Thứ năm, 28/03/2024 18:23 (GMT+7)

Bài cuối: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

MTĐT -  Thứ hai, 28/02/2022 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ góp phần vào công cuộc tái thiết đô thị, hướng tới đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, Hà Nội đang huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện.

Tìm hiểu cụ thể hơn về việc triển khai của thành phố trong thời gian tới, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Bài cuối: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) là một trong 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D sẽ được thành phố cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đỗ Tâm

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Như vậy, vướng mắc về cơ chế đã được tháo gỡ. Hà Nội cũng đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và các kế hoạch triển khai. Xin đồng chí cho biết định hướng triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của thành phố?

- Hiện, UBND thành phố Hà Nội đang đôn đốc các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư) đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ - đợt 1; báo cáo tiến độ kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ; tiến độ nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tình hình, tiến độ triển khai nhiệm vụ liên quan theo các kế hoạch đã được thành phố ban hành.

Tùy tình hình thực tế, thành phố sẽ điều chỉnh tiến độ, danh mục công trình phát sinh, bảo đảm tính linh hoạt, khả thi và đồng bộ với các kế hoạch. Theo kế hoạch, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ chia thành 4 đợt. Trong đó đợt 1 (giai đoạn 2021-2025), thành phố sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư nguy hiểm cấp D, gồm: Khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 phố Sơn Tây (đều thuộc quận Ba Đình), nhà chung cư 51 phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa). Dự kiến, nhà chung cư cũ, nhà nguy hiểm cấp D sẽ được phá dỡ trong quý III-2023. Đối với các nhà còn lại thuộc khu chung cư, tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (từ quý III-2023). Với nhà chung cư 51 phố Huỳnh Thúc Kháng, thời gian phá dỡ dự kiến hoàn thành trong quý II-2023 và nhà 148-150 Sơn Tây dự kiến hoàn thành phá dỡ trong quý III-2022.

Ngoài ra, thành phố cũng rà soát lại các dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai; dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định... để đôn đốc tiến độ.

Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV-2022 thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, triển khai chuẩn bị đầu tư dự kiến trong quý I-2023 và khởi công trong quý II-2023. Các chung cư cũ còn lại (đợt 2, 3, 4) sẽ triển khai trong những năm tiếp theo. Trong quá trình triển khai có thể điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính linh hoạt; khuyến khích khu, nhóm, nhà chung cư nào hoàn thành trước kiểm định, quy hoạch và đủ điều kiện thì ưu tiên thực hiện trước.

- Được biết, thành phố xác định việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ là nhiệm vụ tái thiết đô thị. Việc xác định như vậy sẽ thúc đẩy các dự án nhanh hơn, thưa đồng chí?

- Việc giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trước đây còn vướng mắc do chưa có quy định dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là đối tượng thực hiện “cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và tái định cư”. Nay, theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai theo dự án, gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị. Tức là, các dự án này được thực hiện theo quy hoạch, xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển công trình thương mại, dịch vụ..., kết nối, thống nhất với các khu chức năng đô thị hiện hữu, phát huy tối đa nguồn lực giá trị đất đai đô thị để đầu tư phát triển, nhằm làm thay đổi cơ bản và nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững.

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố được xác định là thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng là chủ trương của Thành ủy Hà Nội tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Qua đó, công tác này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung quyết liệt, thống nhất thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

- Theo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc phân cấp sẽ được thành phố thực hiện mạnh mẽ hơn. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa đồng chí?

- Theo thống kê đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, nhiều nhất cả nước. Do vậy, việc UBND thành phố phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, như tổ chức kiểm định, lập quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, xây dựng lại nhà chung cư... sẽ phát huy được vai trò của chính quyền địa phương, rút ngắn thủ tục hành chính; thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bạn đang đọc bài viết Bài cuối: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo HNM

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.