Thứ tư, 24/04/2024 22:01 (GMT+7)

Bão số 4 gây mưa to ở Nghệ An, nhiều huyện miền núi bị cô lập

MTĐT -  Thứ sáu, 17/08/2018 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bão số 4 đi vào đất liền gây mưa to ở nhiều huyện miền Tây của Nghệ An khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở gây chia cắt, ách tắc giao thông qua lại khu vực.

Theo thông tin trên VTCNews, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, nên ngay từ đêm 16-17/8 nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục có mưa to khiến các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu…ngập nặng, một số nơi bị chia cắt.

Thông tin về tình hình bão lũ, ngày 17/8, đại diện UBND xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết, từ tối 16-17/8, xã có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn khiến mực nước các khe, suối dâng cao và nhanh. Mực nước dâng cao khiến giao thông ách tắc và chia cắt, cô lập các bản làng trong xã thành 4 vùng.

Tại xã Mậu Đức (huyện Cong Cuông), một tuyến đường đang xây dựng trên bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đến nay lại tiếp tục bị sạt lở do hoàn lưu bão số 4. Hàng trăm mét khối đất đá trên núi đoạn qua bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức tràn xuống lòng đường gây ách tắc. Hiện tại các phương tiện qua lại khu vực đều chưa thể di chuyển.

Đường giao thông bị đất đá sạt lở vùi lấp. Ảnh: TPO.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn kéo dài từ đêm qua cũng khiến mực nước ở sông Nậm Nơn và Nậm mô, dâng cao lịch sử. Hiện xã Mỹ Lỹ bị ngập 19 nhà, trong đó 4 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước. Xã Keng Đu phải di dời 2 nhà dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi đó, đường vào xã Tà Cạ cũng bị ngập và hiện đang bị cô lập.

Hai cầu tràn ở xã Hữu Lập bị ngập sâu, dự báo lũ sẽ kéo dài 3 ngày tới vì mưa lớn từ phía Lào vẫn chưa dứt, thêm vào đó, nhà máy thủy điện Nậm Mô đang xả lũ với lưu lượng trên 800m3/s. Tại xã Chiêu Lưu, đã có 2 người dân bị nước cuốn trôi nhưng rất may được người dân địa phương cứu vớt kịp thời, 1 người trong số đó chỉ bị gãy chân.

Ông Vi Hòe, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn trao đổi với VOV cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã rồi các lực lượng biên phòng, quân sự,  công an, cảnh báo di dời những hộ dân gần sông Nậm Mô và sông Nậm Nơn, nhất là các hộ bị sập nhà phải di dời tài sản đến vị trí mới, vị trí an toàn.

Tại huyện Quỳ Hợp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, mưa lớn đã gây ngập, sạt lở trên diện rộng tại các xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng... Tất cả cầu tràn trên địa bàn xã Châu Lý đã bị ngập sâu, gây chia cắt, cô lập hoàn toàn các bản trên địa bàn xã. Cây cầu qua suối vào Đền Chọng, ngôi đền thiêng của người Thái ở Quỳ Hợp có nguy cơ bị cuốn trôi. Nhiều diện tích ao cá, lúa của người dân bị thiệt hại. Một số nhà dân đã bị đất đá làm hư hỏng.

Tại huyện Nghĩa Đàn, cầu Tràn Dinh Km97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, ngập sâu trên mặt cầu 2m; các tràn khác trên địa bàn huyện như thị trấn Nghĩa Đàn; Nghĩa Bình ngập sâu từ 0,5 - 0,7m... Đường giao thông của 11 xóm  (hơn 1.000 hộ dân) của xã Nghĩa Hưng đã bị chia cắt và cô lập… UBND xã Nghĩa Thịnh đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đập tràn bị ngập.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, đến trưa 17/8, mưa lũ khiến 408 ha lúa; 320 ha hoa màu bị ngập; 28 ha diện tích ngô bị ngập và gẫy đổ; 23 ha diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, cá ruộng lúa bị ngập; 1.666 con gia cầm, 30 con lợn bị chết...

Nhiều nơi của huyện Kỳ Sơn đã bị sạt lỡ và cô lập. Ảnh: Người đưa tin. 

Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, các địa phương đã chủ động tổ chức sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập úng, đặc biệt, các huyện miền núi, những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh thông báo đến các cấp chính quyền, người dân; các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông; phương tiện vận tải thủy, các bến đò; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ Thủy điện Bản Vẽ, để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Đồng thời, rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.

Ngày 17/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cũng ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Bản Vẽ để cắt giảm lũ cho hạ du.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bão số 4 gây mưa to ở Nghệ An, nhiều huyện miền núi bị cô lập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.