Thứ năm, 28/03/2024 17:47 (GMT+7)

Bất cập trong công tác quản lý hóa chất nguy hiểm

MTĐT -  Thứ sáu, 24/09/2021 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước những bất cập, hạn chế tại Nghị định 113/2017 về quản lý hóa chất nguy hiểm, các doanh nghiệp ngành này cho rằng, đã đến lúc Nghị định cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn…

ghgh
Nghị định 113/2017 về quản lý hóa chất đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Công Thương đang soạn thảo bổ sung Nghị định của Chính phủ nhằm kiểm soát đặc biệt đối với hóa chất nguy hiểm. Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Nghị định 113/2017/NĐ-CP (Nghị định 113) có hiệu lực đã hơn 4 năm. Nhìn chung, việc quản lý các hoạt động hóa chất bao gồm xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, phòng ngừa sự cố hóa chất và đào tạo huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất ngày càng đi vào nề nếp. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp tình hình thực tiễn.

Do đó, một số Sở Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động hóa chất đã có kiến nghị gửi Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi một số điểm chưa phù hợp.

Cụ thể, việc phản hồi tự động kết quả khai báo hóa chất nhập khẩu hiện nay tồn tại bất cập như: Một số tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đôi khi chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành; biện pháp chế tài và quy trình xử phạt còn hạn chế mặc dù việc quy định hành vi vi phạm đã có, tuy nhiên lại chưa có biện pháp, quy trình xử phạt nguội các tổ chức, cá nhân vi phạm.

"Việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn thụ động thông qua công tác kiểm tra thực tế doanh nghiệp, như vậy sẽ gây tốn kém, mất nhiều thời gian và không kịp thời", lãnh đạo Cục Hóa chất chỉ ra.

Đáng chú ý, Nghị định 113 hiện chưa quy định việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất đối với các cơ sở hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Khi xảy ra sự cố hóa chất, các cơ sở nói trên còn lúng túng, ứng phó không kịp thời, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các sự cố đối với các hóa chất nguy hiểm thuộc Danh mục hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất các hóa chất nguy hiểm cần kiểm soát khi thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu bao gồm: Dinitơ oxit, xyanua và các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân.

gggg
Đã đến lúc Nghị định 113/2017 cần sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, về khai báo hóa chất nhập khẩu, hiện nay, khai báo hóa chất nhập khẩu triển khai qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Thông tin khai báo hóa chất được tự động chuyển đến hệ thống của Bộ Công Thương, khi đó hệ thống của Bộ Công Thương tự động phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan.

Việc phản hồi tự động kết quả khai báo hóa chất nhập khẩu hiện nay tồn tại những bất cập như, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu các hóa chất để kinh doanh thuộc đối tượng phải cấp giấy phép Kinh doanh hóa chất hạn chế trong đó bao gồm một số hóa chất đặc biệt nguy hiểm như dinitơ oxit, các hợp chất xyanua, các hợp chất thủy ngân nhập khẩu để kinh doanh mà chưa được cấp giấy phép hoặc vượt quá khối lượng được cấp giấy phép, nhưng hệ thống vẫn tự động phản hồi kết quả mà không có biện pháp chế tài kịp thời để quản lý các tổ chức, cá nhân không đạt điều kiện, dẫn tới việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh và trật tự xã hội.

Bộ Công Thương cũng cho biết lý do của đề xuất này nhằm xây dựng khung pháp lý về thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu đối với các trường hợp cần kiểm soát đặc biệt như các hợp chất thủy ngân, dinitơ oxit, các hợp chất xyanua; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất nhập khẩu và bổ sung trách nhiệm giao Bộ Công Thương xây dựng quy trình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân khai báo nhập khẩu hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Còn theo Cục Hóa chất, mỗi năm, khoảng 70.000 bộ hồ sơ khai báo hóa chất nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, hồ sơ nhập khẩu dinitơ oxit, các hợp chất thủy ngân, các hợp chất của xyanua ước tính khoảng 200 bộ.

Như vậy, việc quy định để tăng cường công tác quản lý đối với các hóa chất đặc biệt tác động đến khoảng 0,3% tổng số hồ sơ khai báo hóa chất hàng năm. Việc điều chỉnh này tác động không đáng kể đối với tổng số hồ sơ khai báo hóa chất, chi phí phát sinh thủ tục hành chính không quá lớn (khoảng 80 triệu đồng/năm) nhưng mang lại hiệu quả quản lý chặt chẽ hơn đối với ba loại hóa chất nói trên.

Bạn đang đọc bài viết Bất cập trong công tác quản lý hóa chất nguy hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.