Thứ sáu, 19/04/2024 20:49 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ -  Thứ năm, 06/05/2021 08:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đối với Việt Nam, ở trình độ phát triển hiện tại, vẫn cần phế liệu nhựa, giấy để tái chế, phục vụ hoạt động sản xuất (và cũng là cách để tái sử dụng nguồn nguyên liệu này). Tuy vậy, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Theo Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh. Năm 2018, tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước 256 doanh nghiệp. Trong đó, lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp (chiếm 59,76% tổng số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu), số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp (chiếm khoảng 40,24%).

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Do việc nhập khẩu các loại phế liệu này thường đem lại lợi nhuận cao, nên các doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng chức năng, thậm chí, cố tình vi phạm luật.

Để siết chặt việc việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật. Đơn cử như Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 đã quy định chi tiết hơn về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, người nào đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000 kg đến 3.000 kg vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa chất thải khác từ 70.000 kg đến dưới 170.000 kg sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các tổ chức đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy có khối lượng từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg, chất thải khác có khối lượng từ 170.000 kg đến dưới 300.000 kg. Sẽ bị phạt từ từ 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm…

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu này, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại… đã bị nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet


Đây là khung pháp lý để hạn chế nhập khẩu phế liệu nguy hại vào Việt Nam. Tuy vậy, chính sách chung vẫn có kẽ hở như chưa có hoàn toàn chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở. Đó là lý do, khi hàng về cảng, doanh nghiệp nhập khẩu từ bỏ nhận hàng vì nhiều lý do (như làm ăn thua lỗ, nợ thuế, bị tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc “bỏ của chạy lấy người” do có nguy cơ khởi tố hình sự...), cơ quan Hải quan hay đơn vị kinh doanh cảng không thể làm gì với hãng tàu. Vì vậy, vẫn cần một chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận. Có như vậy, hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên.

Tại điều 71, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cũng quy định bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài gồm:

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

b) Có giấy phép môi trường;

c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...