Thứ sáu, 29/03/2024 05:09 (GMT+7)

Bản tin Đô thị ngày 15/12: Vừa hoạt động nhà máy ngàn tỉ 'đắp chiếu'

MTĐT -  Thứ sáu, 15/12/2017 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bản tin Đô thị ngày 15/12: Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã “đắp chiếu”, chậm bàn giao dự án bị phạt đến 50 triệu đồng, bất động sản TP.HCM được mùa vốn FDI...

Múc bán đất trái phép, nhiều ngôi nhà ở Nha Trang chênh vênh bên bờ vực sâu 4m

Thông tin trên VTV, nhiều hộ dân ở khu vực Hải Thọ Đông, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đang rất lo lắng và bức xúc vì ngôi nhà mà họ đã sinh sống yên ổn hàng chục năm nay giờ có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa lớn. Nguyên nhân là do một số hộ dân xung quanh đã tự ý hạ độ cao nền, múc đất bán trái phép khiến các ngôi nhà này nằm cheo leo trên cao.

Theo các hộ dân, vì khó khăn nên họ phải sống ở đây. Nếu tình hình hiện tại không được giải quyết hoặc được bố trí tái định cư, họ cũng chẳng có tiền để xây nhà mới.

Quản lý chặt chẽ số lượng vôi và đôlômit xuất khẩu

Để quản lý chặt chẽ số lượng vôi và đôlômit XK, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố nơi DN có địa điểm khai thác, căn cứ công suất sản xuất của DN để cấp và theo dõi việc sử dụng, thông tin báo hải quan.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Phòng Nghiệp vụ hoặc Phòng Giám sát quản lý của cục hải quan tỉnh, thành phố nơi DN có địa điểm khai thác nêu tại Phụ lục I: Danh mục các cơ sở sản xuất vôi và đôlômit nung công nghiệp hiện có trong quy hoạch đang hoạt động (công văn 2836/BXD-VLXD ngày 23/11/2017 của Bộ Xây dựng) căn cứ công suất hiện có để cấp Phiếu theo dõi XK vôi, đôlômit cho DN theo mẫu. Phiếu theo dõi trừ lùi.

Khi làm thủ tục hải quan, DN xuất trình Phiếu theo dõi để công chức hải quan đăng ký tờ khai ghi lượng vôi, đôlômit XK từng lần vào Phiếu theo dõi (công chức hải quan đăng ký phải trực tiếp ghi và trừ lùi vào Phiếu theo dõi). Trường hợp phát hiện hoặc có nghi ngờ về nội dung Phiếu theo dõi chưa phù hợp thì theo dõi để làm rõ.

Vừa hoạt động nhà máy ngàn tỉ đã "đắp chiếu"

Nhà máy Sô đa Chu Lai được xây dựng ngày 30-4-2010 trên diện tích 20ha tại Khu Công nghiệp Tam Hiệp (huyện Núi Thành, Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD, với công suất thiết kế 200 nghìn tấn/năm. Thời gian dự kiến nhà máy đưa vào hoạt động sau 24 tháng thi công, tuy nhiên, mãi đến 5 năm sau, tháng 6-2015, nhà máy này đi vào hoạt động thử nghiệm. Nhưng lập tức, nhà máy đã bị người dân địa phương phản đối vì gây ô nhiễm môi trường, thông tin báo Sài Gòn giải phóng.

Nhà máy Sô đa Chu Lai ngừng hoạt động hơn 1 năm qua

Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản. Đến cuối năm 2015, Tổng Cục Môi trường (Bộ TNMT) thanh tra, kết luận hệ thống xử lý thải không đảm bảo, xử phạt 730 triệu đồng.

Sau đó, nhà máy này hoạt động trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Khánh Toàn ra quyết định dừng hoạt động nhà máy từ 8-2016. Khi nhà máy dừng hoạt động, hàng trăm công nhân bị mất việc và bị nợ lương từ 3 đến 8 tháng/người.

Một lãnh đạo của Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chua Lai cho biết, đến thời điểm này nhà máy Sô đa Chu Lai chưa khắc phục hoàn toàn hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, ngưng hoạt động hoàn toàn.

Quy định mới về sử dụng VLXKN: Công trình 9 tầng sử dụng 80% VLXKN

Báo Xây dựng đưa tin, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng. Tỷ lệ sử dụng VLXKN được phân theo tỉnh thành, vùng miền.

Thông tư áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động sản xuất và nhập khẩu VLXKN, hoạt động đầu tư xây dựng công trình và cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng.

Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% sử dụng VLXKN theo tỷ lệ.

Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN, phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chậm bàn giao dự án bị phạt đến 50 triệu đồng

Báo điện tử vtv news đưa tin, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng vừa được ban hành nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.

Dự án Ellipse Tower (Hà Nội) bị chậm tiến độ. (Ảnh: Dân trí)

Ngoài ra, mức phạt còn cao hơn từ 50 - 60 triệu đồng đối với hành vi để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt.

Hướng dẫn Quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Báo Xây dựng cho biết, sau khi nhận được Văn bản số 298/TANDTC-KHTC ngày 24/10/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Căn cứ tại hướng dẫn áp dụng tại điểm 2.3 Mục 2 Chương XI Công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình - phần xây dựng (hướng dẫn áp dụng dàn giáo thi công) thì: Dàn giáo trong chỉ được sử dụng khi thực hiện các công tác có chiều cao >3,6m và được tính theo diện tích hình chiếu bằng. Chiều cao dàn giáo tính từ mặt nền sàn trong nhà đến chiều cao 3,6m làm lớp chuẩn gốc, sau đó cứ mỗi khoảng tăng chiều cao 1,2m tính thêm một lớp để cộng dồn (khoảng tăng chưa đủ 0,6m thì không tính).

Đối với công trình sửa chữa, cải tạo và công trình xây dựng mới thì dàn giáo trong chỉ được sử dụng khi thực hiện các công tác có chiều cao >3,6m và được tính theo diện tích hình chiếu bằng.

Bộ Xây dựng công bố định mức xây dựng theo Điều 34 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng, vận dụng, tham khảo vào việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Bất động sản TP.HCM được mùa vốn FDI

Hơn 11 tháng qua, vốn đầu tư đổ vào thị trường bất động sản TP.HCM đạt trên 984 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 50,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 11 tháng qua, TP.HCM đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 757 dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn Thành phố, với tổng vốn đầu tư 1,94 tỷ USD, thông tin trên an ninh tiền tệ.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước trong 11 tháng đầu năm của TP.HCM đạt 5,57 tỷ USD, tăng 96,6% lần so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất là bất động sản, với 984,4 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,8% tổng lượng vốn FDI.

T/H

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Bản tin Đô thị ngày 15/12: Vừa hoạt động nhà máy ngàn tỉ 'đắp chiếu'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.