Thứ bảy, 20/04/2024 01:56 (GMT+7)

Bài 2: Gỡ vướng từ chính sách

MTĐT -  Thứ bảy, 26/02/2022 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước các vướng mắc, nhất là các quy định pháp luật, thời gian qua, TP. Hà Nội cũng đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ và những khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong công tác này đã được tháo gỡ...

Trước các vướng mắc, nhất là các quy định pháp luật, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các hội, hiệp hội, nhà đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã... nhằm tìm cơ chế, giải pháp phù hợp, giúp thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Thành phố cũng đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ và những khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong công tác này đã được tháo gỡ...

Bài 2: Gỡ vướng từ chính sách
Một cuộc hội thảo về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức tháng 4-2021.

Cùng tìm cách gỡ vướng

Góp ý với thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, quan trọng nhất là phải sửa Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Chính phủ. Ngoài ra, cần xác định rõ hệ số K trong chính sách bồi thường, không để chủ đầu tư đứng ra tự thỏa thuận với chủ sở hữu. Thành phố cũng cần đổi mới cách thức triển khai, coi các dự án cải tạo chung cư cũ là loại dự án chỉnh trang đô thị - loại dự án đặc thù, cần giảm tối đa thủ tục hành chính, từ lập kế hoạch, quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư đến khâu thực hiện...

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh trách nhiệm của các bên liên quan, gồm: Chủ sở hữu, chủ đầu tư, các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, để giải quyết tổng thể, hài hòa lợi ích các bên liên quan, chính quyền phải tổ chức kiểm định đánh giá lại toàn bộ các khu chung cư, sắp xếp quỹ nhà tạm cư và chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, kết hợp tham khảo ý kiến các chủ sở hữu căn hộ. “Ở các dự án, nếu có một số hộ dân không chấp thuận quyết định chung về di dời, đề nghị thành phố phải kiên quyết cưỡng chế bằng biện pháp hành chính”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho hay, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố (ngoài quy định của Chính phủ) để cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ, kiến nghị Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố có chung cư cũ cũng tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp góp ý, kiến nghị nhiều nội dung, giải pháp trong quá trình sửa đổi, thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP... Ngày 15-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực về cơ chế để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống nhà chung cư cũ trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng.

Nhiều thay đổi lớn từ chính sách

Chia sẻ về các điểm mới, có tính đột phá của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng thông tin, nhiều vướng mắc, bất cập tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP đã được tháo gỡ tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP. Cụ thể, nếu như Nghị định số 101/2015/NĐ-CP quy định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ phải được thực hiện đồng bộ cả khu, không được phân kỳ đầu tư, dẫn đến thiếu quỹ nhà tái định cư, kéo dài thời gian thực hiện phá dỡ, cải tạo và đòi hỏi nguồn vốn lớn, gây khó khăn trong cân đối tài chính cho các nhà đầu tư, thì tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, Chính phủ cho phép được phân kỳ đầu tư; xác định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị...

Gỡ vướng từ quy định phải kiểm định toàn bộ các nhà chung cư rồi mới đưa vào kế hoạch cải tạo, dẫn đến nhiều địa phương không bố trí được ngân sách hoặc có bố trí nhưng không đủ kiểm định khối lượng lớn nhà chung cư, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP cho phép địa phương có thể ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo định kỳ 6 tháng/lần để bổ sung danh mục nhà chung cư cần phá dỡ, xây dựng lại trên cơ sở các đợt kiểm định.

Về việc không cho phép tăng chỉ tiêu dân số trong khi phần lớn các nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại nằm trong khu vực nội đô lịch sử, có dân số hiện hữu lớn, lại bị khống chế về chiều cao, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; trong đó xác định rõ một số chỉ tiêu sử dụng đất, quy mô dân số, diện tích có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình hạ tầng xã hội khác để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Đặc biệt, gỡ khó về phương án bồi thường, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ hệ số K bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích cũ và giao chính quyền địa phương căn cứ vào từng dự án để xác định hệ số bồi thường cụ thể. Nghị định mới cũng bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền trong việc bố trí tạm cư cho các chủ sở hữu, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế di dời để phá dỡ nhà chung cư cũ...

Bạn đang đọc bài viết Bài 2: Gỡ vướng từ chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo HNM

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...