Thứ sáu, 19/04/2024 11:23 (GMT+7)

Bê bối công viên Hồ Điều hoà

MTĐT -  Thứ tư, 24/03/2021 09:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đang dần bị phủ kín bởi bê tông. Thực tế, trong quy hoạch phát triển đô thị, Hà Nội không phải không dành đất để làm công viên, hồ nước.

Vấn đề là quỹ đất đó đang bị “ngủ quên” trong vòng xoáy lợi ích và quả bóng trách nhiệm. Đất công viên, hồ điều hoà bị biến thành "sân nhà" trong những chiêu bài quảng cáo dự án bất động sản; nhiều công trình kiên cố ẩn nấp trong những khu đất vàng "thuê tạm" của công viên, người dân "chắt chiu" từng mảng xanh để hít thờ còn đất quy hoạch xây công viên lại bị bỏ hoang cho cỏ mọc cả thập kỷ...

Trước những nghịch lý đó, các chuyên gia cho rằng, chính quyền đã mở ra cuộc chơi xã hội hoá thì phải kiểm soát được cuộc chơi. Nếu cơ quan quản lý có trách nhiệm với công việc, với người dân, không bị che mờ mắt thì không lý gì lại không nhìn thấy những sai phạm đang diễn ra ngang nhiên như vậy. 

Lời tòa soạn:

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chỉ trong 5 năm (2010 - 2015), tại Hà Nội đã có 17 ao hồ bị san lấp hoàn toàn, tổng diện tích mặt nước sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2.

So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, hồ nước tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất thấp, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn của Liên Hợp quốc là 10 - 12m2/người, và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Nhìn nhận vào thực tế triển khai, còn có một sự thật đáng buồn là bên cạnh những hồ nước bị “bê tông hóa”, lại có những dự án thành phố chủ trương đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó có cả đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, qua nhiều năm thực hiện, đến nay vẫn chỉ là những… chiếc “bánh vẽ”. Doanh nghiệp đã sử dụng xong quyền lợi được trao đổi của mình, nhưng còn trách nhiệm thực hiện công trình, hạ tầng xã hội thì vẫn nằm im lìm trên giấy, mặc cho người dân trông ngóng từng ngày.

Có thể điểm qua một số dự án như: Dự án công viên Chu Văn An; dự án công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang; dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt; dự án công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội; dự án cải tạo hồ Linh Quang; dự án khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông; dự án công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy… Những dự án này, có nơi vẫn là ao bèo và rác thải, có nơi vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, có nơi lại nhường chỗ cho các nhà hàng, quán ăn, bãi đỗ xe "mọc" lên…

Thực tế trên đã kéo lùi mọi mục tiêu, kỳ vọng về một Hà Nội xanh, thông minh và nhân văn, thay vào đó là sự phát triển chộp giật, thiếu bền vững.

Đi tìm nguyên nhân của sự trễ nải thực thi quy hoạch và giải pháp để thức tỉnh những dự án đang “chết lâm sàng” cả thập kỷ, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Công viên, hồ điều hòa Hà Nội "chết lâm sàng" khi cám dỗ lợi ích vẫn còn?

Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

LẤP HỒ THÌ NHANH MÀ SAO ĐÀO HỒ LẠI CHẬM?

Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội thời gian qua nhanh đến chóng mặt. Thời điểm trước năm 2004, toàn Thủ đô chỉ có khoảng 10 công trình cao tầng. Nhưng từ năm 2004 tới nay, sau hơn 15 năm, toàn thành phố đã có hơn 200 công trình nhà cao tầng, và trung bình với 25 tầng thì mỗi tòa nhà có chiều cao khoảng 70m. Hiện tại, thành phố vẫn còn 90 dự án cao tầng đang triển khai, cùng với đó là nhiều dự án đang chờ xem xét điều chỉnh. Thậm chí, có dự án theo quy hoạch ban đầu có 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 - 47 tầng, nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 - 68 tầng.

Nếu tua nhanh thước phim ghi lại quá trình phát triển của Hà Nội, có thể thấy những rừng bê tông mọc lên thoăn thoắt, và bức tranh đó đa phần là màu xám khi việc phát triển mảng xanh công cộng không theo kịp. Những vùng xanh tự nhiên của đất và nước đang dần bị những màu xám của bê tông, nhà cao tầng lấn át. Khi diện tích đất đô thị ngày càng được phục vụ cho nhu cầu nhà ở, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, giải trí thì quỹ đất xây dựng công viên cây xanh, hồ điều hòa ngày càng giảm.

Hiện, chỉ tiêu cây xanh đô thị của Hà Nội khá “khiêm tốn”, chỉ đạt khoảng 2m2/người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (trung bình khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người). Một số thành phố còn có tỷ lệ phủ xanh cao vượt bậc như Singapore là 30,3m2/người, Seoul (Hàn Quốc) là 41m2/người, Moscow (Nga) 44m2/người, Berlin (Đức) 50m2/người.

Cá biệt, tại một số quận của Hà Nội, mật độ dân cư lớn nhưng chỉ tiêu công viên, khu vui chơi công cộng bằng 0. Ở những nơi tập trung dân cư đông đúc lại càng “hiếm” không gian xanh công cộng. Các khu đô thị mới cũng thiếu vắng không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, điều này đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

Sự phát triển của bê tông cũng đã lấn dần diện tích mặt nước, hồ điều hòa của Thành phố. “Hồ nước là những “điểm nhấn” làm dịu đi tốc độ bê tông hoá đến chóng mặt của Hà Nội. Nhưng sự mềm mại không gì sánh nổi của chúng đã và đang bị “nhốt” trong những hình thù tuỳ tiện làm mất đi vẻ tự nhiên, thoáng đãng của không gian mở. Khó ai có thể gọi tên hình dáng của một số hồ Hà Nội sau khi tu sửa. Có cái gần như hình quả bí, cái thì hao hao cái chày, cái lại giống cái đĩa”, một chuyên gia từng đau xót khi nhìn vào thực trạng phát triển mảng xanh của Hà Nội.

Trong vòng 20 năm qua, diện tích mặt nước của Hà Nội đã giảm đi hơn một nửa, từ 2.100ha xuống còn 1.165ha. Tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất, chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội, từ năm 2010 đến nay đã giảm hơn 28.000m2. Và Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ vào năm 2010, chỉ còn lại 460ha.

Trong khi đó, không gian cây xanh, mặt nước có giá trị rất lớn đối với sự phát triển bền vững của một đô thị, khi không chỉ làm giảm nhiệt độ trong đô thị mà còn làm giảm tiếng ồn, điều hòa không khí và ngăn bụi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chưa kể, không gian xanh còn góp phần tạo ra những yếu tố bản sắc cho không gian đô thị, vì thế trong quy hoạch phát triển đô thị không thể thiếu quy hoạch mảng xanh.

Cho nên, khi thiếu hụt những “lá phổi xanh”, người dân Thủ đô thường xuyên phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn đô thị, điển hình như ngập úng, tắc đường. Có thời điểm mức ô nhiễm không khí của Hà Nội đến ngưỡng báo động, nồng độ bụi mịn kích cỡ siêu nhỏ đạt mức 100, gấp 2 lần quy chuẩn quốc gia và gấp trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo nguy hại cho sức khỏe con người.

Sự phát triển đô thị mất cân đối, bê tông nhấn chìm không gian xanh. Ảnh: IT

Vì sao lại có sự phát triển thiếu cân bằng đó? Trong quy hoạch, Hà Nội có dành đất để phát triển mảng xanh không? Câu trả lời là có. Hà Nội đặt ra rất nhiều kế hoạch, mục tiêu “phấn đấu” để trở thành một Thành phố Xanh, nhưng những mục tiêu, kế hoạch đó đa phần vẫn nằm trên giấy.

Lấp hồ thì nhanh, đào hồ thì chậm, đó là lý do vì sao từ nhiều năm trước Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng 25 công viên, hồ điều hòa giai đoạn từ 2016 - 2020, nhưng đến nay mới có 2 hồ được hoàn thành. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ cây xanh của Hà Nội đạt 10 - 12m2/người lại phải dời tiến độ đến năm 2030.

Vậy quỹ đất Hà Nội dành cho phát triển công viên, hồ điều hòa, mảng xanh công cộng của Hà Nội đang được sử dụng ra sao?

HÀNG LOẠT “TẾ BÀO UNG THƯ” BÊ BỐI ĂN SÂU VÀO LÁ PHỔI XANH

Tại Hà Nội, số công viên, hồ điều hòa hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang có một nghịch lý, nơi thì thừa, nơi lại thiếu, nơi thì sử dụng sai mục đích, nơi lại bỏ không cho cỏ mọc.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) được quy hoạch thành khu công viên vui chơi với diện tích hơn 26ha. Đây là một trong 9 công trình “điểm” của Hà Nội, được đầu tư xây dựng với hy vọng trở thành “lá phổi xanh”, nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng, vui chơi của đông đảo người dân. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, người dân tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không khỏi xót xa và nuối tiếc cho một dự án “xanh” đang mỗi ngày một cũ kỹ, có nguy cơ trở thành phế tích giữa lòng Thủ đô.

Phần hàng rào ngăn cách đã bị rỉ sét, hồ nước đã gần cạn, đầy cặn bẩn. Những hạng mục phụ trợ cho khu vui chơi dưới nước của công viên Tuổi trẻ cũng bị hư hỏng nặng, các máng trượt đã mốc xanh.

Nhiều người dân cho biết, từ ngày xây dựng đến nay, hầu như các hạng mục này không đưa vào sử dụng, để phơi nắng, phơi mưa lãng phí. Chưa hết, hàng loạt công trình kinh doanh vô tư mọc trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng nhưng không bị xử lý kiên quyết, gây bức xúc cho người dân. Trong khi thành phố đang “khát” mảng xanh thì một phần lớn diện tích đã được phê duyệt để quy hoạch công viên lại đang bị “xẻ thịt” thành điểm kinh doanh dịch vụ, tiệc cưới, nhà hàng…

Đất công viên bị chiếm dụng làm quán bia, trung tâm tổ chức sự kiện, công khai hoạt động nhiều năm nhưng không bị xử lý dứt điểm. Ảnh: Quốc Phú.

Tình trạng “chảy máu” đất công cũng đang diễn ra trầm trọng tại dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông. Dự án đã có tổng diện tích gần 100ha nhưng mới GPMB được 52,8ha. Hơn chục năm về trước, dự án này được coi là điểm nhấn của đô thị Hà Đông với hy vọng có một không gian vui chơi, hoạt động thể thao rộng lớn phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, dự án này vẫn chưa được triển khai do thiếu vốn, dù đã được giải phóng 50% mặt bằng.

Để tránh bị lấn chiếm, bỏ hoang, năm 2015, UBND quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị khai thác tạm trên đất dự án. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 3461/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng khai thác tạm, toàn bộ diện tích đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất được quy hoạch xây dựng công viên, thể thao cây xanh quận Hà Đông trên nguyên tắc phải đảm bảo mục đích phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao; chỉ được phép xây dựng công trình tạm bằng các vật liệu tạm, khấu hao nhanh (sân bóng mini, sân tập golf, bãi đỗ xe tĩnh…); không được phép xây dựng công trình kiên cố, công trình cấp 4, 1 tầng, không khai thác dịch vụ kinh doanh… để khi Nhà nước có phương án tiếp tục triển khai dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông, các đơn vị sẽ nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho thành phố một cách thuận lợi.

Nguyên tắc, quy định là vậy, tuy nhiên việc khai thác tạm diện tích công viên thể thao này đang được thực hiện không đúng mục đích, khai thác một cách tràn lan, thiếu kiểm soát. Chỉ được phép khai thác tạm bằng việc sử dụng vật liệu khấu hao nhưng hiện tại hầu hết các công trình đã mọc lên tại đây đều rất kiên cố, chỉn chu và được đầu tư kỹ càng.

Tại lối vào cổng chính, 2 trạm barie và hai gò cao đề tên “Khu dịch vụ - thể thao - cây xanh Hà Đông”, không quên bổ sung dòng chữ “khai thác tạm”. Tuy nhiên, tiến vào sâu bên trong khu đất rộng hơn 50ha này có thể thấy ngay hàng loạt công trình kiên cố như sân tập golf, nhà hàng, chợ tạm, kho xưởng mọc lên san sát nhau cùng với đó là hàng chục ki-ốt đã được phân sẵn lô nền nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, thu lợi.

Việc xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh doanh một cách thiếu kiểm soát đã khiến cho khu đất vốn được quy hoạch xây dựng công viên này đang dần trở thành một tụ điểm ăn uống, giao thương bát nháo.

Đáng nói, từ năm 2017, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm, sử dụng sai mục đích tại dự án này và buộc phải tháo dỡ công trình kiên cố. Tuy nhiên không thấy chính quyền xử lý dứt điểm, các công trình sai phạm vẫn thản nhiên tồn tại cho đến bây giờ.

Bức xúc hơn là Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông cho thuê khu đất chỉ với mức giá không thể rẻ mạt hơn, ngang với cốc trà đá vỉa hè: 5.000 đồng/m2/năm. Trong khi trên thực tế, để thuê được một mảnh đất rộng phục vụ cho việc kinh doanh một nhà hàng, doanh nghiệp đã phải bỏ ra nhiều tỷ đồng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp sau khi thuê mặt bằng đã tiếp tục xé lẻ cho nhiều đơn vị kinh doanh khác thuê lại để làm ki-ốt bán hàng, kho chứa hàng, gara sửa xe ô tô,…

Và khi chủ những ki-ốt ở đây ngừng kinh doanh, họ tiếp tục cho thuê lại địa điểm với chi phí đã được đẩy lên cao hơn giá cũ. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông, trung tâm chỉ kiểm soát các doanh nghiệp trực tiếp thuê, còn việc các doanh nghiệp này cho thuê lại giá bao nhiêu thì không thể kiểm soát được.

Như vậy, việc dự án chậm thực thi quy hoạch, phần bị xẻ thịt, phần lại bỏ hoang và chưa biết đến bao giờ mới triển khai đã gây ra một sự lãng phí, thất thoát rất lớn, nhất là khi giá trị gia tăng từ việc cho thuê đất không thuộc về Nhà nước. Mặt khác, tình trạng sử dụng sai mục đích diễn ra nhiều năm nhưng không bị xử lý dứt điểm càng khiến việc đưa “bánh vẽ” công viên vào thực tế vốn khó lại càng khó hơn.

Và đó không chỉ là câu chuyện của hai công viên mà ở rất nhiều công viên khác tại Hà Nội, kể cả những công viên đang hoạt động cũng đã và đang đứng trước nguy cơ bị xẻ thịt do công tác quản lý lỏng lẻo.

Một trong những lý do được đưa ra cho sự trễ nải thực thi quy hoạch là do thiếu vốn. Nhà nước không đủ ngân sách để thực hiện xây dựng công viên theo quy hoạch khiến đất công bị “chảy máu”. Chưa kể, những hạ tầng xanh đã đưa vào sử dụng thì xuống cấp do chất lượng kém và không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên. Trong khi các sản phẩm bất động sản “ăn theo” quy hoạch công viên, cây xanh, mặt nước đã nhanh chóng tạo ra giá trị thặng dư khổng lồ.

Trước thực tế đó, việc xã hội hóa không gian xanh, để tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng xanh như công viên, hồ nước đã được đặt ra. Các doanh nghiệp tư nhân có nguồn vốn dồi dào cũng như khả năng tổ chức thi công hiệu quả. Đây cũng là cách để doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đô thị khi mật độ nhà cao tầng ngày càng gia tăng. Khi doanh nghiệp tham gia và xây dựng hạ tầng xanh công cộng ắt sẽ tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước thu được tiền đất, cộng đồng xã hội có công viên cây xanh, còn doanh nghiệp được thụ hưởng giá trị thặng dư của các sản phẩm bất động sản.

Tuy nhiên, nghĩ là vậy nhưng thực tế lại không như vậy khi tại nhiều dự án công viên lớn nằm trong khuôn viên khu đô thị mới được giao cho tư nhân làm nhưng tình trạng bỏ hoang, đắp chiếu, sử dụng sai mục đích vẫn tiếp tục lặp lại.

Bên cạnh việc cho thuê, sử dụng sai mục đích, có hàng loạt khu đất công dành cho mảng xanh công cộng sau thời gian dài bỏ hoang, đắp chiếu đã dần trở thành đất tư thông qua nhiều hình thức tinh vi như: Xin đất đối ứng cho dự án BT, giao đất với giá “bèo”, chậm tiến độ rồi xin điều chỉnh quy hoạch… đã khiến quỹ đất dành cho phát triển đô thị ngày càng trở nên nghèo nàn.

Đơn cử như tại dự án công viên hồ điều hòa Phùng Khoang nằm trong khuôn viên Khu đô thị mới Phùng Khoang (thuộc quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Đây là diện tích đất đối ứng cho dự án BT đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu) do liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị (thuộc Tập đoàn Nam Cường) và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. Hơn chục năm nhận quỹ đất đối ứng, doanh nghiệp chỉ mải mê phân lô, xây biệt thự, tạo ra những cuộc đổi chác mua đi bán lại mà bỏ bê việc xây dựng hạ tầng xanh theo quy hoạch. Thực tế, chủ đầu tư chỉ dùng quy hoạch công viên để gia tăng giá trị cho dự án bất động sản của mình nhằm thu lợi trước mắt, còn tiến độ của công viên, hồ điều hòa vẫn cứ như... rùa bò nhưng chưa biết bao giờ mới “bò” đến đích.

LỢI ÍCH DẪN ĐƯỜNG CHO SỰ BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tư nhân là người thấy rõ nhất lợi ích từ việc xây dựng hạ tầng cây xanh, mặt nước. Hầu hết các dự án hiện nay khi quảng cáo đều “dựa hơi” vào mảng xanh để nâng tầm giá trị các sản phẩm bất động sản trong đó. Bên cạnh đó, chính vì lợi nhuận từ việc có dự án gần không gian xanh là quá lớn nên không thể tránh khỏi việc nhà đầu tư tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng lên hoặc xây dựng công viên ở vị trí cách xa khu trung tâm, dẫn đến tỷ lệ người được thụ hưởng giá trị mảng xanh đó rất thấp, thậm chí chỉ mang tính chất cục bộ. Không dừng lại ở đó, nhiều chủ đầu tư đã và đang tìm cách “biến” công viên, hồ nước công cộng thành “của riêng”.

Theo các chuyên gia quy hoạch, việc xã hội hóa không gian xanh vốn dĩ rất tốt và cần được khuyến khích, nhưng thực tế, sự buông lỏng quản lý và sự dễ dãi trong việc lựa chọn chủ đầu tư và chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi quy hoạch ban đầu chính là nguyên nhân dẫn đến những bất cập hiện có.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, đất đai đô thị rất có giá trị, tới mức mà nó có thể trở thành “miếng bánh” ai cũng muốn xí phần. Khi người ta đã nhăm nhe vào mảnh đất đó thì có rất nhiều cách thức để hòng thâu tóm được, biến đất công thành đất tư. Và một trong các cách thức là ôm giữ đất, để hoang hóa không thực hiện mục đích phát triển dự án công cộng để chờ đợi được khỏa lấp một lợi ích lớn hơn, nếu không nói là khổng lồ hơn.

“Lợi ích đã dẫn đường cho sự buông lỏng quản lý để cùng hưởng lợi, dẫn đến sự trễ nải trong thực thi các quy hoạch theo lộ trình đã được đặt ra. Để rồi, năm này qua năm khác, chúng ta vẫn thấy những khu đất cây dại mọc um tùm đó, nhiều cây thành cổ thụ nhưng dự án thì vẫn trên giấy. Nhưng vấn đề là chẳng ai xử lý cả. Người dân đi qua thì chỉ biết thở dài, xót xa. Muốn phản ánh nhưng cũng chẳng biết ai sẽ tiếp nhận. Mà chẳng cần người dân phản ánh, nếu cơ quan quản lý có trách nhiệm với công việc, với người dân, không bị che mờ mắt bởi lợi ích thì không lý gì lại không thấy những khu đất cả chục héc-ta bị bỏ hoang mà không có động thái gì”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

--

Theo vị chuyên gia, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc cân bằng lợi ích. Chính các quy hoạch hạ tầng như đường sá, công viên, hồ điều hòa… là đòn bẩy đắc lực cho các chủ đầu tư dự án bất động sản kế cận tăng giá bán. Nhưng chúng ta chưa tạo ra cơ chế quyết liệt để buộc các doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch địa tô trả lợi ích cho thành phố thông qua việc xây dựng các hạ tầng xã hội. Trong quy hoạch khu đô thị mới, thực tế cũng có các chỉ tiêu về công viên, hạ tầng nhưng thường thì doanh nghiệp sẽ tập trung xây nhà bán trước, còn hạ tầng thì làm sau hoặc... bỏ quên, không làm.

“Việc huy động nguồn vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư là giải pháp tốt để triển khai hiệu quả trong bối cảnh ngân sách không đủ. Các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong câu chuyện xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ cho phát triển đô thị, khi hưởng chênh lệch địa tô lớn từ các quy hoạch hạ tầng đó. Nhưng vấn đề là cân bằng lợi ích như thế nào”, ông Thịnh nói.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, một trong những chiêu thức của các chủ đầu tư thường làm để dần hợp thức hóa quỹ đất công thành của riêng, đó là tập trung mọi nguồn lực xây nhà bán trước để thu lợi, còn các hạng mục công viên, hồ nước thì làm sau, thậm chí ì ạch không làm rồi xin điều chỉnh quy hoạch để cắt xén dần dần, gia tăng mật độ xây dựng.

Đây là một cách thức tiếp cận đất đai không lành mạnh, khiến những chi phí đáng lẽ phải bỏ ra để làm những hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân không được chi ra mà lại đi vào túi của tư nhân. Tức là nhà đầu tư được giảm một lượng kinh phí khá lớn để làm hồ điều hòa theo một quy hoạch được điều chỉnh, thay vì phải bỏ ra một lượng lớn vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch ban đầu. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng có liên quan đã đồng ý cho nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch theo hướng cắt xén nói trên và không loại trừ có lợi ích nhóm trong những trường hợp này.

“Chính những cám dỗ về lợi ích đã khiến cho những quỹ đất khổng lồ dành cho công viên, hồ nước chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch, nói đúng hơn là trì hoãn việc thực hiện để trong quá trình trì hoãn đó có thể thu lợi hoặc thâu tóm dần quỹ đất theo một số chiêu thức nhất định. Dư luận vẫn thường gọi đó là tình trạng "chảy máu" đất công.

Và cũng chính những cám dỗ về lợi ích từ đất đai đã và đang kéo lùi mọi ý chí, kỳ vọng và cả mục tiêu đã được đặt ra về một đô thị bền vững, chất lượng, trong đó điểm nhấn là các chỉ tiêu về công viên, cây xanh, mặt nước”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, KTS. Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Eden Landscape cho hay, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của chính quyền đã khiến cho việc xã hội hóa nguồn vốn xây dựng hạ tầng xanh tưởng từng như rất tốt lại đang tồn tại nhiều bất cập đáng lo ngại. Thực tế, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang ẵm gọn “miếng bánh lợi ích”, còn Nhà nước và cộng đồng xã hội dường như chưa được hưởng lợi.

“Tư nhân bỏ tiền ra làm thì người ta muốn thu lợi càng nhiều càng tốt, do đó sẽ có nhiều cách vặn vẹo, lách luật hay làm thế nào để có lợi cho mình. Còn Nhà nước đã tạo ra “cuộc chơi” thì phải kiểm soát được cuộc chơi ấy để mỗi bên có một trách nhiệm thật rõ ràng, nếu không, hạ tầng xanh đó rất khó để thành hình”, KTS. Lê Tuấn Long - Tổng giám đốc Eden Landscape nhận định.

CẦN CHẤM DỨT KIỂU XÃ HỘI HOÁ THÀNH DOANH NGHIỆP "TỰ BIÊN TỰ DIỄN"

Công viên nghìn tỷ bỏ hoang, xẻ thịt công viên, chảy máu đất công… là những cụm từ xuất hiện nhan nhản trên mặt báo rất nhiều năm nay, đến mức dường như câu chuyện này đã trở thành “biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Nhưng nhìn vào tốc độ phát triển thiếu bền vững của đô thị Hà Nội, thật không khỏi bức xúc và xót xa. Muộn còn hơn không, Hà Nội cần phải có những giải pháp mạnh tay và quyết liệt để quỹ đất còn lại dành cho công viên, hồ nước - khoảng thở của đô thị không bị mất đi thêm nữa và sớm trở thành những không gian xanh chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 Phân tích về câu chuyện sử dụng nguồn lực xã hội hóa trong việc phát triển không gian xanh, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Giảng viên trường Đại học Việt Đức cho hay, ở các nước phát triển, việc thực thi quy hoạch ràng buộc, có tính pháp lý và liên quan đến nhiều bên. Tư nhân muốn tham gia vào thì phải cùng với người dân làm theo nguyên tắc đồng thuận. Nhà nước thiếu kinh phí thì họ chỉ có thể tài trợ chứ không được chủ trì làm.

“Việc xã hội hóa không gian xanh hiện tại đang chưa được hiểu đúng và làm đúng. Không phải cứ để cho tư nhân làm là xã hội hóa. Xã hội hóa là câu chuyện huy động sự tham gia của nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước bằng những cơ chế công bằng và minh bạch, tạo ra những lợi ích cho các bên tham gia và phân bổ lợi ích đó một cách hài hòa trong việc phát triển hạ tầng công cộng”, vị chuyên gia nói.

Mặt khác, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp có dự án ở gần công viên, hồ điều hòa đang vô tư hưởng lợi bởi chính quyền chưa có một cơ chế nào ràng buộc hay khuyến khích họ phải đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng cách xây dựng mảng xanh tương ứng với diện tích nhà cao tầng xây lên. Do đó, để loại bỏ được những bất cập này, theo các chuyên gia, cần thiết phải xây dựng những cơ chế khuyến khích kèm theo những điều kiện ràng buộc để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đóng góp xây dựng hạ tầng xanh công cộng.

Nhưng việc khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển hạ tầng xanh không đồng nghĩa với việc “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp vào rồi để doanh nghiệp “tự biên tự diễn” mà cần nhắc đến vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền đô thị.

“Có một thực tế là hiện nay nhiều dự án bất động sản tọa lạc gần các công viên, hồ điều hòa do Nhà nước xây dựng đang được hưởng lợi rất nhiều, trong khi đó chủ đầu tư dự án lại chưa có đóng góp gì to lớn cho việc thụ hưởng đó. Lẽ ra, chủ đầu tư được hưởng lợi từ việc tăng giá bất động sản thì phải bỏ kinh phí ra để xây dựng hoặc bảo trì các không gian xanh. Đằng này cứ quảng cáo dự án cạnh công viên, hồ điều hòa xanh mát rồi bán căn hộ với giá cao, nhưng thực tế công viên ấy lại của Nhà nước xây. Rất bất hợp lý”, TS. Trần Ngọc Hùng, nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá.

Nêu giải pháp, TS. Trần Ngọc Hùng cũng cho rằng, điểm mấu chốt là công tác quản lý cần phải minh bạch, rõ ràng. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch, tránh việc “xin - cho”, luồn lách cửa sau. Có như vậy mới lựa chọn được nhà đầu tư có trình độ, năng lực thực sự để thực hiện dự án có hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần nói đến sự nghiêm ngặt trong quản lý thực hiện quy hoạch của chính quyền đô thị, tránh dễ dãi chấp thuận cho nhà đầu tư thay đổi các hạng mục xây dựng so với quy hoạch ban đầu.

 Đồng quan điểm với TS. Trần Ngọc Hùng, TS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng nhấn mạnh, quy hoạch là một chuyện còn việc thực hiện quy hoạch lại là chuyện khác. Nên nhất thiết phải tăng cường công tác quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện. Đôi khi ban đầu là thế nhưng trong quá trình thực hiện, đến cuối nó lại teo tóp đi. Khi xin phép xây dựng thì đã có các quy chuẩn xây dựng chi tiết, rõ ràng rồi. Chỉ có điều trong quá trình triển khai, doanh nghiệp lại bắt đầu đi “xin” được tăng cái nọ, giảm cái kia. Nếu việc thụ lý hồ sơ không tốt, chính quyền không quyết liệt mà còn có tư tưởng nhận “phong bì” thì hệ lụy thực sự khôn lường.

Ngoài ra, theo TS. Trương Văn Quảng, cần phải công khai, phổ biến quy hoạch chi tiết của các dự án xây dựng hạ tầng xanh đến với người dân để họ theo dõi, giám sát việc thi công xây dựng.

“Tất cả những quy hoạch xây dựng phát triển hạ tầng người dân phải được biết. Có thể là bằng tờ rơi hay biển quảng cáo ở các điểm công cộng để người dân nắm được dự án đó chủ đầu tư là ai, quy hoạch chi tiết như thế nào để khi phát hiện vấn đề là họ có thể tố cáo ngay. Còn hiện tại, quy hoạch chi tiết các dự án dường như đang bị “giấu nhẹm”' đi để dễ bề sửa đổi”, ông Quảng nhận định.

Đi tìm lời giải cho những nghịch lý phát triển nói trên, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hướng xử lý các dự án chậm triển khai, sai quy hoạch… không phải không có, vấn đề là có làm đúng hay không. Lúc này, Hà Nội cần có cuộc rà soát, kiểm tra những dự án nào chậm tiến độ, trễ nải thực thi quy hoạch, sau đó đưa phương án cụ thể, xác định lại nguồn lực đầu tư để sớm đưa các dự án thành hình. Bởi các dự án này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà khi bị treo nhiều năm thì trong khoảng thời gian đó hiệu quả sử dụng đất cũng hoàn toàn tê liệt, nếu không thì cũng thất thoát, rơi vào nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho nhân dân.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp có thể tham gia làm công viên, hồ điều hòa rất tốt. Tại sao lại giao cho những doanh nghiệp chỉ biết ôm đất để hoang?

Theo vị chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất của mọi vấn đề là phải công khai minh bạch. Dự án phải được tính toán đúng giá trị đất đai và đấu thầu. Nếu vẫn còn sự dấm dúi, “quân xanh, quân đỏ”, giao đất cho chủ đầu tư không có năng lực mà “tay không bắt giặc” thì các dự án chưa biết bao giờ mới về đến đích, thậm chí còn bị thâu tóm bằng cách này hay cách khác.
"Câu chuyện các công viên, hồ điều hòa “chết lâm sàng” có lẽ cũng đã đến hồi cần phải có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để làm bừng tỉnh nguồn lực đất đai, biến các bản vẽ thành hiện thực. Không có tham nhũng nào bằng tham nhũng đất đai. Cần phải có giải pháp mạnh tay thì mới có thể ngăn chặn và đưa các dự án phát triển đúng mục tiêu đã đặt ra. Các giải pháp luôn có và dễ nhận thấy, vấn đề là TP. Hà Nội có muốn làm hay không mà thôi", vị chuyên gia khẳng định.

Tóm lại, dù triển khai bằng nguồn vốn nào, vốn ngân sách hay vốn tư nhân, thì yếu tố tiên quyết phải chú trọng tới đó là công tác quản lý của chính quyền đô thị. Quản lý tốt thì việc triển khai xây dựng mới có hiệu quả. Tại Singapore và Nhật Bản, các nhà quản lý luôn xác định quy hoạch đô thị đặc biệt là quy hoạch không gian xanh phải hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai do đó việc phê duyệt quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch luôn được quản lý một cách nghiêm ngặt. Có như vậy, mới đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan nhất là với cộng đồng, xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị.

Nếu không có những giải pháp quyết liệt, Hà Nội khó hướng tới mục tiêu trở thành Thủ đô Xanh, nhân văn.

 Hà Nội sẽ dần biến mất những mảng xanh và không thể phát triển thành một đô thị xanh đúng nghĩa, nếu không có định hướng sử dụng quỹ đất đô thị hợp lý. Đặc biệt, phát triển đô thị xanh cần phải gắn chặt với đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố đặt mục tiêu ngay trong năm 2021 phải tạo ra được những chuyển biến mà người dân nhìn thấy được. Một trong những việc phải làm được ngay là xây dựng thêm những công viên cây xanh, kể cả công viên “mini”. Thành phố đã chỉ đạo, tất cả đất xen kẹt, chỗ nào có thể bố trí làm công viên cây xanh được thì phải bố trí xây dựng ngay.

“Thành quả phát triển mà người dân không thụ hưởng thì thành quả đó cũng không có ý nghĩa gì; trước khi làm việc lớn thì phải làm tốt những việc nhỏ, tạo cho được sự chuyển biến mà người dân có thể cảm nhận được, có như vậy người dân mới tin tưởng và đồng hành”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Đó là quyết tâm đáng hoan nghênh của vị Bí thư Thành ủy nhưng quyết tâm của lãnh đạo Thành phố chỉ thực hiện được khi loại bỏ được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Chỉ khi chính quyền từ cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao, cùng có quyết tâm và trách nhiệm vì một Thủ đô Xanh, phát triển bền vững, vì chất lượng cuộc sống của người dân thì mọi nút thắt mới được tháo gỡ.

Đơn cử, Hà Nội đã chỉ ra việc có 383 dự án chậm triển khai, chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sử dụng sai mục đích… từ năm 2018 nhưng đến đầu năm nay, con số được công bố về số dự án này vẫn giữ nguyên, chưa được cập nhật.

“Các vi phạm này không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được HĐND Thành phố cảnh báo, kiến nghị từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhận được nhiều kiến nghị của cử tri.

Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước trong tổ chức thức thực hiện, chưa sâu sát và kiên quyết, chưa kịp thời, còn nể nang, né tránh, chưa làm hết trách nhiệm.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở ngành với quận, huyện, thị xã còn hạn chế, chưa chủ động trong tham mưu cho UBND Thành phố trong quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành thành phố chưa tham mưu, cập nhật theo dõi các dự án, công tác hậu kiểm còn hạn chế”, Kết luận của HĐND TP. Hà Nội thừa nhận.

Với các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang, trong đó có rất nhiều dự án công viên, hồ điều hòa, phải nói rằng, càng chậm xử lý, thất thoát càng lớn. Và thất thoát lớn nhất là làm xói mòn lòng tin, kỳ vọng của người dân về một Thành phố văn minh, đáng sống.

Những mục tiêu, kế hoạch vẫn còn đó và luôn rất hay ho, những bản vẽ cũng rất “xanh” và đẹp nhưng thực tế thì những Khu đô thị mới vẫn mòn mỏi trông ngóng mảng xanh, nhiều khu dân cư phải đi cách xa hàng cây số mới tìm được chút khoảng thở dể hít hà, tập thể dục. Và thi thoảng, người ta lại thấy cảnh người già phải dậy sớm lúc 4 - 5h sáng mới có chỗ để chạy bộ, người trẻ muốn chạy bộ ban ngày cũng phải đi lên vỉa hè, chỗ nào bị lấn chiếm lại phải chạy xuống lòng đường, trẻ em cũng mất dần chỗ vui chơi ngoài trời, phải vào các trung tâm thương mại đắt đỏ…

Đó là những câu chuyện thật khiến người ta phải xót xa!

Bê tông cao tầng đang nhấn chìm không gian xanh tại Hà Nội. 

"Trong khi người dân Thủ đô đang rất thiếu diện tích công viên, cây xanh mà nhiều công viên lớn lại “trưng dụng” đất công viên làm nhà hàng, quán nhậu, sử dụng đất sai mục đích như vậy là sai trái. Những đô thị mới phải đảm bảo đủ tỷ lệ diện tích khu vui chơi, công viên, những khu đô thị cũ thiếu phần diện tích này phải thu hồi lại những nơi đất sử dụng sai mục đích, đất xen kẹt, những bãi xe, nhà hàng trái phép… để phát triển khu cây xanh, khu sinh hoạt giải trí, thể thao cộng đồng cho người dân”

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng

Theo Nguyên Hà/Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Bê bối công viên Hồ Điều hoà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?