Thứ sáu, 29/03/2024 05:57 (GMT+7)

Bảo tồn voi tại Việt Nam: Cần một kế hoạch toàn diện

MTĐT -  Thứ sáu, 13/01/2017 09:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) – Việt Nam chỉ còn 160 cá thể voi, trong đó có 100 cá thể voi rừng và 40 cá thể voi nhà. Trong khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp làm cho đàn voi hoang dã ngày càng hung dữ và xung đột voi-người ngày càng gia tăng đẩy voi đến bờ tuyệt chủng thì nhiều nỗ lực giúp voi sinh sản tự nhiên vẫn chưa thành công.

Xung đột giữa người và voi

Từ ngày 11 đến 13-1, Hội thảo quản lý voi với quy mô lớn nhất tại Việt Nam đang diễn ra tại Đác Lắc quy tụ gần 100 cán bộ trong nước và trong khu vực, các bác sĩ thú y, cán bộ quản lý voi, và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các chủ sở hữu voi, các công ty du lịch quan tâm đến công tác quản lý voi nuôi nhốt, nhằm thảo luận về việc quản lý quần thể voi nhà trong tương lai tại Việt Nam.

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Động vật châu Á và Trung tâm Bảo tồn Voi đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo hướng tới hai mục tiêu chính: Trước tiên, nhằm phát triển một kế hoạch toàn diện để cải thiện phúc lợi cho quần thể voi nhà và bảo đảm các du khách đến khu vực này được tham gia vào các hoạt động có liên quan tới voi theo hướng có tác động tích cực đến phúc lợi của loài voi. Cụ thể hơn là hỗ trợ phát triển cơ sở cứu hộ của Trung tâm Bảo tồn Voi trở thành một cơ sở nổi bật về bảo đảm phúc lợi cho voi nuôi nhốt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Chí Công nhận định, nhìn lại quá trình bảo tồn quần thể voi Việt Nam thấy rất rõ loài voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng mà nguyên nhân là do bị săn bắn để lấy ngà nên số lượng voi đực và voi con còn lại rất ít, thậm chí có đàn không còn voi đực trưởng thành. Trước đây, việc bắn voi chỉ để lấy ngà thì trong thời gian gần đây, tất cả sản phẩm từ voi như da, vòi, đế chân, răng, xương, thịt đều có thể thu lợi cho đối tượng săn trộm nên voi cái và voi con cũng bị giết. Vùng sinh cảnh cho đàn voi ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp khiến tập tính sinh học của chúng bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát triển cá thể voi và quần thể.

Ông Cao Chí Công phát biểu tại hội thảo.

“Xung đột người - voi ngày càng gia tăng bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con người ở những nơi voi sinh sống khiến cho mối quan hệ “voi giết người - người giết voi” gần như không thể giải quyết được và xu thế tất yếu là voi sẽ bị giết", ông Cao Chí Công nói.

Nhiều khó khăn trong bảo tồn voi

Theo số liệu điều tra năm 2015, Việt Nam chỉ còn khoảng 60 cá thể voi nhà và trên 100 cá thể voi hoang dã, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đác Lắc , Đồng Nai, và Nghệ An.

Quần thể voi hoang dã còn dưới 100 cá thể được coi là thiếu bền vững trong tự nhiên và đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, mất môi trường sống do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy.

Voi nhà do các tổ chức và hộ gia đình quản lý chăm sóc riêng lẻ không bảo đảm môi trường sống, nguồn thức ăn thiếu dinh dưỡng, sử dụng vào mục đích du lịch quá sức, voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối tự nhiên.

Bảo tồn voi là một lĩnh vực bảo tồn loài khó khăn, cán bộ làm công tác bảo tồn voi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rừng sâu, thường xuyên đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm, nhưng chưa qua đào tạo chuyên sâu về công tác bảo tồn voi kể cả voi nhà và voi rừng.

Một số tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo đã đề cập các thách thức mà công tác bảo tồn voi tại Việt Nam đang gặp phải, đó là: việc sử dụng voi nhà trong ngành công nghiệp du lịch, tình trạng sức khỏe, sinh sản của voi trong các cơ sở nuôi nhốt và Trung tâm bảo tồn, đồng thời cũng đưa ra những đánh giá về mức độ bảo đảm phúc lợi đối trên đàn voi. Các chuyên gia cũng khẳng định, muốn thực hiện thành công chương trình thúc đẩy voi sinh sản, thì voi cần được sống trong môi trường tự nhiên, và phúc lợi của chúng cần được bảo đảm ở mức cao nhất.

Hiện nay, tỉnh Đác Lắc có 44 con voi nhà, trong độ tuổi từ 20-40 chỉ còn 25 con, hơn mười năm trở lại đây không sinh sản. Mặc dù Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc đã có nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp voi sinh sản tự nhiên nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, đàn voi nhà còn lại ít nhưng bị nuôi nhốt lâu năm trong điều kiện không có nơi chăn thả, không bảo đảm nguồn thức ăn. Môi trường này đã ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tập tính của loài voi như bản năng giao phối, tự tìm kiếm các cây thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, voi nhà cũng đang bị khai thác phục vụ du lịch quá mức, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng…

Những nỗ lực bảo tồn

Hoạt động chăm sóc voi của các bác sĩ thú y quốc tế.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á, đơn vị đồng chủ trì hội nghị cũng đưa ra nhận định: "Chúng ta đều nhận thức được những vấn đề mà voi Việt Nam đang gặp phải. Nếu không nhanh chóng thúc đẩy các hành động cụ thể, loài voi sẽ tuyệt chủng trong tương lai không xa. Nhưng tín hiệu tích cực là các chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức và các chủ voi đều đang cùng nhau nghiêm túc hợp tác vì quyền lợi của loài voi”.

Tại tỉnh Đác Lắc, con voi đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và bản sắc địa phương, đặc biệt là đối với nhiều dân tộc như Ê Đê và Mơ Nông. Voi mất đi cũng có nghĩa là một phần quan trọng của lịch sử, văn hóa và bản sắc Đác Lắc sẽ biến mất cùng với loài vật quý này.

Để giúp Trung tâm Bảo tồn Voi nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, rất nhiều các chuyên gia, Tổ chức, điển hình là Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã và đang tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc và quản lý voi; Nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị cho voi cho các bác sĩ thú y và nhân viên trực tiếp chăm sóc voi của Trung tâm Bảo tồn Voi, tỉnh Đác Lắc.

Năm 2016, Tổ chức Động vật châu Á đã ký một chương trình hợp tác trong hai năm với Trung tâm Bảo tồn Voi ưu tiên cho công tác cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc bảo đảm nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, giúp nâng cao phúc lợi động vật. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức hướng đến cộng đồng dân cư khu vực xung quanh cũng như trên cả nước về bảo tồn voi, bảo vệ các loài động vật hoang dã khác tại Đác Lắc, cũng như bảo đảm phúc lợi động vật.

Theo Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn voi tại Việt Nam: Cần một kế hoạch toàn diện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.