Thứ sáu, 19/04/2024 19:09 (GMT+7)

Bản tin môi trường ngày 23/7: HN rác thải tồn đọng, chất đầy đường

MTĐT -  Thứ hai, 23/07/2018 17:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội: Rác thải tồn đọng, chất đầy đường phố; TP.HCM: Bãi tập kết rác gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông…, là một số tin môi trường chính trong bản tin môi trường hôm nay.

Hà Nội: Rác thải tồn đọng, chất đầy đường phố

Theo báo Dân sinh đưa tin, những ngày qua, trên địa bàn một số quận nội thành Hà Nội như: Thanh Xuân, Cầu Giấy… xảy ra hiện tượng hàng loạt các xe gom chất đầy rác thải, được phủ bạt nằm ngổn ngang, bốc mùi hôi thối, khó chịu mà không được xử lý.

Đến sáng 23/7, những đống rác to, nhỏ, nằm dọc các tuyến phố Nguyễn Trãi, Cầu Mới (Thanh Xuân), Nguyễn Khang, Đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn chất đống, chưa được chuyển đi.

Một công nhân Công ty môi trường Thành Công cho biết: “Tình trạng tồn đọng rác diễn ra khoảng 3 ngày nay. Chúng tôi vẫn đang trực tại các điểm tập kết đợi những chiếc xe cẩu tới để giải phóng rác. Mấy ngày nay, công nhân vừa phải thu gom vừa phải trực cẩu rác mà không biết khi nào xe mới đến”.

Ảnh: Báo Dân sinh.

Cũng theo người công nhân này, việc rác thải tồn đọng trên là do bãi xử lý rác của công ty tại thị xã Sơn Tây bị nhiều người dân chặn lại không cho đổ. Trong ngày hôm qua, nhiều xe môi trường phải chở sang bãi rác Thành Công đổ tạm thời. Chỉ sau 2 ngày tồn đọng, rác thải nằm chờ xử lý đã rất lớn, rác tràn ngập từ các mặt đường đến các xe gom rác.

TP.HCM: Bãi tập kết rác gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông

Theo VTV, trên tuyến đường Hùng Vương, phường 1, quận 10, TP.HCM, điểm tập kết rác đang gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và đe dọa đến an toàn giao thông qua khu vực.

Mỗi sáng, ông Trần Thanh Bạch (phường 4, quận 5, TP.HCM) cùng những người bạn đều ra công viên Âu Lạc tập thể dục, đá cầu. Tuy nhiên, có nhiều lần cả đội phải bỏ tập ra về vì không thể chịu được mùi hôi thối. Nguyên là là do điểm tập kết rác nằm gần công viên

Theo ghi nhận, vị trí tập kết rác nằm trên địa bàn quận 10 nhưng người dân ở quận 5 cũng rơi vào cảnh khổ sở. Suốt hơn 1 năm liên tiếp chịu đựng sự ô nhiễm, người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Gia hạn dự án cải thiện môi trường nước

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ngày 22/7, Ban quản lý Dự án cải thiện Môi trường nước TP. Huế cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý kiến nghị của UBND tỉnh TT-Huế về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 31/12/2020, thay vì kết thúc dự án vào cuối tháng 7/2018.

Dự án cải thiện Môi trường nước thành phố Huế khởi công tháng 6/2010, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, với tổng mức đầu tư là 24 tỷ yên (tương đương 5.000 tỷ đồng, trong đó 20,8 tỷ yên do Chính phủ Nhật Bản tài trợ). Từ khi triển khai đến nay, dự án này luôn rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thi công ì ạch, gây ô nhiễm môi trường, ách tắc và mất an toàn giao thông.

Mới đây, dự án này được đưa vào diện giám sát đặc biệt của HÐND tỉnh TT-Huế. Theo đánh giá của ban quản lý dự án, trong quá trình thực hiện, một số nhà thầu hạn chế về năng lực; không đủ nguồn tài chính dồi dào như cam kết ban đầu với chủ đầu tư, ảnh hưởng tiến độ dự án.  Trước tình hình chậm trễ kéo dài, UBND tỉnh TT-Huế đã xin ý kiến Chính phủ và được đồng ý cho gia hạn thực hiện dự án đến ngày 31/12/2020.

1/3 diện tích rừng tự nhiên Tiểu vùng Mekong mở rộng đã bị mất

Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, bao gồm các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Khu vực này là một trong 11 điểm nóng về chặt phá rừng trên toàn cầu. Trong vài thập kỷ tới, dự kiến, 80% diện tích rừng trên thế giới bị mất sẽ diễn ra tại 11 điểm nóng này.

Báo cáo của WWF cảnh báo, năm quốc gia của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng có thể bị mất tiếp khoảng 1/3 diện tích rừng nữa, tương đương 30 triệu ha; chiếm tới 17% diện tích rừng bị mất trên toàn cầu vào năm 2030, nếu như không có những hành động quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng.

Báo cáo nêu rõ, những hành động cần thiết lúc này bao gồm bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên và thúc đẩy quản lý rừng và thương mại gỗ bền vững do cộng đồng thực hiện.

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một nơi lý tưởng để thí điểm một số phương pháp tiếp cận sáng tạo dựa vào cộng đồng nhằm bảo tồn rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình được triển khai thành công như tại Huế (Việt Nam), Hey Mer (Mianmar), Vùng sinh cảnh đồng bằng phía Đông của Campuchia, Vườn quốc gia Kui Buri (Thái Lan)…

Trong 20 năm qua, đã có hơn 2.500 loài động vật có xương sống và thực vật bậc cao được phát hiện tại những khu rừng của Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng.

Không chỉ là ngôi nhà của các loài hổ, voi, gấu và Sao la, các cánh rừng nơi đây còn cung cấp nước sạch cho hàng chục triệu người dân và bảo vệ hàng chục con sông, trong đó có cả dòng Mekong – nơi sản sinh ra hơn 4.5 triệu tấn cá mỗi năm. Rừng cũng tạo ra độ mây che phủ và độ ẩm để giảm tác động các đợt hạn hán, cung cấp nguồn nước sạch để uống, tưới tiêu và chăn nuôi gia súc.

Nhưng hiện nay các cánh rừng của khu vực đang bị suy thoái do tác động từ việc mở rộng nông nghiệp, trồng rừng cao su, đốn gỗ hợp pháp và bất hợp pháp, mở đường sá, xây dựng đập và các công trình cơ sở hạ tầng khác… Điều này đã dẫn đến thu nhập của người dân bị giảm, sức khoẻ yếu, sạt lở đất làm thương vong hàng trăm người và biến đổi khí hậu dẫn tới thời tiết cực đoan.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bản tin môi trường ngày 23/7: HN rác thải tồn đọng, chất đầy đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...