Thứ sáu, 29/03/2024 14:14 (GMT+7)

Bất ổn dự án thép Cà Ná!

MTĐT -  Thứ sáu, 09/09/2016 08:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có quá nhiều lý do cho thấy cần phải thẩm định cực kỳ kỹ lưỡng dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” của Tập đoàn Hoa Sen trước khi cấp giấy phép đầu tư.

Theo Quyết định số 3516 ban hành ngày 25-8 của Bộ Công Thương, dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 10,6 tỉ USD đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025. Trong khi đó, quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mới ban hành ngày 22-8 lại không thấy tên dự án được triển khai ở Ninh Thuận trong danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu.

Đừng chạy theo doanh nghiệp

Trước việc đưa dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vào quy hoạch, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng vấn đề quy hoạch sẽ không còn ý nghĩa khi cứ có bất kỳ dự án nào doanh nghiệp (DN) muốn làm thì lại đưa vào quy hoạch. “Quy hoạch một dự án phải có tính toán thật cẩn trọng và kỹ lưỡng, chứ nhà nước cứ chạy theo DN thì quy hoạch để làm gì?” - bà Lan nói.

Về góc độ thị trường, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Trung Quốc đang dư thừa công suất thép cực kỳ lớn (dự kiến 1.600 triệu tấn/năm) nên buộc họ tăng tốc độ bán hàng để tránh lãng phí đầu tư. Bởi vậy, nếu HSG muốn xây dựng dự án này để cạnh tranh buôn bán thép với Trung Quốc thì câu hỏi đặt ra là liệu có cạnh tranh được không? “Về mặt tài chính, việc HSG tính đến sử dụng nguồn vốn của tập đoàn và một phần vốn vay cũng gây lo ngại bởi vốn vay sẽ hạn chế hiệu quả kinh tế” - bà Lan phân tích.

Đại diện một DN sản xuất thép trong nước cho rằng chỉ tiếp cận rủi ro về thị trường của dự án này đã thấy lộ ra nhiều bất ổn. Quy hoạch đến năm 2025, công suất của ngành thép chỉ rơi vào 20 triệu tấn mà riêng dự án này đã lên tới 16 triệu tấn thì việc sử dụng công suất chắc chắn sẽ lãng phí.

Cũng theo đại diện DN này, về luyện thép thì ở Việt Nam chỉ nhiều nhất là 3 DN có kinh nghiệm sản xuất nhưng trong số này không có HSG. “Nếu làm tôn thì chỉ cần gia công sau cán, tức là xử lý bề mặt, phủ sơn màu thôi, không cần kỹ thuật gì. Nhưng luyện thép là chuyện khác. Các đơn vị muốn tham gia cần xem xét đến rất nhiều yếu tố rủi ro, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, mà muốn làm chủ công nghệ phải có cả vốn lẫn nhân lực được đào tạo, chỉ có tiền mà không có nhân lực sẵn sàng phục vụ thì cũng không được” - đại diện một DN thép nhấn mạnh.

Đừng quên bài học Formosa

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện chưa thể tin tưởng vào khả năng kiểm soát tác hại môi trường của Việt Nam trong các dự án như thế này. “Các DN có thể có tiền để đầu tư nhưng liệu có người đủ trình độ để kiểm soát về tác hại môi trường cũng như giám sát một nhà máy với công nghệ hiện đại hay không? Còn nếu yêu cầu thiết bị có thể kiểm soát được môi trường thì sẽ rất đắt và khó cạnh tranh về mặt kinh tế. Tôi lo môi trường hơn nhiều so với số phận của một DN. Tôi cho rằng mất mát của DN cũng là thiệt hại tài sản và mất mát của xã hội nhưng mất mát về môi trường thì như ta biết qua vụ Formosa, nó lớn hơn nhiều lắm so với mất mát của một DN” - bà Lan băn khoăn.

Cũng theo bà Lan, Việt Nam đã vấp phải thảm họa của Formosa rồi thì không nên để bất cứ một thảm họa nào khác xảy ra nữa. Bài học còn đang nóng hổi như vậy thì không nên sẵn sàng chấp nhận một dự án khác tương tự.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GS Nguyễn Mại, khẳng định không phải cứ sản xuất liên quan đến sắt thép là ảnh hưởng môi trường. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao có công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường và kiểm soát để không gây ra ô nhiễm môi trường. Dẫn ví dụ từ Formosa, GS Nguyễn Mại cho rằng thực tế, dự án của Formosa cũng từng thực hiện đánh giá tác động môi trường khá bài bản nhưng sau khi đưa vào vận hành thì không có cách nào đo đếm được lượng chất thải. “Trên thế giới, khâu đánh giá tác động môi trường được coi trọng nhưng không quan trọng bằng việc theo dõi trong xây dựng, bắt đầu đưa vào vận hành. Liệu với dự án của Hoa Sen có thể thực hiện được điều đó không?” - GS Mại đặt vấn đề.

Lấy đâu ra điện - nước để phục vụ?

Dư luận đặt ra nhiều băn khoăn về dự án nhà máy thép của HSG tại Ninh Thuận, nhất là ảnh hưởng của nó đối với tài nguyên nước, điện.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết theo phân kỳ đầu tư của HSG, giai đoạn 1 (2017-2018), công suất chế biến thép của nhà máy đạt khoảng 16 triệu tấn/năm, cần lượng nước ngọt 30.000 m3/ngày - đêm. Ông Hậu khẳng định ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã có nhà máy nước công suất tương đương đủ cung cấp cho nhà máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất nước; người dân ở 2 huyện Ninh Phước, Thuận Nam từ nhiều năm nay thiếu nước uống, nước sinh hoạt trầm trọng. Như vậy, lấy đâu ra hàng chục ngàn m3 nước mỗi ngày để phục vụ cho nhà máy thép?

Cũng theo ông Hậu, sản lượng điện cần cho toàn bộ dự án là 2.400 MVA. Thế nhưng, Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết hiện trạm biến áp ở huyện Ninh Phước phục vụ cho 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam có công suất khoảng 50 MVA. Đây quả là con số mà ngành điện Ninh Thuận khó kham nổi. “Đến nay, HSG chưa có văn bản nào gửi chúng tôi để đề cập vấn đề này” - một lãnh đạo điện lực Ninh Thuận nói.

Theo Người Lao Động

Bạn đang đọc bài viết Bất ổn dự án thép Cà Ná!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.
Bài thơ: Khúc giao mùa
Mùa như gọi nỗi niềm về gõ cửa///Bất chợt thương, bất chợt nhớ một thời///Khi hoa Xuân dịu sắc trắng chơi vơi///Quyện hương bưởi, hương chanh bay lặng lẽ.
Bài thơ: Gái quê...
Không còn chân lấm tay bùn///Gái quê giờ cũng "ai phôn" cả rồi///Tự phong "Hoa hậu", "Hoa khôi"///Quần đen, nón lá... em tôi chẳng cần

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.