Thứ sáu, 29/03/2024 07:05 (GMT+7)

“Bắt bệnh” ngập nước ở các đô thị lớn - Bài 3: “Vùng sâu” giữa phố thị phồn hoa

MTĐT -  Thứ sáu, 28/10/2022 16:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều tuyến đường sầm uất giữa TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), TP. Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) bị người dân ví như vùng sâu, vùng xa.

Càng đô thị hóa, càng ngập nặng. Càng chống ngập càng ngập. Đó là thực trạng đáng lo ngại của việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thiếu tầm nhìn, chạy theo những cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, bền vững tại không ít thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

Bài 3: “Vùng sâu” giữa phố thị phồn hoa

Tại nhiều khu vực sầm uất nơi phố thị, không ít gia đình phải mua ghe thuyền để chèo đi trên phố tránh lũ.

Dùng ghe di chuyển trên… phố

Bà Trần Thị Hải, trú tại đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi) chua chát khi cho rằng, “sản phẩm đặc thù” ở đường Trần Hưng Đạo là ngập nước. Mưa lâu thì ngập lâu, mưa ít thì ngập ít, tóm lại là kiểu gì cũng ngập. Con đường này tuy có cống thoát nước, nhưng gần như vô dụng.

Theo bà Hải, so với những năm trước đây, tần suất ngập lụt trên tuyến đường này không ngừng tăng lên: “Giờ thì dân ở đây thích nghi rồi. Mỗi lần nghe dự báo có mưa lớn là lo kê đồ lên cao. Một năm mà ngập đến 3 - 4 trận thì chả làm ăn được gì”, bà Hải nói.

Còn trong ký ức của ông Trần Đức Chí (phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi), hơn 10 năm về trước, dù mưa to gió lớn thế nào thì đường Trần Hưng Đạo cũng không ngập. “Khi còn nhỏ, tôi cứ ước trời mưa ngập sân để được nghịch nước, thì nay chả phải ước, chỉ cần trận mưa kéo dài 2 tiếng đồng hồ thì bơi cũng được”, ông Chí hài hước.

Người dân phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) phải dùng ghe di chuyển trên phố sau trận mưa lớn vào ngày 10/10/2022	Ảnh: Nhiệt Băng	
Người dân phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) phải dùng ghe di chuyển trên phố sau trận mưa lớn vào ngày 10/10/2022. Ảnh: Nhiệt Băng

Sau nhiều lần kiến nghị, đầu năm 2022, người dân phường Nguyễn Nghiêm được họp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan về thực trạng này. Lời cam kết mà người dân nhận được là trong quý III/2022, các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp thông cống, nhưng đến nay, cống vẫn chưa thông.

Người dân nơi đây cho rằng, một trong những tác nhân gây ngập úng là do nhà thầu thi công dự án tại khu vực núi Thiên Bút không cẩn thận, để đất đá tràn lan, gặp trúng trời mưa, kéo theo bùn đất tràn về, lấp kín cống thoát nước.

Phải tự cứu mình trước khi trời cứu, nên người dân nghĩ ra nhiều cách chống ngập khác nhau. Với ông Chí, để tránh nước mưa tràn vào nhà, ông đã nâng bậc tam cấp cao lên khoảng 30 cm, nhưng giải pháp tình thế này vẫn không ngăn được dòng nước. Có nhà thì xây tấm chắn bậc cửa.

Dự án chen lấn, cống thoát nước bị tắc không được khơi thông. Nhiều khu vực nền đường cao hơn nhà dân cả mét, là nguyên nhân khiến không ít đô thị hễ chớm mưa là ngập.

“Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gia đình tôi phải bán nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống, chứ không thể sống ở trung tâm thành phố mà ao tù, nước đọng, bùn đất, rác rưới… kinh khủng như vậy”, ông Chí bức xúc và cho rằng, khi xảy ra ngập lụt, chính quyền địa phương nên đến đây trải nghiệm để thấu hiểu cảnh người dân đi làm về phải dọn nhà, rồi hôm sau đâu lại vào đấy.

Anh Nguyễn Ngọc Viên (phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi) cho biết, các nhà đầu tư bất động sản đến Quảng Ngãi luôn hỏi câu cửa miệng là “ở đây có ngập không”. Chỉ cần đáp “ngập ghê lắm” là họ bỏ đi không ngoảnh đầu.

“Gần 10 năm ở TP. Quảng Ngãi, chưa bao giờ tôi thấy cảnh ngập nhanh như những năm gần đây. Tôi ngồi làm việc trên gác thì trời bắt đầu mưa, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ cả căn phòng tầng 1 đã ngập nước lênh láng. Nước ngập còn mang theo cả rác thải lẫn nước cống sinh hoạt trào ngược lên, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm kinh khủng”, anh Viên phản ánh.

Một đô thị cũng nổi tiếng ngập là TP. Tam Kỳ (Quảng Nam). Tại phường Phước Hòa (TP. Tam Kỳ), giờ đây nhiều người dân phải trang bị ghe để đi lại trên phố mỗi khi có mưa lớn. Ông Nguyễn Văn Thuận (phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ) ví von: “Sống giữa thành phố nhưng giống như đang ở rốn lũ vậy. Mỗi trận mưa lớn là nước ở khu vực này ngập từ 50 cm trở lên”.

Theo ông Thuận, thủ phạm góp phần gây ra tình trạng này là con đường Bạch Đằng. Từ khi con đường này cải tạo, nâng cấp, nền nhà ông Thuận thấp hơn mặt đường gần 1 mét.

“Con đường này không chỉ khiến nước thoát ra sông không kịp, mà còn biến khu dân cư kề cận thành cái ao chứa nước. Giờ thì người dân chỉ còn cách sống chung với lũ. Đến nỗi, người dân ở đây tự đóng thuyền, để khi xảy ra ngập thì dùng thuyền chèo ra ngoài mua lương thực cho cả khối phố. Khôi hài hơn, một số người còn mang quần áo đi gửi nơi khác, khi đi làm thì đến đó để thay”.

Mở quán tạp hóa với hy vọng bán kiếm đồng lời mưu sinh qua ngày, nhưng kinh tế gia đình ông Phạm Đình Quý (phường Phước Hòa) cứ “lênh đênh” như dòng nước ngập. “Đồ tạp hóa rất nhiều chủng loại, nên mỗi khi mưa lớn là dọn muốn xỉu. Cứ bưng lên đặt xuống cũng hết ngày rồi chứ đừng nói bán buôn”, ông Quý bức xúc.

Mới đây nhất, khuya ngày 10/10/2022, nước lũ ở TP. Tam Kỳ lên rất nhanh so với các đợt trước. Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, các tuyến đường chính như Hùng Vương, Phan Châu Trinh đã ngập nặng, khiến nhiều phương tiện giao thông chết máy, khoảng 200 ngôi nhà của người dân ở phường Phước Hòa bị nước lũ bao vây. Một số khu vực ngập sâu hơn 1m, nhiều gia đình không kịp trở tay.

“Vùng sâu” giữa hai đầu thành phố

Từ nhiều năm trước, khu đất 2.700 ha thuộc các phường Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) được quy hoạch phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đô thị mới này phía Bắc giáp TP. Đà Nẵng, phía Nam giáp TP. Hội An, phía Đông dọc sông Cổ Cò chạy ra đến biển, phía Tây giáp trục đường liên thành phố Đà Nẵng - Hội An.

Với vị trí như vậy, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được ví là khu đô thị “vàng” trong tương lai. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai các dự án, đến nay, khu đô thị này vẫn ngổn ngang, ngập úng tứ bề.

Giờ đây, trong lòng Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc là những con đường ngoằn ngoèo, đầy ổ gà. Các dự án bất động sản nằm xen kẽ trong các thôn xóm lâu đời.

Ông Nguyễn Tuấn, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn cho biết: “Tiếng là khu đô thị nhưng nhà cửa chẳng thấy mọc lên, mà chủ yếu là những thửa đất hạ tầng nham nhở, đầy cỏ dại và nước bẩn. Bao năm nay, xe chở vật liệu san lấp cày nát bươm con đường liên xã, dân chúng tôi hứng chịu đủ nỗi khổ. Trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì ngập bì bõm. Họ làm dự án xong, bán đất hết thì rút đi, đường sá hư hỏng thì bị vứt lại đó, người đi đường bị tai nạn liên tục. Mới đây, tôi còn bị té trầy cả mặt”.

Anh Trương Văn Phú, một cư dân ở cùng khối với ông Tuấn, bức xúc: “Khổ nhất là mấy đứa nhỏ, đi học về té hoài. Dân chúng tôi ở trong khu đô thị mới mà như ở vùng sâu, vùng xa. Họp hành dân kêu miết nhưng chẳng thấy có thay đổi gì”.

Nằm lọt thỏm trong Khu đô thị River View (do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Dương làm chủ đầu tư), nhiều năm qua, ngôi nhà anh Trương Văn Sang (tổ 11, khối Hà My Trung, phường Điện Dương) cùng những ngôi nhà kề cận nằm “kẹp” giữa các công trình thi công dang dở. Anh Sang cho biết: “Họ lấp đất làm dự án khiến nhà tôi bị trũng hẳn xuống, nên khi mưa nước ngập đến bàn thờ. Để chống ngập, tôi phải làm cái nhà sàn ở đầu hồi cho vợ con ở mỗi khi trời mưa”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 2017, quy hoạch phân khu 1/2.000 Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc bị tỉnh Quảng Nam điều chỉnh. Trước khi điều chỉnh, các dự án mới xen cài trong các khu dân cư cũ như “da beo”, hạ tầng kỹ thuật dang dở, chưa điều chỉnh khớp nối, gây ngập úng trong khu vực.

Không chỉ phố thị, nhiều khu vực ở nông thôn cũng hứng chịu “vết dầu loang” của vấn nạn ngập nước, mà nguyên cớ vẫn là sự tác động thô bạo của con người. Tại vùng ruộng Bàu Định, thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nhờ cống thoát nước chảy ra sông Hà Thanh (nằm dưới đường sắt Bắc - Nam), mà những năm trước đây không bao giờ biết đến úng ngập là gì.

Nhưng kể từ khi Công ty Đường sắt Phú Khánh làm lại cầu và san lấp con cống này, nước không thoát ra được, gây nên tình trạng ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu UBND huyện Tuy Phước kiểm tra, đề xuất biện pháp khắc phục để tiêu úng.

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết “Bắt bệnh” ngập nước ở các đô thị lớn - Bài 3: “Vùng sâu” giữa phố thị phồn hoa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Nhiệt Băng - Thanh Chung/ Báo Đầu tư

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.