên, khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng KCN triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, người lao động trong KCN. Tập trung hoàn thiện đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN Bắc Ninh đến năm 2030 sau khi Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, nhằm phát triển đồng bộ, hiệu quả giữa đầu tư, xây dựng các KCN và các quy hoạch chuyên ngành khác.

Về giải quyết khó khăn trong việc phân cấp, uỷ quyền quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát những vấn đề bất cập và hoàn chỉnh các quyết định phân công, phân cấp, uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cho Ban Quản lý các KCN theo tinh thần Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Với điểm nhấn là sự phát triển ấn tượng của các KCN, Bắc Ninh được đánh giá là thỏi nam châm thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư phát triển, đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. Tiếp tục phát huy những lợi thế này, thời gian tới các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết tốt những bất cập nhằm tạo xung lực mới để các KCN phát triển nhanh, bền vững tạo không gian kinh tế, góp phần thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 6.397,68ha. Năm 2022 có 1 KCN được điều chỉnh quyết định thành lập (KCN Thuận Thành III), với diện tích tăng từ 320ha lên thành 440,04ha. Đến nay toàn tỉnh có 12/16 KCN đi vào hoạt động, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.329,52ha, tỷ lệ lấp theo quy hoạch của các KCN được thành lập đạt khoảng 55,3%.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Các giải pháp khắc phục bất cập trong phát triển khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành