Thứ sáu, 29/03/2024 17:16 (GMT+7)

Bão số 16 đang hướng vào vùng đất 'dễ bị tổn thương' bởi khí hậu

MTĐT -  Chủ nhật, 24/12/2017 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bão Tembin, cơn bão số 16 đang hướng đến Nam bộ, trong đó chủ yếu các là các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nước ta.

Như vậy là bão số 16 với tên gọi quốc tế là Tembin sau khi tàn phá Philippines đã vào biển Đông và đang hướng đến Nam bộ, trong đó chủ yếu các là các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Vùng đất được coi là đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Hiện nay, hầu hết các tuyến đê biển của vùng trải dài hàng trăm cây số từ Tiền Giang đến Cà Mau đều chưa được kiên cố, thấp, nước biển thường xuyên xâm thực. Đời sống, sinh hoạt và hoạt động kinh tế của nhiều người dân trong vùng diễn ra tập trung ở vùng ven sông, ven biển, trong đó có việc nuôi trồng và khai thác, chế biến thủy hải sản.

Nhiều người dân Philippines đã không lường trước được sức mạnh của cơn bão Tembin- Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, ở nhiều nơi nhà cửa của người dân còn rất tạm bợ, không thể trụ vững khi bão đổ bộ.

Kinh nghiệm phòng chống bão của người dân trong vùng nhiều hạn chế. Cơn bão có tên quốc tế Linda cách đây 10 năm cướp đi sinh mạng của  khoảng 2.000 người dân trong vùng đã chỉ rõ điều này.

Theo dự báo, bão số 16 với sức gió giật cấp 14 kèm với đó là mưa to, sóng biển cao từ 7-9m chắc chắn không chỉ tàn phá nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân mà còn có thể tác động gây ra nạn sạt lở kinh hoàng vẫn diễn ra bấy lâu nay ở ĐBSCL.

Các số liệu cho thấy, bão số 16 trước khi vào biển Đông đã khiến hơn 130 người ở Philippines thiệt mạng và để lại hậu quả nặng nề cho người dân nước này.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng phải coi bão số 16 khi đổ bộ vào ĐBSCL ở cấp độ thảm họa của thiên tai để có cách ứng xử cho phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ cũng có công điện khẩn yêu cầu về phòng chống bão số 16 ở mức cao nhất. Theo tính toán, khi bão đổ bộ vào Nam bộ sẽ có khoảng gần 300.000 hộ dân với khoảng 1 triệu người phải sơ tán.

Rõ ràng với tất cả sự nguy hiểm và tác động khôn lường mà bão số 16 có thể gây ra cho vùng ĐBSCL cho thấy, nếu các cấp, các ngành, mỗi người, mỗi nhà chỉ sơ sẩy trong bất cứ tình huống nhỏ nào khi đối phó với bão đều có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Do vậy ngay lúc này, trách nhiệm của chính quyền các cấp địa phương trong vùng không chỉ là việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân mà cần kiểm tra, giám sát từng công việc cụ thể việc triển khai đối phó với bão, tránh làm qua loa, chiếu lệ.

Đối với vùng ven biển, ven sông nguy hiểm thì kiên quyết di dời, sơ tán người dân về nơi an toàn, nếu cần thì cưỡng chế. Tuyệt đối cấm tàu bè ra khơi, hay vì hám lợi, lợi dụng sơ hở để vượt ra ngoài khai thác thủy hải sản.

Đặc biệt chú ý đến những nơi thường xuyên xảy ra sạt lở để có thể bảo vệ dân tránh bị hậu quả” kép” từ bão. Yêu cầu mọi người, mọi nhà phải chủ động chằng néo, gia cố đảm bảo an toàn nhà cửa khi bão đổ bộ.

Là vùng trọng điểm về nông nghiệp, nhất là hoa màu phục vụ cho Tết nguyên đán sắp tới đang bước vào thời kỳ chuẩn bị thu hoạch cũng cần có phương án chủ động để bảo vệ.

Hiện nay, các kịch bản về đối phó với bão số 16 đang được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai đồng bộ, kể cả hoàn lưu bão. Điều đáng nói là các cấp, các ngành, mỗi người, mỗi nhà trong vùng cần phải thay đổi từ tâm thế đến hành động theo phương châm thực chất, thực người, thực việc, không được chủ quan, lơ là với bất cứ tình huống nào khi đối phó với bão. Có như vậy mới mong giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 16 gây ra./.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Bão số 16 đang hướng vào vùng đất 'dễ bị tổn thương' bởi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.