Bão Boris hoành hành khiến ít nhất 22 người thiệt mạng tại Trung Âu
Ngày 17/9, các nhà chức trách cho biết số người thiệt mạng do thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt từ bão Boris gây ra ở Trung Âu đã tăng lên 22 nạn nhân.
Trận lũ lụt tồi tệ nhất tấn công Trung Âu trong ít nhất 20 năm qua đã để lại dấu vết tàn phá từ Romania đến Ba Lan, bùn và mảnh vỡ tràn vào trong các thị trấn, phá hủy cầu, nhấn chìm ô tô, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.
Được biết, 7 người đã thiệt mạng do lũ lụt ở Romania, 7 người ở Ba Lan và 5 người tại Áo. Truyền thông Czech đưa tin trong số 4 nạn nhân tử vong, trường hợp mới nhất là một phụ nữ 70 tuổi sống tại một ngôi làng gần Jesenik, được tìm thấy cách nhà bà 20m. Đài truyền hình Czech cho biết bà đã được sơ tán vào ngày 14/9 nhưng đã rời khỏi trung tâm sơ tán hôm 25/9 để trở về nhà.
Mặc dù thời tiết có vẻ đã ổn định hơn ở một số nơi, song chính quyền yêu cầu người dân vẫn phải thận trọng do độ ẩm trong đất vẫn lớn và nước tại các con sông đang có dấu hiệu tràn bờ.
Hai thành phố lớn Opole ở phía Nam và thành phố Wroclaw ở phía Tây Ba Lan, vẫn đang chuẩn bị cho đợt lũ sắp tới, với nguy cơ các con đê trong khu vực có thể bị vỡ.
Tại thành phố lớn thứ 3 của Ba Lan là Wroclaw, người dân xếp hàng đi qua các bao cát để gia cố bờ sông và bảo vệ các tòa nhà, trong khi binh sĩ quân đội ở xa hơn về phía Nam đã dựng những bức tường bao cát trên bờ sông Oder. Các nhà chức trách dự kiến mực nước sẽ đạt đỉnh ở Wroclaw trong ngày 19/9.
Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, hơn 14.000 binh lính đã được triển khai đến các khu vực bị lũ lụt. Lực lượng vũ trang đã sử dụng trực thăng để sơ tán người dân và tăng cường phòng chống lũ lụt, trong khi máy bay không người lái theo dõi tình hình từ trên cao.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thông báo sẽ cung cấp thêm viện trợ cho người dân ở Ba Lan bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Tổng số tiền viện trợ đã lên 2 tỷ zloty (520 triệu USD).
Chính quyền Hungary đã mở một con đập ở phía Tây Bắc đất nước để dẫn nước từ sông Leitha vào một hồ chứa khẩn cấp nhằm bảo vệ thành phố Mosonmagyarovar. Nước lũ được phép xả vào đất nông nghiệp.
Tại thủ đô Budapest, sông Danube vẫn dự kiến đạt đỉnh khoảng 8,5m hoặc cao hơn một chút, có thể là vào ngày 21/9 hoặc 22/9.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm làng Kismaros - phía Bắc thành phố Budapest trên bờ sông Danube - nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với mực nước dâng cao. Tại Kismaros, 70% công tác phòng chống lũ lụt đã được triển khai, với gần 100.000 bao cát đã được sử dụng - người phát ngôn chính phủ Zoltan Kovacs đã viết trên mạng xã hội X.
"Chúng tôi đang chờ đỉnh lũ ở Kismaros trong ngày 20/9" - Thủ tướng Orban viết trong một bài đăng trên Facebook - "Sẽ rất khó khăn nhưng binh sĩ của chúng tôi sẽ kiên cường. Chúng tôi sẽ làm được!".
Áo cũng ghi nhận thêm một trường hợp thiệt mạng do bão Boris, nâng tổng số nạn nhân tại nước này lên 5 người. Đội cứu hỏa đã tìm thấy thi thể của nạn nhân xấu số tại bang Hạ Áo - bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở quốc gia vùng núi cao này.
Tại Cộng hòa Séc, bể chứa nước lớn nhất Rozmberk ở phía Nam, đã tràn bờ. Ngoài ra, hơn 60.000 ngôi nhà vẫn đang phải vật lộn trong cảnh thiếu điện, chủ yếu ở phía Đông Bắc của đất nước. Tối 16/9, khoảng 500 người đã được đưa đi sơ tán, trong đó có cả trẻ em. Nước này cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bão lũ.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đang làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa xối xả và lũ lụt.
Ông Andreas von Weissenberg thuộc Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết, các đội Chữ thập Đỏ ở mỗi địa phương đang nỗ lực hỗ trợ công tác cứu hộ và sơ tán những người dân gặp nạn.
Ông von Weissenberg cũng cho biết các nghiên cứu nhằm xác định sự liên kết giữa biến đổi khí hậu và những sự kiện thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ được tiến hành trong những tháng tới.
An Đông (T/h)