Thứ bảy, 20/04/2024 05:25 (GMT+7)

Bãi rác Nam Sơn trở thành nỗi ám ảnh người dân như thế nào?

MTĐT -  Thứ bảy, 18/07/2020 12:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến hẹn lại lên vào các tháng 1, 7, 5, 12 là người dân tại các xã Hồng Kỳ và Nam Sơn lại chặn xe vào khu xử lý rác, họ yêu cầu được đền bù thỏa đáng để di dời khỏi vùng ảnh hưởng…

Điệp khúc chặn xe rác

Việc người dân thuộc 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn cản trở không cho xe chở rác vào khu Liên hợp xử lý chất thải đêm ngày 13/7 vừa qua đã khiến rác thải ù ứ khắp các quận, huyện TP. Hà Nội.

Sau 5 ngày căng bạt, lập chốt chặn thì đến chiều ngày 17/7, thì người dân đã dỡ lán, thông xe rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) sau buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn dựng lán, chặn xe chở rác vào khu Liên hợp xử lý chất thải.

Tuy nhiên, về lâu dài, người dân Thủ đô mong muốn tình trạng này sẽ không tái diễn, trở thành một tiền lệ xấu.

Điều đáng nói đây không phải lần đầu người dân Sóc Sơn chặn xe rác mà đã từ nhiều năm nay, cứ đến hẹn lại lên vào các tháng 1, 7, 5, 12 là người dân lại tiến hành dựng chướng ngại vật để ngăn không cho xe chở rác vào khu xử lý.

Theo đó, tháng 5/2016, cư dân trong vùng ô nhiễm tổ chức đợt chặn xe rác đầu tiên để đòi quyền lợi từ chính quyền thành phố. Cuộc chặn xe kéo dài khoảng 3 ngày thì Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phải trực tiếp về địa phương đối thoại với người dân.

Trong cuộc gặp này, ông Chung tuyên bố sẽ đáp ứng các yêu cầu của người dân vùng ảnh hưởng ô nhiễm như hỗ trợ tiền, hưởng bảo hiểm y tế, cấp nước sạch, giảm ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng từ việc vận chuyển rác.

Về lâu dài, Chủ tịch TP hứa hẹn sẽ phát triển công nghệ đốt rác thay cho chôn lấp, mở thêm các điểm xử lý rác giảm tải cho Nam Sơn và di rời người dân khỏi vùng ô nhiễm gần bãi rác.

Năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành quanh bãi rác khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi. Từ chỗ đòi hỗ trợ tiền, dịch vụ y tế và nước sạch... người dân đồng lòng đòi di dời khỏi vùng ô nhiễm bởi mùi rác thải khiến họ không chịu nổi.

Cuối năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời người dân 3 xã trong vùng ô nhiễm bán kính 500 m.

Tháng 7/2018, người dân tái diễn cảnh chặn xe rác vì cho rằng công tác bồi thường tái định cư chậm chạp. Cũng trong năm này, các nông dân ở thôn Hồng Kỳ phản ánh tình trạng ruộng lúa khô cằn, thiếu nước tưới vì dòng suối Lai Sơn bị nước rỉ rác làm ô nhiễm.

Năm 2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn tổ chức 3 đợt chặn xe rác vào tháng 1, tháng 7 và tháng 12 khiến nội thành Hà Nội ô nhiễm nặng nề. UBND TP lên tiếng yêu cầu sớm di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng môi trường. Theo người dân địa phương, công tác kiểm đếm đất đai đã hoàn tất nhưng giữa chính quyền và người dân còn bất đồng về mức giá và phạm vi đền bù.

UBND TP. Hà Nội đã quyết định di dời 1.100 hộ dân của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn trong bán kính 500 mét tính từ chân tường rào bãi rác.

Diện tích đất có được sau khi di rời dân là khoảng 396 ha và số tiền giải phóng mặt bằng phải chi trả là 3.400 tỷ đồng.

Cụ thể, để người dân có nơi ở ngay sau khi giải tỏa mặt bằng, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn bố trí khu đất tái định cư ở 3 khu vực.

Người dân thôn Đông Hạ sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, cách bãi rác khoảng 1.000 m. Người dân thôn Xuân Thịnh chuyển đến thôn Thanh Hà, cách bãi rác 7.000 m.

Người dân thôn Xuân Bảng đến ở thôn Hoa Sơn, cách bãi rác 4.000 m. Người dân xã Bắc Sơn sẽ được chính quyền sẽ bố trí tái định cư ở cách xa bãi rác khoảng 3.000 m, tại thôn Nam Lý cũng ở xã này.

Các hộ dân của xã Hồng Kỳ bị ảnh hưởng từ bãi rác cũng được bố trí tái định cư cách bãi rác khoảng 1.300 m.

UBND huyện Sóc Sơn bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thuộc Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn từ ngày 2/7/2019.

Tuy nhiên, đến nay việc đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Rác ùn ứ khắp các con phố sau khi người dân chặn xe vào bãi rác.

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải nguyên nhân người dân chặn xe chở rác, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho hay có ba vướng mắc.

Thứ nhất liên quan đến giá đất, nhà tái định cư, hiện thành phố đã giải quyết xong. Thứ hai là kinh phí đền bù cũng đã được thành phố bố trí đủ ngân sách. Thứ ba là xác định nguồn gốc đất để đền bù, đây là vướng mắc nhất. "Có những giai đoạn công tác phục vụ đền bù thực hiện chưa đúng dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc", ông Chung nói.

Một nguyên nhân nữa được nêu là việc chậm trễ xử lý nước rỉ rác. Khu chôn lấp theo công nghệ cũ hàng ngày phát sinh nước rỉ rác (1m3 rác sinh ra 1,2 m3 nước rỉ rác). Từ năm 2019 trở về trước thành phố đặt hàng công ty Phú Điền và một đơn vị khác xử lý nước rỉ rác. Nhưng theo quy định mới, việc xử lý trên phải qua đấu thầu, dẫn đến tồn khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác, nắng nóng gây mùi hôi thối, ô nhiễm nên người dân bức xúc kéo ra chặn xe chở rác.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô lớn nhất Hà Nội với hơn 157 ha. Khu xử lý hiện tiếp nhận phần lớn rác thải của Hà Nội với khoảng 5.000 tấn trên tổng số 6.500 tấn phát sinh mỗi ngày. 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ.

Theo quy hoạch của thành phố, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500 m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 1 đến 7 km. Tuy vậy, người dân cho rằng thành phố và huyện Sóc Sơn chậm thực hiện các chính sách, trong đó có việc chi trả tiền bồi thường, xác định vị trí và diện tích đất cho mỗi hộ ở khu tái định cư... nên nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác.

Một góc Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: VNE.

Rác thải sẽ “đi đâu, về đâu”?

Năm 2014, Thủ tướng có Quyết định số 609/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn (8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới). Vùng I, bao gồm khu vực nội đô lịch sử, các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì; các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, có 5 khu xử lý chất thải rắn.

Vùng II, gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, có 6 khu xử lý chất thải rắn. Vùng III, gồm một phần quận Hà Đông, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây, có sáu khu xử lý chất thải rắn. Hiện, vì nhiều nguyên nhân nên thành phố mới chỉ tập trung đầu tư các khu xử lý tại vùng I và vùng III.

Quy hoạch là vậy, nhưng trên thực tế trong khi nhiều dự án mới chỉ ở trên giấy, hoặc đang chậm tiến độ, thì một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa như Đông Lỗ, Vân Đình, Yến Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ. Tình trạng này dẫn đến việc rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về 02 khu xử lý chính của Thành phố là Nam Sơn, (4.500-4.900 tấn/ngày đêm) và Xuân Sơn (1.400 tấn/ngày đêm).

Đáng nói, trao đổi với báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 khu xử lý rác lớn nhất thành phố, dự tính với lượng tiếp nhận như hiện nay, đến hết năm 2020, cả hai khu là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm rác và phải đóng bãi.

Thời gian đã cận kề nhưng việc rác thải sẽ “đi đâu, về đâu” vẫn còn là ẩn số, đó còn chưa tính tổng khối lượng rác thải sẽ tiếp tục phát sinh thêm 2.500 tấn/ngày đêm, nâng tổng khối lượng rác thải của Hà Nội lên 8.500 tấn/ngày đêm ngay trong năm 2020.

Do vậy, nhìn một cách công bằng, sự khủng hoảng cản trở xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn chỉ là một vấn đề nhỏ trong câu chuyện  rác thải của Hà Nội. Nói một cách khác, nỗi lo rác thải đô thị đã không còn là câu chuyện của tương lai.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bãi rác Nam Sơn trở thành nỗi ám ảnh người dân như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...