Thứ bảy, 20/04/2024 20:12 (GMT+7)

Bài 3:“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát

MTĐT -  Thứ ba, 24/08/2021 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở Tây Nguyên, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp, trang trại lập ra chủ yếu để cho thuê mái, hoặc liên kết để lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời khiến chính quyền lúng túng trong xử lý.

Trong làn sóng “đổ bộ” đầu tư dự án điện mặt trời, tại nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng để làm điện mặt trời, “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại, lắp đặt trái phép trên mái nhà xưởng… Những dự án xây dựng bất chấp pháp luật này không chỉ phá nát quy hoạch đất đai, mà còn “góp phần” khiến hệ lụy của “cơn sốt” điện mặt trời trở nên trầm trọng hơn.

Dưới những tấm pin năng lượng mặt trời tại một dự án trang trại nông nghiệp ở Tây Nguyên chỉ là vài cây đinh lăng trồng để “đối phó” Ảnh: Nhiệt Băng

Bài 3: “Núp bóng” trang trại

Ở Tây Nguyên, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp, trang trại lập ra chủ yếu để cho thuê mái, hoặc liên kết để lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời khiến chính quyền lúng túng trong xử lý.

Dự án nông nghiệp triển khai “chưa đúng mục đích”

Tây Nguyên đất rộng, người thưa. Thời gian vừa qua, ở khu vực này, hàng trăm ngàn tấm pin năng lượng mặt trời dễ dàng “mọc” lên như nấm trên đất nông nghiệp.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), có 123 tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời. Khi UBND huyện Lâm Hà đi kiểm tra, thì đa số công trình, dự án sản xuất nông nghiệp tại địa phương này chưa sử dụng đúng công năng, mục tiêu, chưa đưa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, các chủ dự án đã thực hiện việc cho thuê, ký kết hợp đồng, hợp tác để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Cụ thể, các chủ dự án này không thực hiện thông báo, gửi hồ sơ công trình, dự án cho UBND cấp xã để theo dõi, quản lý. Các công trình, dự án không có hồ sơ hoàn công, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình nông nghiệp. Một số công trình nông nghiệp có thực hiện san gạt mặt bằng, nhưng chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Một số công trình khi xây dựng không thực hiện thủ tục đăng ký kinh tế trang trại. Những “hạt sạn” này đều được chỉ rõ tại Báo cáo số 41 (ngày 8/2/2021) của UBND huyện Lâm Hà.

Tại Văn bản số 1223, ngày 1/7/2021 gửi Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một số công trình trang trại nông nghiệp mà các tổ chức, cá nhân chưa triển khai tổ chức sản xuất, kinh doanh; một số trang trại triển khai sản xuất, kinh doanh, nhưng mang hình thức đối phó về kinh tế trang trại, tổ chức sản xuất không đúng với phương án sản xuất đã đăng ký.

“Qua kiểm tra, rà soát điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp, vẫn còn một số đơn vị chưa được cấp giấy phép xây dựng (8 công trình). Ban Quản lý các khu công nghiệp đã yêu cầu các đơn vị hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy phép xây dựng”, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nêu thực trạng.

“Đối với 4 dự án do Công ty TNHH Triệu Ngọc, Công ty cổ phần Xây lắp điện Hồng Trường, Công ty TV&TK Đại Quang Phát, Công ty TNHH Năng lượng xanh làm chủ đầu tư tại thôn Hà Trung, xã Tân Văn, UBND huyện Lâm Hà phát hiện, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời của các công ty nêu trên nằm trên cùng một khu đất liền kề nhau, có thực hiện san gạt đất, tạo mặt bằng để xây dựng công trình, nhưng chưa được UBND huyện xác nhận, thực hiện mở mới một đoạn đường để đi lại trong công trình, xây dựng các trụ điện và trạm biến áp mà chưa được UBND huyện chấp nhận vị trí cột và trạm biến áp”, Báo cáo số 41 của UBND huyện Lâm Hà nêu.

Điều đáng nói là, tại thời điểm UBND huyện Lâm Hà kiểm tra, thì 2/4 dự án kể trên đã được đóng điện, 2 dự án còn lại đang thi công.

Còn tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), trong Văn bản số 320 (ngày 1/7/2021), UBND huyện này cho biết, một số chủ đầu tư tại địa phương chưa triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy định; một số chủ đầu tư đã triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhưng còn mang tính hình thức, chưa đúng mục đích. Một số chủ đầu tư tổ chức sản xuất không đúng với tờ khai kinh tế trang trại, phương án sản xuất công trình nông nghiệp đã xây dựng ban đầu. Các tấm quang điện tại một số công trình chứa thành phần có khả năng bắt cháy, nhưng một một số chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

“Việc đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái công trình nông nghiệp, nhà xưởng sản xuất là lĩnh vực mới trên địa bàn huyện, chưa có nhiều văn bản hướng dẫn, liên quan đến nhiều ngành, do vậy còn khó khăn trong công tác quản lý”, UBND huyện Đức Trọng nêu.

Cho đến thời điểm UBND huyện Đức Trọng ban hành văn bản nói trên, một số công trình vẫn chưa thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của trang trại và hoạt động sản xuất nông nghiệp như trong tờ khai, dự án, mà chủ yếu phục vụ việc sử dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện và bán sản phẩm cho ngành điện.

“Đụng” đâu cũng thấy… vi phạm

Việc phát triển dự án điện năng lượng mặt trời “núp bóng” mô hình kinh tế trang trại cũng diễn ra khá phổ biến tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, tại Đắk Lắk đã xuất hiện tình trạng các chủ trang trại nhận sang nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và đăng ký xây dựng trang trại, rồi cho một hoặc nhiều công ty thuê mái, hoặc hợp đồng liên kết để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, phát triển nhanh trong thời gian ngắn, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đa số các chủ đầu tư trang trại nông nghiệp đều xây dựng hoàn thiện phần mái trang trại, nhà xưởng trước để lắp đặt hoặc cho các đơn vị khác thuê để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Việc tổ chức sản xuất - kinh doanh và hoạt động kinh tế trang trại mới triển khai một phần, hoặc bắt đầu triển khai.

Trong 28 trang trại trên đất nông nghiệp vừa kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phát hiện có 9 trang trại chưa triển khai hoạt động sản xuất trang trại nông nghiệp, 19 trang trại mới triển khai một phần trồng cây đinh lăng, trồng nấm, nuôi gà… Các trang trại được kiểm tra đều mới xây dựng, chưa có sản phẩm thu hoạch.

Đó là chưa kể, tại thời điểm kiểm tra, có 13/28 trang trại nông nghiệp xây dựng công trình trang trại trên đất trồng cây lâu năm, chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác, công tác quản lý đất đai tại địa phương còn chưa chặt chẽ, như trên địa bàn các huyện: Buôn Đôn, Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Ana, M’Drắk.

Các trang trại này chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa thực hiện việc chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để làm trang trại, mới đăng ký nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp khác, gửi UBND huyện tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng đã thực hiện xây dựng trang trại để có mái lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.

“Các hạng mục công trình điện năng lượng lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền, thì các đơn vị, chủ đầu tư vẫn chưa gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên ngành để thực hiện công tác thẩm định và xin cấp giấy phép xây dựng bổ sung. Trong khi đó, chính quyền các huyện đã cấp giấy phép xây dựng cho các công trình, trang trại không đúng theo quy định, cấp giấy phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm, như thị xã Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M’Gar, Krông Ana, M’Drắc, Ea Kar, Krông Năng”, Văn bản số 124, ngày 30/6/2021 của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk (do ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở ký) nêu rõ.

Đáng chú ý, có đến 25/28 trang trại tại Đắk Lắk trước khi khởi công xây dựng không thông báo thời gian khởi công và gửi hồ sơ thiết kế công trình trang trại cho chính quyền địa phương để theo dõi và quản lý. Các công trình nhà xưởng công nghiệp được kiểm tra là các nhà kho, nhà xưởng mới xây dựng phần mái, chưa xây dựng phía dưới, chưa xây dựng tường bao quanh, chưa có hoạt động sản xuất, chưa lưu trữ vật tư, thiết bị, mà chỉ chủ yếu lắp đặt hệ thống tấm thu năng lượng, sản xuất và bán điện, trên địa bàn huyện Cư Kuin, Ea H’leo.

Kế bên Đắk Lắk, tại Gia Lai, cũng chỉ có một số ít chủ đầu tư triển khai mô hình trang trại mang lại hiệu quả. Tháng 4/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai và chính quyền các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra hơn 441 dự án điện mặt trời mái nhà, nhưng “đụng” đâu cũng thấy… vi phạm.

Theo đó, nhiều dự án chưa có hoạt động kinh tế trang trại, chủ yếu do các chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm về đầu tư công trình trang trại nông nghiệp. Trong khi đó, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư triển khai mô hình kinh tế trang trại.

Kết quả kiểm tra còn cho thấy, một số công trình còn thiếu hồ sơ, thủ tục xây dựng (hồ sơ quản lý chất lượng, thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp…), chưa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, chưa đảm bảo trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, nhưng vẫn được Công ty Điện lực Gia Lai nghiệm thu.

Từ kết quả kiểm tra, Sở Công thương tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, nếu đến hết ngày 15/6/2021, chủ trang trại công trình nông nghiệp, chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà không triển khai khắc phục các tồn tại nêu trên, thì cơ quan này sẽ kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Điện lực Gia Lai tạm dừng việc mua bán điện từng phần hoặc toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Gia Lai thừa nhận: “Việc xử lý sai phạm cũng có phần khó khăn, vì các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng đấu nối, bán điện với Điện lực Gia Lai rồi. Nếu xử lý vi phạm, thì buộc phải tạm dừng, thanh lý hợp đồng, không cho bán điện nữa”.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, nội dung báo cáo của Sở Công thương về kiểm tra 441 hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà là chưa đạt yêu cầu, chưa có nội dung đề xuất giải pháp xử lý cụ thể trong phạm vi thẩm quyền của địa phương.

Ông Đông yêu cầu Giám đốc Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu các nội dung kiểm tra, xử lý đề xuất không đảm bảo và không có giải pháp xử lý triệt để theo đúng quy định đối với các vi phạm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đất đai.


Theo Nhiệt Băng/ Báo Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết Bài 3:“Cơn lốc” điện mặt trời quét qua, quy hoạch đất đai bị phá nát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất