Thứ sáu, 29/03/2024 14:24 (GMT+7)

Bản tin môi trường mới nhất ngày 20/7

MTĐT -  Thứ sáu, 20/07/2018 17:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thanh Hóa: Xử phạt hàng trăm triệu đồng vi phạm tài nguyên và môi trường; Quảng Ngãi: Lại lo tìm chỗ đổ rác… là một số tin chính trong bản tin môi trường hôm nay.

Thanh Hóa: Xử phạt hàng trăm triệu đồng vi phạm tài nguyên và môi trường

Theo báo TN&MT đưa tin, ngay từ đầu năm 2018, Sở TN&MT Thanh Hóa đã thanh kiểm tra nhiều cơ sở hoạt động về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

 Kết quả kiểm tra đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với số tiền phạt là 643,5 triệu đồng; trong đó lĩnh vực khoáng sản 200 triệu đồng, bảo vệ môi trường 319,5 triệu đồng và lĩnh vực đất đai là 124 triệu đồng.

Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường (BVMT) có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình vi phạm pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Năm 2018 Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường 50/100 cơ sở sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và đề án BVMT; kiểm tra xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến tôm cá của các hộ dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc; Việc ô nhiễm môi trường tuyến sông Âm đoạn chảy qua địa bàn các xã Quang Hiến, Giao An, huyện Lang Chánh và xã Vân Am, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc; việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường; ô nhiễm môi trường tại Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã và Công ty TNHH DVTM Đồng Tâm.

Qua kiểm tra đã kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại 11 đơn vị với số tiền 319,5 triệu đồng, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Hợp tác xã chế biến lâm sản Sông Mã; Công ty TNHH DVTM Đồng Tâm.

Quảng Ngãi: Lại lo tìm chỗ đổ rác

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký công văn hỏa tốc yêu cầu các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh chủ động tìm kiếm địa điểm phù hợp để chứa tạm rác thải sinh hoạt của địa phương, đến khi nào nhà máy xử lý rác thải của Công ty Miền Bắc đi vào hoạt động.

Theo đó, năng lực tiếp nhận và chứa tạm tại bãi Đồng Nà hiện rất hạn chế, trong khi đó lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của TP. Quảng Ngãi rất lớn (khoảng 270 tấn/ngày).

Với diện tích trống còn lại của bãi chứa tạm (khoảng 3000m2), cũng chỉ đủ khả năng tiếp nhận và chứa tạm lượng rác cho TP. Quảng Ngãi khoảng 15 ngày nữa. Trong khi đó nhà máy xử lý tại bãi chứa Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa dự kiến đến cuối tháng 9/2018 mới xây dựng hoàn thành; hiện người dân xung quanh bãi chứa này vẫn ngăn chặn không cho xe thu gom vào đổ do tình trạng ô nhiễm nặng tại đây.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chính quyền huyện Tư Nghĩa và các huyện lận cận là Sơn Tịnh, Nghĩa Hành chủ động tìm vị trí chứa tạm phù hợp, nhằm không gây phức tạp thêm tình hình ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Quảng Ngãi như thời gian vừa qua.

Ảnh: Báo TN&MT.

Đẩy nhanh tiến độ xây kè chống sạt lở ở vùng biển Phú Yên

Tại làng biển Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, trong nhiều tháng qua, mỗi khi xong việc nhà, người trong làng lại ra biển theo dõi việc thi công kè chắn sóng. Họ mong mỏi từng ngày, chờ đến lúc kè hoàn thành để cả làng không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm mỗi khi triều cường ập vào. Việc kè An Phú được thi công trong năm 2018 giúp người dân ở đây vơi đi nỗi lo đeo bám từ nhiều năm qua.

Khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở ở vùng biển xã An Phú, một công trình kè chắn sóng với tổng vốn đầu tư 37 tỷ đồng đã được thi công trong những tháng qua. Theo dự kiến, đoạn kè với chiều dài 820m này sẽ được hoàn thành trong tháng 9/2018, thời gian bắt đầu mùa mưa bão ở miền Trung.

Vào lúc này, ở vùng biển tỉnh Phú Yên, tại một điểm nóng sạt lở khác là xóm Rớ, dự án khắc phục cấp bách cũng đang được triển khai, 270m bờ kè chống sạt lở đang được thi công tại nơi bị triều cường uy hiếp nghiêm trọng vào mùa bão năm 2017. Tuy nhiên, để ứng phó lâu dài với tình trạng sạt lở bờ biển, những địa phương ven biển miền Trung như tỉnh Phú Yên cần nhiều giải pháp toàn diện.

Úng ngập còn vì... rác thải!

Theo HNM ghi nhận tại các tuyến đường như: Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần (quận 3), TP. HCM…, không ít miệng cống thoát nước bị rác thải sinh hoạt che kín.

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP. HCM, tính đến giữa năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 77 vị trí tuyến cống bị lấn chiếm, 65 vị trí bị lấn chiếm hầm ga và 46 vị trí bị lấn chiếm cửa xả. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã nạo vét gần 500.000km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 61 tuyến (hơn 12km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa 1.740 hầm ga, thay 727 cống bị xuống cấp có khả năng sụp...

Ảnh: Hà Nội mới. 

Từ đầu năm đến nay tiếp nhận thêm 12 tuyến cống với chiều dài hơn 25km đã giúp tăng năng lực thoát nước. Tuy nhiên, hoạt động xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước còn chậm, cần được xử lý dứt điểm và quyết liệt thời gian tới.

Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, đến năm 2020, mỗi ngày có khoảng 10.100 tấn rác thải sinh hoạt, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn rác. Nếu lượng rác này không được thu gom, xử lý sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm và ngập úng trên địa bàn thành phố.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bản tin môi trường mới nhất ngày 20/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.