Thứ sáu, 29/03/2024 20:33 (GMT+7)

Bảo vệ học trò nhưng đừng đổ hết lỗi cho cây xanh

MTĐT -  Thứ sáu, 29/05/2020 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc duy trì cây xanh trong trường học là vô cùng cần thiết. Chính vì thế cần sáng suốt trong các quyết định để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không làm mất cân bằng sinh thái.

Sự việc cây phượng bật gốc, đè 18 học sinh, trong đó 1 em bị tử vong tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) vào ngày 26.5 là điều hết sức đáng tiếc. Vụ việc cũng đánh động trách nhiệm bảo vệ an toàn hơn cho học sinh của các trường, của các ngành giáo dục. Điều này dĩ nhiên là cấp nhiết tuy nhiên từ vụ việc này, nhiều trường học đã lập tức chọn biện pháp đối phó với cây đổ, trong đó có trường còn quyết định chặt hết cành của các cây phượng trong khuôn viên trường học, hoặc thậm chí chặt bỏ cây to, không trồng thêm cây mới,...

Cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng bật gốc đè học sinh khiến một em tử vong. Ảnh: TL

Trước câu chuyện này, chia buồn với mất mát và thấu hiểu mối lo lắng của nhà trường và phụ huynh học sinh khắp cả nước, tuy nhiên ở đây đó, bắt đầu có những khuyến nghị của giới chuyên gia hữu quan trước việc đồng loạt chặt bỏ cây xanh. Bởi, lỗi đâu chỉ tại cây xanh mà nên.

Theo Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường học và đối với các đô thị. Các mảng xanh trong trường học cần được duy trì, phục hồi và mở rộng. Đặc biệt trong bối cảnh các thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay đang thiếu mảng xanh trầm trọng. Cây xanh không chỉ giúp điều hòa khí hậu, lọc sạch không khí, tạo bóng mát và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn tạo cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ, giảm nóng bức, mang tới không gian tươi mát. Hiện nay, rất nhiều trường học trong thành phố, nơi nhà trường chưa có điều kiện làm bạt che, mọi sinh hoạt dưới cờ, toàn trường của học sinh đều diễn ra dưới bóng những cây phượng, cây xà cừ (sọ khỉ), điệp vàng, bằng lăng... tươi tốt.

“Các mảng xanh trong trường học, đặc biệt là các trường học tại các thành phố lớn còn góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em. Nhiều thế hệ học sinh khi nghĩ đến trường mình đã chỉ nghĩ đến mùa hoa phượng nở, hoa điệp vàng, tiếng ve kêu râm ran trên khắp các vòm cây”, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn thiên nhiên và giáo dục học sinh tại trường học, nói.  

Tuy nhiên, cũng không thể phủ định nguy cơ cây gãy đổ, thiếu an toàn vào mùa mưa với học sinh tại trường học. Theo bà Huyền cây trồng trong thành phố với mức độ bê tông hóa cao, thường khó có khả năng bám rễ sâu vào lòng đất và do vậy, nguy cơ gãy đổ càng cao. Một cây phượng ngoài tự nhiên, có thể có bộ rễ to gấp ít nhất hai lần tán lá của nó. Nhưng ở trường học hoăc trong thành phố (những khu vực chịu sự bê tông hoá cao), bộ rễ này nhiều khi chỉ bám nông trên mặt đất và rất dễ đổ ngã. Cây quá già cũng dễ gãy đổ. Cây phượng ở trường học có tuổi thọ từ 30-50 tuổi. Cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng lúc đổ ngã cũng đã được trồng 24 năm trước, nghĩa là cũng đã già và có nguy cơ gãy đổ cao hơn. Quá trình trồng cây không đúng tiêu chuẩn cũng có thể là nguyên nhân khác khiến cây trong thành phố đổ ngã.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Trước tên là Trường Pétrus Ký) nhìn từ trên cao nổi bật với kiến trúc cổ và khuôn viên rợp cây xanh. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Minh Hoà Photography

Bên cạnh bắt đầu tiến hành khảo sát nhu cầu trồng và giám sát cây xanh ở TP.HCM, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia gợi ý các trường cần rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hàng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Chặt tỉa cành, đánh giá mức độ mục ruỗng, độ tuổi của cây, khả năng gãy đổ để quyết định thay bằng cây trồng mới.

Thứ haicần hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật... Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng học cách quan sát xung quanh, khẩn trương chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.   

Thứ ba, khi quyết định trồng cây tại khuôn viên các trường học, nhà trường cần được sự tư vấn của các chuyên gia về cây xanh trong trường học để chọn được loài cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khuôn viên trường học và nhu cầu của nhà trường. Có những loài cây cho bóng mát, hoa đẹp, phát triển nhanh nhưng tuổi thọ lại ngắn. Có những loài cho bóng mát, không nhiều hoa, chậm phát triển hơn nhưng tuổi thọ cao và vững chắc...

Thứ tư, khi trồng cây cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu... giúp cho bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Kích thước cây đêm trồng cũng cần lưu ý. Những cây đã to với đường kính thân lên tới 20-30cm, khi đem trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, những rễ lại không bám sâu vào lòng đất và do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn.

Cuối cùng, việc duy trì cây xanh trong trường học là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của học sinh và môi trường nói chung. Chính vì thế cần sáng suốt trong các quyết định để đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng không làm mất cân bằng sinh thái hay lấy đi những mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của thành phố.

Để không còn những tai nạn cây xanh ngã đổ

Tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình các em nhỏ Trường THCS Bạch Đằng. Mặc dù tai nạn cây xanh rất ít xảy ra, nhưng chúng ta không được phép chủ quan.

Hầu hết các loài thực vật hai lá mầm đều là những loài cây có rễ cọc. Những chiếc rễ dài, thẳng, đi sâu xuống đất để giúp cây đứng vững và hút dưỡng chất từ đất lên giúp lá quang hợp nuôi cây phát triển. Tuy nhiên trải qua nhiều năm, lớp lá cây rụng xuống, hàng triệu sinh vật, vi sinh vật giúp lá cây mục tạo thành lớp thảm mục thực vật đầy dinh dưỡng. Lúc này đây, rễ cây có xu hướng mọc ngược để hút dưỡng chất tầng mặt nhiều và tốt hơn. Để giúp cây đứng vững và cân bằng với tầng tán rộng, ở phần gốc cây và các rễ phát triển tạo nên những chiếc bạnh to, rộng (thuật ngữ sinh học gọi là Bạnh Vè).

Khuôn viên Trường trung học phổ thông Marie Curie rợp bóng cây xanh. Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Minh Hoà Photography

Ở hầu hết các cây trồng trong vườn, công viên hay đường phố cây xanh cổ thụ cũng có xu hướng này. Nhưng cây xanh đô thị xảy ra nhanh hơn do con người mở đường, đào đường, các công trình hạ tầng ngầm, xây nhà thiếu qui hoạch,… dẫn đến các phần đất nuôi dưỡng cây xanh bị con người chiếm sạch. Do vậy việc cây đổ không chóng thì chầy.

Ngoài đặc tính sinh học đã nêu, cây xanh còn bị tấn công bởi rất nhiều loài côn trùng, đặc biệt là bọ cánh cứng, mối,… Chúng tấn công chủ yếu là thân và rễ cây khiến cho thân cây bị mục ruỗng, rễ cây bị hư hỏng (việc làm đường, xây công trình phải chặt đứt rễ cây là miếng mồi rất ngon cho “bọn” mối tấn công rất nhanh khiến cây chết).

Việc trồng cây xanh ở đô thị trong vài năm trở lại đây còn phải nói nhiều về kỹ thuật trồng. Đặc biệt một số cây trồng trong khuôn viên cơ quan trường học ít được quan tâm chú ý sâu đến các quy trình kỹ thuật. Trường đại Nông lâm TP.HCM cũng chỉ mới có ngành thiết kế cảnh quan ít năm trở lại đây.

Đối với cây Phượng - Delonix regia loài thực vật thuộc họ Đậu Fabaceae, là loài cây nhập nội, không phải bản địa phân bố ở Việt Nam, được du nhập về trồng. Cây có kiểu rễ chùm, thân dòn, rất dễ bị các loài côn trùng đục khoét nên việc gãy đổ rất dễ xảy ra. Vì là loài cây được xem là biểu tượng tuổi học trò, do vậy, nếu phải trồng cây này trong khuôn viên trường học, chúng ta cần có khu đất rộng, ít bị tác động, cần trồng sâu và chăm sóc, kiểm tra cẩn thận khi mùa hoa trái, cũng là mùa mưa, dông, gió để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cũng vậy, việc trồng cây xanh đô thị rất cần thiết, cây xanh giúp điều tiết khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng để trồng và quản lý cây xanh đúng cách, chúng ta cần phải xây dựng qui trình cụ thể, cần có dữ liệu đến từng cây và có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, tỉa cành cắt nhánh. Tôi thực sự lo lắng cho việc đa số cây xanh ở đô thị hiện nay có rất ít đất cho rễ cây, phần lớn đều bị bê tông.

Điều quan trọng nữa là cần phải có ngân sách tốt cho công tác cây xanh đô thị. Thiết nghĩ những vụ án tham nhũng ngàn tỷ kia thì chỉ cần 10% trong số tiền thu hồi của quan tham đã bị lộ ở đất nước này cũng đủ để giải quyết vấn đề này.

Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung

Thống kê, chỉ riêng TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, chỉ có 491,16 ha đất công viên, bao gồm các công viên công cộng và công viên trong khu nhà ở. Diện tích đất công viên chỉ đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn chung là từ 12 - 15 m2/người và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6.1.2010).

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, số lượng công viên cây xanh trên địa bàn không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay. Diện tích cây xanh trên đầu người của thành phố chỉ bằng 1/18 so với Singapore và thua kém rất nhiều nước trong khu vực.

Theo Lê Quỳnh/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ học trò nhưng đừng đổ hết lỗi cho cây xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới