Bến Tre: Mặn xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 30km
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, kết quả đo mặn tại 13 điểm trên các sông chính của tỉnh, hiện độ mặn 4%o đã xâm nhập, cách các cửa sông chính khoảng 25 - 30km.
Hiện nay mực nước tại các trạm chính trên sông Mekong đang xuống dần ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp nhất trong các năm qua. Đặc biệt, thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ trạm Luang Prabang (do hồ thủy điện Xayaburi tích nước) và trạm Kongpong Luong (Biển Hồ, còn cao hơn 3cm tính đến 18/11). Vì vậy, mặn xâm nhập đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh sớm hơn so với nhiều năm và dự báo sẽ cao hơn và sâu hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, kết quả đo mặn tại 13 điểm trên các sông chính của tỉnh, hiện độ mặn 4%o đã xâm nhập, cách các cửa sông chính khoảng 25 - 30km. Trong đó sâu nhất là trên sông Hàm Luông, qua địa bàn xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) và xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam).
Xâm nhập mặn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre sớm hơn so với nhiều năm. Ảnh TTXVN |
Thời gian tới, các đợt gió mùa đông bắc hoạt động mạnh do không khí lạnh liên tục tăng cường, kết hợp với các kỳ triều cường và mực nước thượng nguồn đang ở mức rất thấp nên dự báo độ mặn sẽ còn tiếp tục tăng và xâm nhập sâu vào các sông trên địa bàn tỉnh. Dự báo tình hình xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến phức tạp, các thông tin xâm nhập mặn sẽ được dự báo cảnh báo thường xuyên trong các bản tin dự báo cảnh báo xâm nhập mặn chi tiết hàng tuần của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các sở, ngành, địa phương cảnh báo thông tin đến người dân cẩn trọng trong việc lấy nước tưới tiêu và có kế hoạch ứng phó với tình hình xâm nhập mặn.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, đảm bảo thực hiện tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng có liên quan khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn; đảm bảo an toàn, hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt các cửa cống.
Ngọc Bùi T/H