Thứ ba, 23/04/2024 17:15 (GMT+7)

Bảo vệ bền vững môi trường biển Lăng Cô

MTĐT -  Thứ năm, 12/08/2021 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giữ gìn đa dạng sinh học biển và đại dương

Với mục tiêu giữ gìn sự trù phú, tươi xanh của biển Lăng Cô, những năm qua, Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giữ gìn đa dạng sinh học biển và đại dương. Cùng với công tác tuyên truyền cho người dân đánh bắt thủy sản đúng luồng, tuyến quy định và xử phạt nghiêm các hành vi khai thác thủy sản theo phương thức tận diệt, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô còn vận động nhân dân thả các loại động vật quý hiếm về biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô phát hiện, bắt giữ, xử lý tàu cá và các lao động trên tàu do vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản. Ảnh: An Bình

Trên địa bàn Đồn Biên phòng Lăng Cô quản lý, người dân chủ yếu làm nghề khai thác thủy sản. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức được tác hại và những hệ lụy của việc khai thác thủy sản tận diệt, từ đó, nhiều hộ dân đã chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, vẫn còn không ít trường hợp khai thác sai luồng tuyến quy định, trong đó, hoạt động khai thác hải sản bằng nghề giã cào diễn biến phức tạp gây ra những hậu quả khó lường.

Hoạt động của tàu giã cào không chỉ làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, phá vỡ hệ sinh thái đáy biển, mà còn gây thiệt hại về tài sản cho ngư dân làm các nghề khác ở ven bờ. Thực tế, đã xảy ra không ít vụ việc va chạm giữa các ngư dân làm nghề giã cào với những ngư dân làm nghề khác do mâu thuẫn về ngư trường khai thác gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã khắc phục mọi khó khăn, triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Kết hợp với thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã bắt, xử lý nhiều vụ việc tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế. Điển hình là vụ việc bắt giữ tàu cá TTH93566TS ngày 3-5-2020, do anh Văn Viết Rin, sinh năm 1993, trú tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc làm thuyền trưởng. Trong quá trình tuần tra, tổ công tác của Đồn Biên phòng Lăng Cô phát hiện tàu giã cào này đang hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên vùng biển thuộc tổ dân phố Loan Lý, thị trấn Lăng Cô. Cả 3 thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân.

Đối chiếu theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã báo cáo và tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng Rin với hành vi: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m để khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn. Mức phạt tiền cho hành vi trên là 60 triệu đồng và tịch thu ngư cụ.

Cũng trong ngày 3-5-2020, qua nguồn tin quần chúng, vào lúc 19 giờ 45 phút, tổ công tác của Đồn Biên phòng Lăng Cô phát hiện thêm tàu cá biển kiểm soát ĐNa31952TS do ông Đặng Văn Tây, sinh năm 1966, trú tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng làm thuyền trưởng, hành nghề giã cào đơn, trên vùng biển thuộc tổ dân phố Loan Lý, thị trấn Lăng Cô. Tổ công tác đã điều tra, xác minh, làm rõ ông Tây sử dụng tàu cá khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn, sử dụng Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với tàu cá đã hết hạn. Đồn Biên phòng Lăng Cô đã báo cáo và tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tây với mức phạt tiền từ 55 triệu đồng đến 80 triệu đồng; tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản.

Chia sẻ về công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản trái phép, Trung tá Nguyễn Hữu Vĩnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lăng Cô cho biết: “Một trong những khó khăn hiện nay là phương tiện tuần tra trên biển của đơn vị công suất nhỏ, chỉ hoạt động được ven bờ. Mỗi lần tổ chức bắt giữ, xử lý tàu cá vi phạm đều phải huy động phương tiện của nhân dân. Hơn nữa, các tàu hoạt động giã cào lại thường xuất bến ở Đà Nẵng, do đó, đơn vị gặp khó khăn trong khâu quản lý, kiểm soát. Các tàu giã cào thường hoạt động vào ban đêm càng khó phát hiện. Khi bị phát hiện, các tàu này thường chặt lưới bỏ chạy, thậm chí, cố tình đâm va, tấn công gây nguy hiểm cho các phương tiện và cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ của đơn vị”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tàu giã cào trái phép đã đạt được những kết quả khả quan. “Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 lượt với 17 phương tiện vi phạm các quy định về khai thác thủy sản. Trong đó, có 3 phương tiện hành nghề giã cào. Ngoài ra, đơn vị phát hiện, bắt giữ 1 tàu cá chở người từ vùng dịch về Thừa Thiên Huế qua vùng biển Lăng Cô nhằm trốn tránh cách ly y tế. Kết quả trên đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự địa bàn” - Trung tá Vĩnh chia sẻ.

Bên cạnh việc đấu tranh, xử lý các tàu khai thác thủy sản sai luồng tuyến, Đồn Biên phòng Lăng Cô còn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học vùng biển Thừa Thiên Huế. Qua tuyên truyền, người dân đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Ngu dân đã thả về biển nhiều loại động vật quý hiếm khi chúng bị mắc vào lưới đánh cá.

Tiêu biểu như ngư dân Nguyễn Minh ở tổ dân phố Đồng Dương, thị trấn Lăng Cô, trong lúc đánh bắt hải sản trên vùng biển cách bờ biển Lăng Cô khoảng 1 hải lý, ông Minh vô tình bắt được 1 cá thể giống rùa biển, nặng hơn 11kg. Ông Minh đã báo cho Đồn Biên phòng Lăng Cô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân về việc này. Sau đó, cơ quan chức năng xác định đó là loài đồi mồi - một loài rùa biển thuộc họ vích là động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, để kịp thời bảo vệ, thả về biển. Trước đó, Đồn Biên phòng Lăng Cô liên tiếp tiếp nhận các cá thể vích quý hiếm từ người dân và đã tiến hành thả về biển.

Những việc làm trên của người lính Đồn Biên phòng Lăng Cô đã góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ đa dạng sinh học cho vùng biển Lăng Cô.

Theo Nguyễn Bích/Báo Biên phòng

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ bền vững môi trường biển Lăng Cô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới