Thứ sáu, 19/04/2024 00:50 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường lưu vực sông: Cần đột phá

MTĐT -  Thứ bảy, 18/11/2017 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc phát triển và quản lý lưu vực sông hiện nay còn nhiều thách thức, hạn chế cần khắc phục.

Chưa có quy hoạch quản lý tổng hợp
Ngày nay, các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đều gắn với các lưu vực sông (LVS) lớn như hệ thống sông Hồng - Thái Bình, hệ thống sông Đồng Nai, Mê Công, sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cách quản lý truyền thống, thiếu liên ngành, liên vùng đang đẩy các lưu vực vào thế phát triển thiếu bền vững. 

Ô nhiễm tại nhiều lưu vực sông vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: MH

Nguyên nhân của thực trạng này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc quản lý và bảo vệ môi trường nước mà cụ thể là quản lý LVS hiện nay còn quá nhiều bất cập. Cách quản lý chưa thực sự theo phương pháp quản lý tổng hợp và bền vững theo lưu vực sông mà vẫn theo địa giới hành chính; chưa có quy hoạch phát triển toàn diện mà thường quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ như quy hoạch thủy lợi, thủy điện… Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật phân cấp trong quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp trong khi có chỗ lại bỏ trống. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa hiệu quả, thiếu thống nhất.
Điều này được minh chứng khi các thành phần các tổ chức LVS đã lập như Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông (UBBVMTLVS) hiện hoàn toàn bao gồm các đại diện kiêm nhiệm gồm đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương liên quan, dẫn tới những hạn chế trong đầu tư nguồn lực và thời gian cho nhiệm vụ quản lý. Ngay cả bộ máy giúp việc, trừ Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là cơ quan chuyên trách, các Văn phòng Ban Quản lý quy hoạch, Hội đồng LVS hoặc các UBBVMTLVS đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, với kinh phí, hạ tầng cơ sở và cán bộ nhân viên chưa được bố trí đầy đủ và kịp thời. 
Đặc biệt việc BVMT nước vẫn còn còn sự chồng chéo trong phân công giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, đặc biệt là ở những đoạn giáp ranh giữa sông tự nhiên và kênh rạch, giữa các tỉnh khiến việc bảo vệ môi trường thiếu đồng bộ gây ra những hệ lụy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chưa có một tổ chức LVS đủ năng lực để thực thi việc quản lý tổng hợp, sự phối, kết hợp giữa quản lý nước (cho dù là theo quy hoạch thủy lợi) với bảo vệ nguồn nước (theo đề án bảo vệ môi trường). 
Chính sách còn “gặp khó”
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Văn phòng các Ủy ban BVMT LVS, Tổng cục Môi trường cho biết hiện: Việc triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách hoặc giải pháp BVMT theo quan điểm quản lý tổng hợp lưu vực sông (LVS) hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc lập quy hoạch BVMT cho 3 LVS còn gặp khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý và vị trí quy hoạch BVMT so với các quy hoạch khác; việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về một số loại hình sản xuất kinh doanh cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên LVS bị hạn chế do chính sách, pháp luật về đầu tư; việc nâng cao vai trò của các Ủy ban BVMT LVS gặp khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý về quyền lực hành chính của tổ chức cấp vùng, liên tỉnh...
Các Đề án BVMT LVS được phê duyệt với số kinh phí rất lớn (Đề án hệ thống sông Đồng Nai 1.938 tỷ đồng, Đề án sông Nhuệ - sông Đáy 3.335 tỷ đồng). Tuy vậy, nguồn kinh phí cho các Đề án này không được bố trí riêng nên rất khó huy động để triển khai thực hiện, nhất là trong bối cảnh kinh tế cả nước đang gặp khó khăn. Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác này không thể thực hiện được do quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. 
Tại đa số các địa phương, việc phân bổ kinh phí 1% chi sự nghiệp môi trường còn thiếu và sử dụng kinh phí hiệu quả chưa cao. Công tác triển khai xây dựng các nhiệm vụ, dự án cụ thể tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc các Đề án BVMT LVS. Bên cạnh hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường là yếu tố quyết định, nhưng vấn đề này chưa được đầu tư thỏa đáng…
TS. Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, cần có quy định cụ thể các nội dung về quản lý LVS, tổ chức bộ máy quản lý, điều phối hoạt động, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên. Đặc biệt, khắc phục sự cố ô nhiễm nước phải gắn với trách nhiệm, thẩm quyền quản lý Nhà nước về LVS...
Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường lưu vực sông: Cần đột phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Cục QL Tài nguyên nước

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.