Thứ năm, 25/04/2024 09:02 (GMT+7)

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2023

Song Lam -  Thứ sáu, 13/01/2023 19:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tết Nguyên đán cận kề, là thời điểm trên thị trường xuất hiện các loại thực phẩm của những cơ sở sản xuất kinh doanh theo thời vụ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng trong năm 2022 và diễn biến phức tạp dịp Tết Nguyên đán 2023.

Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm tăng lên, nạn buôn lậu thịt, nội tạng, các sản phẩm chế biến từ nông sản thực phẩm cũng gia tăng đến mức báo động. Cơ quan chức năng đã liên tiếp vào cuộc, kiểm tra, xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn.

Các lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm "bẩn", vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm..... Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, trong năm 2022, hoạt động hậu kiểm về ATTP được triển khai từ trung ương đến địa phương, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công thương và Bộ Công an, trong năm 2022, các lực lượng đã hậu kiểm 381.108 cơ sở, xử lý 233.222 cơ sở, với tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng; trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động 102 cơ sở, 1.023 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 5.132 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng (như: thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...), khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng qua các vụ việc xử lý đã cho thấy, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn".

Ngày 1/12/2022, Phòng Cảnh sát môi trường và Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện 1 tấn ức vịt và 180 kg cánh gà đông lạnh. Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Do đó, toàn bộ số thực phẩm trên đã bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/12/2022, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh đã phát hiện xe ô tô mang BKS: 89C-259.96 lưu thông theo hướng Bắc – Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở 3,2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối. Vụ việc đã được cơ quan công an Hà Tĩnh xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 9/1/2023, đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) - CATP Hà Nội phối hợp cùng Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 1 tấn nầm lợn có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.

Sau khi tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa tại trước số nhà 158 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải dứa, bên ngoài có in nhãn mác bằng tiếng nước ngoài. Đấu tranh khai thác tại chỗ, chủ số hàng là Trịnh Văn Chung Công (SN 1995, thường trú tại tỉnh Hưng Yên) không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật. Chủ hàng khai nhận, số nội tạng động vật này được thu mua trổi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội thì bị phát hiện và thu giữ.

Ngày 11/1/2023, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thu giữ trên 4 tấn thực phẩm các loại, gồm: bánh kẹo, sữa, hạt hướng dương, thực phẩm đông lạnh là gà ủ muối, chân gà, cánh gà, nội tạng động vật, các loại hải sản, giò, chả, thực phẩm đông lạnh... đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhiều loại thực phẩm đã biến đổi màu, bốc mùi hôi thối.

Tất cả các loại hàng hóa trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì đều in chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Đây là những mặt hàng được trẻ em rất yêu thích.

Nếu cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện đấu tranh thu giữ, rất có thể số hàng hóa trên sẽ được trà trộn vào trong các cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, gây hậu quả xấu cho sức khỏe của người sử dụng.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trong kế hoạch này, lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp tết.

Đồng thời, lực lượng này tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, thành phố lớn.

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành