Bắc Ninh tiếp tục ra tối hậu thư cho cụm công nghiệp gây ô nhiễm
Trước đó, trong chương trình công tác tháng 6.2024, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư CCN Phong Khê II về việc đầu tư khu xử lý nước thải Phong Khê tại CCN Phong Khê II.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn về chương trình công tác tháng 8.2024. Trong đó đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Phong Khê II.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao UBND thành phố Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư CCN (Cụm Công nghiệp) Phong Khê II về việc đầu tư khu xử lý nước thải Phong Khê tại CCN Phong Khê II.
"Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước 20.8.2024, nếu Chủ đầu tư không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì kiên quyết dừng hoạt động sản xuất tại CCN Phong Khê II", chương trình công tác nêu.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng giao Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an tỉnh; Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh: thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản ngày 08.7.2024, về việc tiếp tục xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu.
Trong đó, thực hiện ngay việc kiểm tra các cơ sở sản xuất không có Giấy phép môi trường, các cơ sở sản xuất hơi thương phẩm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm; Báo cáo kết quả xử lý trong tháng 8.2024. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, xong trước ngày 10.9.2024.
Trước đó, trong chương trình công tác tháng 6.2024, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư CCN Phong Khê II về việc đầu tư khu xử lý nước thải Phong Khê tại CCN Phong Khê II.
Hiện Cụm công nghiệp Phong Khê II có 51 cơ sở, trong đó đa số là nghề làm giấy (326 cơ sở), chỉ có vài cơ sở sản xuất nhựa; khí hơi và xử lý chất thải.
Được biết tới là một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống và giấy công nghiệp, nổi tiếng cả nước, song câu chuyện ô nhiễm mà các cơ sở sản xuất giấy là tác nhân chính cũng là vấn đề nhức nhối của địa phương này nhiều năm qua.
Theo ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, trước mắt, thành phố tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện... đối với các chủ hộ sản xuất, kinh doanh. Vận động Nhân dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường; có phương án hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Cùng với đó, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nòng cốt là Công an thành phố, Phòng TN&MT, UBND phường Phong Khê và có sự tham gia của các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi xả thải ra môi trường.
Với mục tiêu đặt ra, đến hết tháng 10/2024 sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp sản xuất trong khu dân cư, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Phong Khê I, II; nghiêm túc thực hiện niêm phong, tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt nếu các chủ sản xuất cố tình chống đối.
Thực tế nhiều năm qua, người dân xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) và một số tổ dân phố của thị trấn Nham Biền, (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước từ các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê xả ra sông Ngũ Huyện Khê.
Thừa nhận vấn đề ô nhiễm khu vực giáp ranh Bắc Giang và Bắc Ninh đã kéo dài nhiều năm nay, tuy nhiên, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết do chủ thể gây ô nhiễm nằm ngoài địa bàn nên công tác giải quyết gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp hữu hiệu dứt điểm./.