Thứ sáu, 19/04/2024 06:09 (GMT+7)

Báo động “đỏ” về ô nhiễm môi trường tại biển, đảo Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 21/08/2018 17:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng với tốc độ phát triển du lịch nhanh chóng như hiện nay, lượng khách đến với các biển, đảo Việt Nam ngày một đông nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các đảo ngày càng đáng báo động.

Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý các vùng đất cát ven biển. Các hoạt động du lịch có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

Điển hình là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400 ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến đổi theo chiều hướng xấu kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, bởi mỗi ngày có hàng tấn rác thải đổ trực tiếp ra biển.

Hay tình trạng hàng trăm cano đua nhau nhả khói và nhớt ra môi trường như ở Cù Lao Chàm cũng góp phần làm ô nhiễm dòng chảy, có thể mang theo các chất ô nhiễm như dầu tràn, hóa chất gây tác động xấu tới sinh vật và các hệ sinh thái biển khu vực xung quanh các đảo,...

Mới đây nhất nhiều người tỏ ra bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại vịnh Cát Bà (Hải Phòng).

Theo Ban quản lý các vịnh Cát Bà, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) nguyên nhân khiến Vịnh Cát Bà đang bị đe dọa là do nhiều người dân và du khách xả rác bừa bãi; nước thải từ các nhà hàng, khách sạn mặc dù được thu gom về khu xử lý, song vì nhiều lý do vẫn chảy trực tiếp xuống vịnh.

Môi trường vịnh Cát Bà đang ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: VNE. 

Ngoài ra, vào những ngày biển động hay có bão thì vịnh Cát Bà tiếp nhận hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra vào tránh trú. Nhiều chủ tàu thuyền thiếu ý thức bảo vệ môi trường nên rác thải sinh hoạt hàng ngày đều bị họ xả thẳng xuống biển.

Tình trạng ô nhiễm ở vịnh Cát Bà còn do một lượng rác đáng kể theo con nước từ các cửa sông, cửa biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng dạt vào khu vực này.

Lượng rác thải trôi nổi trên mặt vịnh quá lớn, trong khi đó Ban quản lý chỉ có 14 công nhân và 5 thuyền làm nhiệm vụ thu gom, vớt rác. Lực lượng này còn phải đảm nhiệm việc thu gom rác tại 141 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 113 tàu chở khách du lịch và 13 nhà hàng bè nổi phục vụ ăn uống trên biển.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà trong những năm gần đây cũng đáng báo động không kém, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do khách tham quan thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi...

Cùng với đó là hàng nghìn lồng bè nuôi thả hải sản, các tàu du lịch chở khách tham quan đến những khu vực có độ nhạy cảm cao về đa dạng sinh học… đã tác động không nhỏ, làm ảnh hưởng đến môi trường trên vịnh Lan Hạ.

Theo thông tin trên tờ KTĐT, thống kê của Ban quản lý cho biết, vịnh hiện có tổng 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1.598 ô nhà ở, khoảng 16.000 quả phao xốp, hơn 100 tàu du lịch và hơn 1.000 dân đang sinh sống. Cơ quan chức năng mới chỉ vận động cắt giảm được 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, 44 ô lồng, 51 giàn tre, 757 quả phao xốp, 2.207 cây tre, ngăn chặn 3 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có hành vi cơi nới ô lồng… Hiện tại hệ thống nước thải, chất thải sinh hoạt của hơn 1.000 dân sinh sống tại các nhà bè được xả trực tiếp ra vịnh không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Đó là chưa kể các cơ sở kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên vịnh, những nơi nuôi thả cá đã đổ một lượng không nhỏ thức ăn chưa phân hủy hết của cá ra môi trường, các thùng phao xốp chịu tác động, sự va đập sóng gió sẽ bị rã và gây ô nhiễm mặt nước. Bên cạnh đó còn tồn tại 525 giàn nuôi nhuyễn thể… Tất cả tạo thành chất thải rắn tại các bãi triều rạn ngầm, làm hỏng và mất đi môi trường sống của các sinh vật sống ở tầng đáy như san hô, rong rêu.

Không chỉ tại đảo Cát Bà, những biển đảo khác của Việt Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, thế nhưng cùng với tốc độ phát triển chóng mặt Cù Lao Chàm cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề.

Ô nhiễm tại Cù Lao Chàm. Ảnh: SGGP. 

Theo thông tin trên SGGP, năm 2009, khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ có hơn 27.000 du khách tham quan đảo, đến năm 2017 con số này đã tăng gấp gần 15 lần, đạt hơn 400.000 lượt khách. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách tham quan đảo đã đạt hơn 150.000 lượt. Dự kiến số khách sẽ còn tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới, khi du lịch Cù Lao Chàm bước vào mùa cao điểm.

Sự “bùng nổ” khách đã tạo ra nhiều áp lực, tác động mạnh mẽ đến môi trường xã hội và tự nhiên đảo. Nghiêm trọng nhất là nguồn tài nguyên tự nhiên (nước, rau rừng, thủy hải sản…) đang dần cạn kiệt.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, một vấn đề trăn trở hiện nay tại các khu dân cư  là xử lý nước thải sinh hoạt. Hầu hết nước thải sinh hoạt của các hộ dân chưa qua xử lý, chủ yếu chôn hầm ngầm, lâu dài nguy cơ vỡ tràn ra biển là khó tránh khỏi nếu không có giải pháp căn cơ. Tuy vậy, “đau đầu” nhất của Cù Lao Chàm chính là rác thải đang ngày càng tăng.

Với vị trí đặc thù là đảo nhỏ giữa biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn nhưng mỗi năm Cù Lao Chàm phải đón hàng trăm ngàn du khách, dẫn đến công tác quản lý và ứng phó dường như không theo kịp.

Chính quyền địa phương cũng đang lo ngại, với việc khách du lịch ngày càng tăng cao, sức chịu đựng của đảo nên áp lực về vệ sinh, môi trường, nước ngọt rất cấp bách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đảo trong tương lai.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Báo động “đỏ” về ô nhiễm môi trường tại biển, đảo Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.