Bến Tre: Nguyện vọng của xã viên chưa được giải quyết thấu đáo
Việc UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các xã viên của HTX kinh doanh vận tải hành khách công cộng thay mới toàn bộ các phương tiện vận tải vẫn còn hạn sử dụng khiến người dân gặp khó khăn.
Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đăng tải bài “Bến Tre: HTX kinh doanh vận tải hành khách công cộng kêu cứu” phản ánh việc UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các xã viên của HTX thay mới toàn bộ các phương tiện vận tải vẫn còn hạn sử dụng và đang hoạt động bình thường.
Ngày 2/8/2016, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch số 3929/KH-UBND về việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải giai đoạn 2016 – 2020 và tinh thần của Công văn số 5782/UBND-KT ngày 20/12/2017 về thời gian thực hiện lộ trình đổi mới các tuyến xe buýt của tỉnh Bến Tre. Xã viên các HTX kinh doanh vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bến Tre, đề nghị UBND nên xem xét lại nguyện vọng của đa số các xã viên đang kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt tại các HTX, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên chủ trương trên của tỉnh gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con xã viên của HTX. Hơn nữa, đa số các xã viên đang kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt tại các HTX đã gắn bó rất nhiều năm với nghề từ những ngày đầu lập nên các tuyến xe buýt trên địa bàn.
Các phương tiện mới sử dụng từ 10 đến 12 năm. Việc phải bắt buộc thay mới toàn bộ các phương tiện chưa hết hạn sử dụng đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của xã viên HTX. Bên cạnh đó, cũng chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ, nên chính quyền địa phương cần phải xem xét lại nguyện vọng chính đáng của bà con xã viên.
Trả lời đơn khiếu nại của bà con xã viên HTX gửi vào ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Bến tre có Công văn số 5546/UBND-KT ngày 22/11/2018. Cụ thể “… chủ trương đổi mới các tuyến xe buýt đang khai thác, Sở GTVT phối hợp với các ngành, UBND các huyện, TP. Bến Tre, lấy ý kiến đóng góp của các HTX vận tải hành khách bằng xe buýt sau khi đi tham khảo hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt của các tỉnh bạn, đồng thời công tác tuyên tuyền, triển khai chủ trương đổi mới phương tiện đến các đơn vị vận tải được thực hiện thường xuyên và thời gian cho các HTX chuẩn bị thực hiện tương đối dài từ khi triển khai (năm 2016) đến khi thực hiện khoản 03 năm (2019) trước mắt là hai tuyến xe buýt có hiệu quả nhất, tần suất hoạt động cao là tuyến xe buýt Bến Tre – Tiệm Tôm huyện Ba Tri và tuyến xe buýt Bến Tre – Khâu Băng huyện Thạnh Phú và các tuyến còn lại khoảng 04 năm. Ngoài ra, việc đổi mới xe buýt nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (trong đó có đổi mới phương tiện), không quy định niên hạn sử dụng phương tiện nên không trái với quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, chủ yếu do chất lượng phương tiện không đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như phù hợp với quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT “Quy định đối với xe buýt đáp ứng đầy đủ các quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố” vì các tuyến xe buýt hiện nay đều chạy qua TP. Bến Tre.
Công văn số 5546/UBND-KT ngày 22/11/2018 của UBND tỉnh Bến Tre trả lời đơn xin cứu xét của đại diện xã viên các HTX VTHKCC. |
Việc nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, sức khỏe, quyền lợi của đa số người dân sử dụng dịch vụ với chi phí phù hợp là theo đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải… Đối với các xe buýt hiện đang hoạt động trên tuyến phải nâng cao chất lượng vận tải mà không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng VTHKCC, nếu còn niên hạn sử dụng và còn hạn đăng kiểm theo quy định của pháp luật thì tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chuyển sang loại hình hoạt động kinh doanh phù hợp với tần suất hoạt động thấp hơn như kinh doanh theo hợp đồng, tuyến cố định”.
Đơn khiếu nại Công văn 5546/UBND-KT ngày 22/11/2018. |
Ông Lê Thanh Phong (Xã viên HTX kinh doanh vận tải hành khách công cộng) cho biết: Xã viên chúng tôi thắc mắc vì công văn nêu bố trí xe chạy tuyến cố định là như thế nào, ai cũng có tuyến, ai cũng có chủ xe hết rồi sao mà chạy được? Công văn này cũng thể hiện việc “đưa tuyến chưa khai thác”, vậy là đưa tuyến nào? Rồi xe buýt làm sao chạy hợp đồng được, ai mà đi, người ta đi xe hợp đồng là xe mới. Bà con chúng tôi ai cũng khổ, chạy xe kiếm ăn hàng ngày, bây giờ tiền đâu mà đổi xe”.
Các xã viên HTX gửi đơn kêu cứu khắp nơi với mong muốn các cơ quan chức năng của Bến Tre nên xem xét nguyện vọng của bà con xã viên. |
Chủ trương trên đã gây ra không ít khó khăn cho các xã viên. Dẫn đến việc các xã viên HTX gửi đơn kêu cứu khắp nơi với mong muốn các cơ quan chức năng của Bến Tre nên xem xét nguyện vọng của bà con xã viên. Nhưng nguyện vọng của bà con xã viên một lần nữa vẫn không được UBND tỉnh Bến Tre xem xét giải quyết một cách “thấu tình đạt lý” dẫn đến người dân gửi đơn khiếu nại khắp nơi vô tình tạo tiền lệ xấu cho địa phương(?!).